GIÁ VẬT TƯ NÔNG NGHIỆP TĂNG CAO:
Doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, nông dân thay đổi cách thức sản xuất
Từ đầu năm đến nay, giá các mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi liên tục tăng giá. Ðể giữ giá ổn định hoặc kéo chậm đà tăng, DN sản xuất, kinh doanh tìm cách tiết kiệm chi phí đầu tư, còn nông dân thì chuyển đổi cách thức sản xuất để thích ứng với khó khăn.
Theo ông Nguyễn Văn Duy, chủ cửa hàng vật tư nông nghiệp (VTNN) ở thôn Định Thiện, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước: Từ đầu năm 2022 đến nay, phân bón đã có 5 đợt tăng giá. So với năm 2021, giá các loại phân bón tăng trên 50%, mức tăng cao nhất từ trước tới nay. Hiện nay, phân urê có giá từ 900 nghìn đồng đến 1 triệu đồng/bao 50 kg; NPK giá từ 900 nghìn đồng đến 1,1 triệu đồng/bao 50 kg; DAP từ 1 - 1,5 triệu đồng/bao…
Giá vật tư nông nghiệp tăng cao, các cửa hàng, đại lý kinh doanh ế ẩm. Ảnh: H.Y
Giá các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) tăng quá cao khiến nông dân lâm vào tình thế khó khăn. Ông Quách Văn Cầu, Giám đốc HTXNN Thuận Nghĩa (Tây Sơn) tính toán: Nhìn chung so với hồi đầu năm, phân bón tăng hơn 50%, thuốc BVTV tăng 20 - 30%. Trong khi đó, giá nông sản mua của nông dân lại thấp hơn năm ngoái. Ví dụ, giá lúa năm nay khá thấp, bình quân chỉ 6.200 đồng/kg, giảm 30% so với năm ngoái. Vì thế mức lãi của nông dân cũng thấp theo, ước tính chỉ chừng 800 nghìn đồng/sào, chưa tính công chăm sóc (bình quân là 90 ngày).
Ông Phạm Long Thăng, Giám đốc HTX NN Phước Hiệp (Tuy Phước), cho biết: HTX có 645 ha sản xuất lúa thương phẩm. Từ đầu vụ, HTX đã ứng bán các loại VTNN với lãi suất chỉ 1%, mức lãi thấp nhất từ trước tới nay. Bên cạnh đó, HTX định hướng nông dân sử dụng phân hữu cơ giảm dần sự phụ thuộc vào phân bón vô cơ. Nông dân sử dụng phân bón, thuốc BVTV cân đối, tiết kiệm và hiệu quả; chú trọng áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm, trồng cỏ trong các vườn cây lâu năm để giữ độ tơi xốp và giữ ẩm cho đất.
Không chỉ nông dân, đại lý kinh doanh VTNN mà ngay cả những DN sản xuất phân bón, thuốc BVTV… cũng gặp khó và buộc phải xoay sở. Ông Phạm Phú Hưng, Giám đốc Công ty CP Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Bình Định, cho biết: Chúng tôi đầu tư cải tiến dây chuyền sản xuất, máy móc thiết bị, công nghệ vận hành… đồng thời tìm mọi cách tiết kiệm tối đa chi phí sản xuất, kinh doanh như: Tiền điện, vận chuyển, chi phí quản lý, vận hành… để hạn chế tăng giá, hạ giá thành sản phẩm. Ví dụ, cán bộ kỹ thuật của chúng tôi tự thiết kế, chế tạo và thi công cánh tay robot đóng gói hàng rời, nhờ đó đã nâng cao năng suất giải phóng hàng rời lên gấp nhiều lần so với lao động thủ công, qua đó tiết kiệm được rất nhiều chi phí sản xuất so với trước đây. Hoặc tự nghiên cứu, chế tạo, lắp ráp và vận hành thành công hệ thống tạo hạt mới, không chỉ tiết kiệm rất nhiều năng lượng, mà còn nâng cao chất lượng các dòng phân bón mang thương hiệu Mặt Trời Mới, qua đó đã giúp hạ giá thành sản phẩm.
Dù vậy, những nỗ lực kể trên, theo ông Hưng chỉ như “muối bỏ bể”, vì đây là vấn đề mang tính chất vĩ mô. Nguyên nhân khiến giá VTNN trong nước tăng cao là do nguồn nguyên liệu nhập khẩu gặp khó khăn, giá xăng dầu tăng cao, cước vận chuyển tăng theo và dịch Covid-19 làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng trong và ngoài nước. Ông Nguyễn Hữu Luận, đại diện Công ty CP Xuất nhập khẩu phân bón Minh Tân, nhà cung cấp phân bón lớn nhất khu vực miền Trung - Tây Nguyên, cho biết: Phân bón tăng giá quá cao khiến nông dân đầu tư trồng lúa, cây ăn quả, rau các loại thua lỗ. Các đại lý rơi vào tình trạng ế hàng, tồn kho. Chúng tôi đã phải hạ giá bán thấp hơn so với một số đơn vị khác, thậm chí tại một số nhóm sản phẩm còn chấp nhận lỗ để chia sẻ khó khăn với nông dân.
HẢI YẾN