Mùa hè xanh đi để cống hiến và trưởng thành
Những ngày hè sôi động, trên 500 thanh niên, sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh đã lên đường, tỏa đi các vùng khó khăn thực hiện chiến dịch Mùa hè xanh. Trong màu áo xanh tình nguyện, các bạn trẻ đã hăng hái góp sức hỗ trợ người dân ở những vùng đất khó.
Mùa hè ý nghĩa
Tại xã An Toàn (huyện An Lão), những ngày hè oi ả giữa tháng 7, gần 20 sinh viên (SV) Trường ĐH Quy Nhơn và Trường CĐ Cơ điện - Xây dựng và Nông lâm Trung bộ tập trung thực hiện các hoạt động tình nguyện Mùa hè xanh. Thôn 1, 2 và 3 cách nhau 4 - 5 km, nên các SV phải chia thành nhiều nhóm để thực hiện các công trình, phần việc phù hợp với từng địa bàn.
Khi đã sắp xếp ổn định nơi ăn chốn ở, trong những ngày đầu tiên của chiến dịch, các SV Trường ĐH Quy Nhơn áp dụng kiến thức vào các hoạt động tình nguyện. Các bạn đã lặn lội gõ cửa từng nhà, vận động các gia đình cho con em đến lớp ôn tập hè do SV tổ chức. Tại đây, các em không chỉ ôn tập các bài học văn hóa, mà còn được các “thầy cô áo xanh” hướng dẫn học vẽ, hát, các kỹ năng Đoàn, Đội…
SV tình nguyện tổ chức lớp ôn tập hè cho học sinh tại xã An Toàn (huyện An Lão). Ảnh: Tỉnh đoàn
Bạn Nguyễn Thị Thùy Nhung (SV Trường ĐH Quy Nhơn) cho biết: “Ngày đầu tiên tiếp xúc, dạy học còn khó khăn, các em chưa nói rành tiếng phổ thông, còn rụt rè, ngại ngùng. Kiên trì, nhẫn nại, tôi và các bạn khác tổ chức các trò chơi, giúp các em mạnh dạn hơn, vừa học vừa chơi”.
Tại thôn 2 và 3, SV Trường CĐ Cơ điện - Xây dựng và Nông lâm Trung bộ còn tổ chức các nhóm nhỏ đi tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vệ sinh môi trường; sửa chữa điện cho các gia đình và hướng dẫn cách tiết kiệm điện; vệ sinh đường, kênh mương… Các hoạt động này nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân địa phương.
Ông Đinh Văn Trai (người có uy tín ở thôn 1, xã An Toàn), chia sẻ: “Được các cháu thanh niên tình nguyện từ xa đến giúp vệ sinh môi trường, sửa chữa điện, sửa nhà cho bà con, không lý do gì mình không cùng chung tay. Không khí vui vẻ, thân tình lắm!”.
Trong một tuần “đóng quân” tại thôn O6 và O10 (xã Đak Mang, huyện Hoài Ân), các SV tình nguyện của Trường CĐ Kỹ thuật - Công nghệ Quy Nhơn và Trường ĐH Quy Nhơn có nhiều hoạt động thiết thực, góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc nâng chất các tiêu chí xã nông thôn mới.
Cụ thể, các đội SV tình nguyện đã xây dựng 2 km công trình thắp sáng đường quê; nạo vét 1 km kênh mương; làm sân bóng chuyền cho thôn O6; sơn và sửa chữa lại Trường Mầm non xã Đak Mang… “Từng công trình, phần việc được chính quyền địa phương đánh giá cao. Chúng tôi đã có những ngày hè bổ ích”, bạn Huỳnh Ngọc Thiện (SV Trường CĐ Kỹ thuật - Công nghệ Quy Nhơn), tâm sự.
Trưởng thành từ Mùa hè xanh
Tham gia chiến dịch Mùa hè xanh là cơ hội cho SV, nhất là các bạn SV năm nhất, năm hai được trải nghiệm và trưởng thành qua những hoạt động tình nguyện, trang bị kỹ năng sống và bổ sung kiến thức cho chính mình.
Trong chuyến tình nguyện tại thôn K4 (xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Thạnh), lần đầu tiên Đỗ Quốc Thắng (SV Trường ĐH Quy Nhơn) biết đến việc trộn bê tông làm đường, rồi tham gia sửa sân bóng chuyền, nạo vét kênh mương… “Đó là những việc vất vả, nhưng đầy ý nghĩa vì mình được góp một phần sức trẻ vào xây dựng quê hương. Qua đó, cũng giúp bản thân tôi có thêm kinh nghiệm, kỹ năng sống và trưởng thành hơn”, Thắng cho biết.
Trở về sau chiến dịch Mùa hè xanh tại xã Đak Mang, bạn Đỗ Thị Thảo My (SV Trường CĐ Kỹ thuật - Công nghệ Quy Nhơn), cho hay, trời nắng nóng nhưng các SV tình nguyện không thấy mệt, thay vào đó là niềm vui được giúp đỡ mọi người. “Có đi tình nguyện mới biết cuộc sống của người dân, học sinh tại những vùng dân tộc thiểu số còn gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, tôi càng ý thức được việc phải cố gắng rèn luyện, học tập tốt, tham gia tích cực các hoạt động tình nguyện để giúp đỡ được nhiều hoàn cảnh khó khăn hơn”, My chia sẻ.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội SV tỉnh Đinh Chí Công, chiến dịch Mùa hè xanh kết thúc để lại dấu ấn tốt đẹp đối với người dân địa phương nơi SV tình nguyện đóng quân. Các SV tình nguyện đã triển khai những công trình, phần việc dựa trên thế mạnh chuyên môn, kiến thức của mình, phù hợp với nhu cầu thực tế của địa phương. Từ đó, thể hiện tinh thần xung kích, tình nguyện; tạo môi trường lành mạnh để SV rèn luyện, cống hiến nhiều hơn nữa cho sự phát triển của quê hương, đất nước.
CHƯƠNG HIẾU