An Lão với nỗ lực thoát nghèo
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, huyện An Lão đang tích cực triển khai các giải pháp cụ thể nhằm giảm tỷ lệ hộ nghèo, phấn đấu thoát khỏi danh sách huyện nghèo vào cuối năm 2025.
Tiếp sức cho hộ nghèo
Theo kế hoạch giảm nghèo bền vững của An Lão, giai đoạn 2021 - 2025, huyện hỗ trợ xây dựng, nhân rộng 100 mô hình, dự án giảm nghèo nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững cho hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo. Riêng năm 2022, huyện đã được UBND tỉnh phân bổ 2,628 tỷ đồng từ nguồn bổ sung chương trình mục tiêu quốc gia năm 2021. Trong đó, 2,1 tỷ đồng được dành để thực hiện 7 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho 227 hộ hưởng lợi; số kinh phí còn lại để nhân rộng 2 mô hình giảm nghèo cho 56 hộ hưởng lợi.
Mô hình trồng dâu nuôi tằm triển khai hiệu quả ở xã An Hòa. Ảnh: P.TUẤN
Sau hơn 2 năm gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19, “thế mạnh” của An Lão là xuất khẩu lao động đã được nối lại, sẽ được huyện đẩy mạnh thông qua các phiên giao dịch việc làm. Huyện cũng đã có kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất để mở các lớp dạy nghề đáp ứng nhu cầu xã hội.
Bên cạnh đó, huyện sẽ chú trọng tạo ra các mô hình liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữa hộ nghèo, cận nghèo, cộng đồng với DN. Lợi thế về độ che phủ của rừng trên địa bàn huyện sẽ được khai thác tốt hơn bằng việc tiếp tục thực hiện giao khoán rừng, triển khai các mô hình sản xuất nông - lâm kết hợp gắn với trồng và bảo vệ rừng, tăng thu nhập cho người nghèo, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số bằng mô hình trồng cây dưới tán rừng…
Theo Phòng LĐ-TB&XH, so với giai đoạn trước, việc xây dựng, triển khai các mô hình giảm nghèo tới đây được tiến hành chặt chẽ, kỹ lưỡng, hợp lý hơn nhiều. “Bên cạnh việc lấy ý kiến của người dân, huyện còn thành lập các tổ đi về từng xã, đến từng nhà, khảo sát từng hộ để chắc chắn rằng hộ có đủ điều kiện để triển khai mô hình; khi triển khai sẽ tạo ra chuyển biến như mong đợi”, Phó trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện An Lão Trần Thị Định cho biết.
Toàn xã hội chung tay
Một điểm đáng ghi nhận là huyện An Lão luôn nỗ lực làm tốt công tác xã hội hóa giảm nghèo thông qua việc huy động cộng đồng chung tay hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở, hỗ trợ lãi suất ưu đãi cho hộ nghèo vay để xây dựng nhà ở, không để hộ nghèo ở nhà tạm hoặc nhà thiếu kiên cố. Đảm bảo cho hộ nghèo, nhất là ở vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn tiếp cận nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Cùng với nỗ lực thực hiện tốt các chương trình, đề án, huyện An Lão còn thu hút sự quan tâm của cộng đồng, xã hội trong công tác giảm nghèo.
- Trong ảnh: Nhóm Thiện nguyện Quy Nhơn tặng quà Trung thu cho trẻ em con hộ nghèo ở huyện An Lão. Ảnh: CLB Thiện nguyện Quy Nhơn
Để thu hút sự quan tâm của cộng đồng xã hội, cấp ủy, chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, hội, đoàn thể đã không ngừng nỗ lực bám sát cơ sở, nắm bắt và kịp thời phát hiện, thông tin, chia sẻ về những hoàn cảnh khó khăn.
Bên cạnh đó, người dân An Lão, nhất là cộng đồng người dân tộc thiểu số đã tích cực thay đổi cách nghĩ, cách làm, chủ động tổ chức lao động sản xuất, hướng đến thoát nghèo. Nhiều người chia sẻ rằng, dân H’re hôm nay không đợi cán bộ đi vận động trồng keo nữa, mà còn “giành” nhau mua cây keo giống tốt. Đường sá bây giờ rộng rãi, thông thoáng, không sợ trồng trọt, chăn nuôi rồi không biết đem đi đâu bán. Thế hệ trẻ bây giờ chịu khó làm ăn để nuôi con học hành, xây nhà xây cửa, mua xe máy, xe ô tô.
Cùng với đó là nhiều động thái tích cực khác. Chẳng hạn, thời gian qua, từ việc An Toàn thu hút nhiều du khách, lãnh đạo huyện đã tổ chức khảo sát một số địa điểm khả thi, giao các phòng chuyên môn đề xuất phương án khai thác.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu thoát nghèo vào cuối năm 2025, vẫn còn không ít khó khăn. Lãnh đạo huyện thừa nhận, vẫn còn không ít hộ nghèo nặng tư tưởng ỷ lại. Do đó, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cấp ủy, chính quyền các cấp và nhân dân về chính sách giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 được đặt lên hàng đầu. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ phù hợp đối với hộ nghèo, cận nghèo, thoát nghèo, thoát cận nghèo, nhất là ở các nhóm đối tượng bảo trợ xã hội, người có công, đồng bào dân tộc thiểu số.
“Huyện đặt mục tiêu tỷ lệ hộ nghèo giảm 6%/năm, cao hơn yêu cầu của tỉnh là 5% để nỗ lực hết sức, quyết tâm đạt được mục tiêu đã đề ra. Huyện đã có xã An Hòa về đích nông thôn mới, năm nay phấn đấu có thêm 1 xã - dự kiến là An Tân; đến năm 2025, phấn đấu có thêm 3 xã nông thôn mới”, Chủ tịch UBND huyện Trương Tứ thông tin.
NGỌC TÚ