Tỷ lệ tiêm vắc xin cho đàn vật nuôi còn thấp
(BĐ) - Theo thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT), từ đầu năm đến nay tình hình dịch bệnh động vật diễn biến phức tạp. Tại Bình Định, những tháng đầu năm đã xảy ra bệnh viêm da nổi cục trâu, bò, với 587 con mắc bệnh, trong đó có 73 bê, nghé đã chết; xuất hiện 3 ổ dịch tả heo châu Phi tại 3 hộ chăn nuôi và 1 ổ dịch cúm gia cầm trên đối tượng chim trĩ và vịt xiêm tại 1 hộ chăn nuôi. Đối với dịch bệnh thủy sản, xảy ra 44 ha diện tích nuôi, chủ yếu các bệnh môi trường, đốm trắng, hoại tử gan tụy. Dù đã được khống chế, tuy nhiên nguy cơ các loại dịch bệnh nguy hiểm trên động vật còn và khả năng lan nhanh là rất cao. Do đó, việc tiêm phòng vắc xin rất quan trọng, vừa đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch, vừa kéo giảm thiệt hại.
Song, đến nay nhiều địa phương trong tỉnh chưa chỉ đạo quyết liệt công tác tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi. Hầu như các địa phương chưa quan tâm chỉ đạo tổ chức tiêm vắc xin bệnh dại cho đàn chó, mèo nuôi. Đối với tiêm vắc xin viêm da nổi cục trâu bò, nguồn vắc xin nhà nước hỗ trợ 50% và người chăn nuôi đối ứng 50%, tỷ lệ tiêm phòng còn thấp, chưa đạt ngưỡng bảo vệ đàn như yêu cầu (cụ thể: An Lão 17,8%, Tây Sơn 20,7%, Vĩnh Thạnh 28,2%, Vân Canh 29,6%, An Nhơn 31,9%, Hoài Ân 34,3%, Phù Cát 34,4%). Tiêm vắc xin cúm gia cầm tại các địa phương đạt ở mức thấp dưới 40%.
Từ thực tế đó, UBND tỉnh đã có chỉ đạo ngành nông nghiệp, các địa phương tăng cường triển khai công tác tiêm vắc xin cho đàn vật nuôi, đảm bảo đạt tỷ lệ bảo hộ đàn. Đồng thời, các ngành chức năng kiểm soát hoạt động mua bán, vận chuyển vắc xin trên địa bàn.
THU DỊU