Hiệu quả từ lao động trị liệu cho người tâm thần
Lao động trị liệu cho người bệnh tâm thần là mô hình gắn lao động vào hoạt động trị liệu, góp phần rút ngắn thời gian điều trị, hỗ trợ bệnh nhân sớm hòa nhập cộng đồng. Ngoài quản lý, chăm sóc đối tượng, Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Hoài Nhơn còn thành lập một số tổ nghề nghiệp, trong đó mới nhất là tổ nghề đan nhựa giả mây.
“Khi nào có hàng làm lại, cán bộ ơi?”
Tiếng ai đó cất lên làm chị Nguyễn Thị Thu Hảo, nhân viên trợ giúp phục hồi chức năng của Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Hoài Nhơn quay lại. Đến gần nhóm người bệnh thực hiện khá tốt việc đan nhựa giả mây như ông Hùng (TP Quy Nhơn), chị Hồng, anh Lập (TX Hoài Nhơn)…, chị Hảo từ tốn giải thích, do nguồn hàng đang bị gián đoạn nên công việc tạm dừng. Lúc nào có hàng sẽ thông báo ngay với mọi người để đi làm.
Sau hơn một năm thành lập, Tổ nghề đan nhựa giả mây thu hút đông dần số người tham gia, đến nay đã có khoảng 40 người biết đan. Họ được giao phụ trách những công đoạn đơn giản, lúc làm việc luôn có nhân viên của Trung tâm cận kề hướng dẫn, hỗ trợ. Nam giới chủ yếu ráp khung, bắn đinh, vít, phụ nữ thì quấn dây, đan dây. Tổ đã hoàn thành được 385 khung đan thuộc đủ kích thước, nhận về số tiền công hơn 2,2 triệu đồng. Trung tâm đã chi 80% số tiền này cho những người trực tiếp làm, phần còn lại chi phí xăng xe giao, nhận hàng và sửa chữa dụng cụ làm nghề.
Một số người đã thạo việc cho biết, ban đầu họ chỉ muốn đi làm chứ chưa hình dung sẽ làm gì, “khi thấy cái súng bắn đinh kêu tách tách thì giật mình suốt”, nhưng làm được vài buổi thì thấy không khó lắm, lại vui nhiều.
“Nói chung, mẫu nào cũng có kiểu quấn dây và đan nhựa khá giống nhau. Chỉ có cái khác là mắt đan to hay nhỏ, cán bộ chỉ vài lần là tôi làm được. Tôi và một số anh chị em muốn đan nhựa vì được ra ngoài khu ở, đến nơi làm việc thấy vui và thoải mái hơn nhiều. Ngoài ra, chúng tôi còn được nhận tiền công, tuy không nhiều nhưng có tiền để mua đồ ăn thêm theo ý mình, cũng thích lắm”, chị Nguyễn Thị Hạnh, ở huyện Tuy Phước, chia sẻ.
Người tâm thần chăm sóc vườn rau của Trung tâm. Ảnh: K.H
Sự ổn định của người bệnh là động lực lớn nhất
Theo ông Đoàn Thế Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Hoài Nhơn, đơn vị đang quản lý, nuôi dưỡng 525 người tâm thần, trong đó có 393 nam và 132 nữ. Với công tác điều trị, bên cạnh việc dựa theo phác đồ của Bệnh viện Tâm thần tỉnh cùng những phương pháp hiệu quả khác, Trung tâm nỗ lực vượt khó triển khai mô hình lao động trị liệu với mong muốn giúp người bệnh sớm cải thiện, phục hồi, hòa nhập cộng đồng.
Cùng với Tổ nghề đan nhựa giả mây thành lập hơn 1 năm qua, Trung tâm đã thành lập trước năm 2020 và duy trì đến nay một số tổ nghề khác như: Cắt tóc, bó chổi, may vá, thợ nề, trồng, chăm sóc hoa, cây cảnh. Đa số bệnh nhân tham gia các tổ nghề trên tinh thần tự nguyện, có mong muốn được học nghề, tiếp cận nghề, một số người đã biết và làm nghề trước khi vào Trung tâm. Dù vậy, với tình trạng sức khỏe hiện tại, việc dạy nghề, hướng dẫn họ làm việc không hề đơn giản.
Chị Nguyễn Thị Thu Hảo cho biết phải kiên nhẫn, cân nhắc từng chút một, bởi người bệnh không thể làm những việc quá phức tạp, quá sức. “Chúng tôi cũng có thói quen “nhìn trời”, cứ hễ hôm nào thấy “trời trở” là sáng sớm đi một vòng các khu ở, hỏi họ có thấy khỏe không, có muốn đi làm không. Nếu họ tỏ ra ngại ngần thì khuyên họ nghỉ một ngày. Kế hoạch làm hàng của ngày đó, chúng tôi chia nhau cáng đáng thay họ”, chị Hảo cho hay.
Để người tâm thần có điều kiện học nghề, thực hành, Trung tâm sử dụng kinh phí được cấp, mua sắm trang thiết bị, dụng cụ phù hợp, cử cán bộ, nhân viên đi học nghề về hướng dẫn lại. Cùng với công tác chuyên môn, đội ngũ cán bộ, nhân viên còn thường xuyên học hỏi, chia sẻ nhau về nghề, cách hướng dẫn người tâm thần hiệu quả, phân công nhau theo dõi lúc họ làm việc, phòng chuyện bất trắc, làm thay những lúc họ nghỉ do mệt, ốm.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Võ Khắc Trực, lao động trị liệu là hình thức trị bệnh hiệu quả, bởi các đối tượng nếu ngồi không suốt ngày chắc chắn sẽ có lời qua tiếng lại, tình trạng tái cơn sẽ nhiều hơn.
“Sản xuất, tạo ra sản phẩm sử dụng được trong cuộc sống giúp họ nhận ra giá trị của bản thân. Xa hơn, sau này họ về hòa nhập cộng đồng, nếu có điều kiện, họ có thể có việc làm, thu nhập. Ban ngày tham gia học, làm nghề, ban đêm họ có giấc ngủ ngon hơn. Thực tế tình trạng bệnh nhân la hét, quậy phá vào ban đêm đã giảm rất nhiều; người bệnh có tâm trạng vui vẻ, công tác điều trị bệnh có tiến triển tích cực… là động lực lớn nhất với chúng tôi”, ông Trực chia sẻ.
NGỌC TÚ