Lực lượng An ninh kinh tế cần chủ động, nhạy bén, sẵn sàng ứng phó mọi tình huống
Chủ tịch nước yêu cầu lực lượng An ninh kinh tế chủ động phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời nguy cơ đe dọa mất an ninh kinh tế để kịp thời kiến nghị với Đảng, Nhà nước các chủ trương, giải pháp phù hợp, hiệu quả.
Nhân kỷ niệm 77 năm Ngày truyền thống lực lượng Công an nhân dân, sáng 18.8, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thống lĩnh các lực lượng vũ trang nhân dân, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và an ninh đến thăm, làm việc với Cục An ninh kinh tế (Bộ Công an). Cùng dự có Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an; lãnh đạo Bộ Công an.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc duyệt Đội danh dự
Chủ tịch nước biểu dương lực lượng An ninh kinh tế đã kịp thời phát hiện, xử lý hiệu quả những vấn đề phức tạp nảy sinh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững quyền độc lập, tự chủ, góp phần loại trừ các nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia, bảo vệ đường lối, chính sách phát triển kinh tế trên nhiều lĩnh vực quan trọng.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi tới toàn thể các thế hệ tướng lĩnh, sỹ quan, cán bộ, chiến sỹ lực lượng CAND nói chung, lực lượng An ninh kinh tế nói riêng những tình cảm thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày truyền thống lực lượng CAND.
Chủ tịch nước ghi nhận và biểu dương những kết quả, thành tích, chiến công xuất sắc của lực lượng CAND nói chung, Cục An ninh kinh tế và lực lượng An ninh kinh tế toàn quốc nói riêng, góp phần to lớn vào sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, phát triển KT-XH và hội nhập quốc tế của đất nước.
Lãnh đạo Bộ Công an, Cục An ninh kinh tế đón Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến thăm, làm việc
Chủ tịch nước đánh giá, Cục An ninh Kinh tế đã tích cực đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 12 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập kinh tế quốc tế.
Do nắm chắc, dự báo sát, đúng tình hình, phát huy hiệu quả hoạt động của mô hình tổ chức mới, lực lượng An ninh kinh tế chủ động tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước nhiều chủ trương, giải pháp cơ bản, có tính chiến lược, tham mưu xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật về bảo đảm an ninh kinh tế trong hoạch định chính sách phát triển KT-XH đất nước; nhiều vấn đề về hợp tác kinh tế quốc tế, góp phần tích cực thực hiện đường lối đối ngoại, bảo đảm vừa mở rộng hợp tác kinh tế quốc tế, vừa bảo vệ lợi ích quốc gia, chủ quyền lãnh thổ.
Đặc biệt, lực lượng An ninh kinh tế đã lập nhiều thành tích trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, kịp thời ngăn chặn các hành vi “lợi ích nhóm”, dấu hiệu cố ý làm trái các quy định pháp luật, lợi dụng sơ hở để trục lợi, góp phần bảo vệ đường lối, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, xây dựng niềm tin cho nhân dân; trực tiếp tham mưu, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành, địa phương góp phần tích cực bảo vệ các cán bộ đầu ngành về kinh tế, các cơ quan tham mưu chiến lược về kinh tế, các nguồn lực kinh tế để phát triển đất nước.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu
Trong bối cảnh phục hồi kinh tế do những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, suy thoái kinh tế thế giới, xung đột chính trị, chiến tranh thương mại giữa các nước lớn; các thế lực thù địch, phản động tiếp tục thực hiện âm mưu, ý đồ chống phá, Chủ tịch nước đề nghị lực lượng An ninh kinh tế tiếp tục quán triệt sự lãnh đạo, chỉ đạo tuyệt đối, toàn diện của Đảng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm an ninh kinh tế.
Lực lượng An ninh kinh tế chú trọng quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ VII của Đảng bộ Công an Trung ương, Chỉ thị số 12 của Bộ Chính trị về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập kinh tế quốc tế”; cụ thể hóa và triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 12 của Bộ Chính trị về “đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thực sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”; tăng cường nắm tình hình, theo dõi, đánh giá chính xác các tác động của tình hình thế giới, khu vực và trong nước đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế.
Các cán bộ, chiến sĩ Cục An ninh kinh tế chào mừng Chủ tịch nước đến thăm, làm việc
Cùng với đó, lực lượng tiếp tục thực hiện tốt chức năng tham mưu với Đảng, Nhà nước về công tác bảo đảm an ninh kinh tế; rà soát, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về bảo vệ an ninh kinh tế; xây dựng và thực hiện các quy chế, quy định bảo đảm an ninh kinh tế ở những cơ quan hoạch định chính sách phát triển kinh tế, các tập đoàn, doanh nghiệp kinh tế lớn và trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH.
Chủ động phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời những hạn chế, bất cập trong triển khai, thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế; những dấu hiệu vi phạm pháp luật về an ninh kinh tế; các nguy cơ đe dọa mất an ninh kinh tế để kịp thời kiến nghị với Đảng, Nhà nước các chủ trương, giải pháp phù hợp, hiệu quả.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh cùng các đại biểu dự buổi làm việc
Chủ tịch nước lưu ý, lực lượng An ninh kinh tế phải luôn đề cao cảnh giác, chủ động, nhạy bén, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống, không để bị động, bất ngờ, góp phần giữ vững an ninh quốc gia nói chung và an ninh kinh tế nói riêng. Thường xuyên phối hợp trao đổi thông tin với cơ quan chức năng các nước giải quyết hiệu quả các nguy cơ đe dọa an ninh kinh tế từ bên ngoài và bên trong; chú trọng xây dựng, phát triển phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, huy động sức mạnh tổng hợp của mọi tầng lớp nhân dân, doanh nhân vào sự nghiệp bảo đảm an ninh kinh tế, bảo vệ an ninh quốc gia.
Theo Vũ Dũng (VOV)