ICISE sẽ tham gia bảo tồn rùa Trung bộ
Đầu tháng 8.2022 tại Trung tâm Quốc tế khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE, TP Quy Nhơn) đã diễn ra hội nghị tham vấn các bên liên quan về đề án thành lập Cơ sở bảo tồn rùa Trung bộ và Chương trình nhân nuôi, tái thả phục hồi rùa Trung bộ trong tự nhiên.
Rùa Trung bộ (Mauremys annamensis), thuộc họ rùa nước ngọt (rùa đầm), có kích thước trung bình (chiều dài mai đạt 285 mm đối với con cái, 232 mm đối với con đực), đây là loài đặc hữu của Việt Nam, phân bố hẹp, chỉ được ghi nhận ở những vùng đất ngập nước của một số tỉnh miền Trung Việt Nam.
GS Trần Thanh Vân phát biểu tại hội nghị. Ảnh: ÁI TRINH
Mặc dù được bảo vệ theo các quy định pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã của Việt Nam nhưng rùa Trung bộ vẫn bị săn bắt, buôn bán trái phép và hiện đang ở trong tình trạng rất nguy cấp theo Danh lục đỏ IUCN (2021) và Sách đỏ Việt Nam 2007.
“Rùa Trung bộ đã được nhân giống bảo tồn chuyển vị thành công tại Trung tâm Bảo tồn rùa Cúc Phương thuộc Vườn quốc gia Cúc Phương (Turtle Conservation Center - TCC Cúc Phương). Hiện TCC Cúc Phương đang chăm sóc 882 cá thể rùa Trung bộ trong một diện tích hạn hẹp. Vì vậy tại cơ sở này đã tạm dừng cho sinh sản rùa Trung bộ từ năm 2021 vì không đủ cơ sở vật chất cho việc gia tăng quần thể loài này”, bà Hoàng Thị Thanh Nhàn, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học (thuộc Tổng cục Môi trường), cho hay.
Nhằm góp phần vào nỗ lực bảo tồn rùa Trung bộ tại Việt Nam, mở rộng Chương trình nhân nuôi bảo tồn loài rùa đặc hữu rất nguy cấp này, ICISE đã phối hợp với Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học thuộc Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT, Vườn Quốc gia Cúc Phương, Chương trình Bảo tồn rùa châu Á xây dựng dự án Cơ sở bảo tồn rùa Trung bộ ICISE Quy Nhơn với hai mục tiêu chính: Xác lập cơ sở nhân nuôi bảo tồn rùa Trung bộ đầu tiên được thành lập trong vùng phân bố tự nhiên của loài; trở thành cơ sở giáo dục bảo tồn, truyền thông về công tác bảo tồn rùa Trung bộ cho người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế.
Dự kiến Cơ sở bảo tồn rùa Trung bộ ICISE Quy Nhơn có diện tích là 4,12 ha, chia làm 2 phân khu, trong đó phân khu số I dành cho hoạt động xây dựng, nhân nuôi bảo tồn và phần lớn hoạt động giáo dục bảo tồn. Các hoạt động theo dõi sau tái thả khi điều kiện cho phép sẽ được thực hiện trong phân khu số II. Đề án sẽ được triển khai thực hiện trong vòng 5 năm với tổng kinh phí đầu tư dự trù gần 10 tỷ đồng.
GS Trần Thanh Vân chia sẻ: ICISE tán thành mục tiêu đề án bảo tồn và thành lập cơ sở bảo tồn rùa Trung bộ trong khuôn viên ICISE. Đồng thời tin rằng qua việc bảo tồn loài rùa Trung bộ quý hiếm đang nguy cấp, sẽ tác động tích cực tới việc bảo vệ cảnh quan thung lũng Quy Hòa, TP Quy Nhơn.
ÁI TRINH