Chuyện về một “Gia đình văn hóa” mười năm liền
Đến ngã tư cầu Bà Di thuộc địa phận thôn Phú Mỹ 1, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước, rẽ theo hướng QL 19 khoảng hơn 20 bước chân nữa là tới nhà ông Nguyễn Công Thành, hộ gia đình mười năm liền (2003 - 2013) đạt danh hiệu Gia đình văn hóa xuất sắc.
Tiếp tôi, bà Nguyễn Thị Hóa, vợ ông Thành cho biết: “Giờ này (khoảng 10 giờ trưa), anh với hơn 10 công nhân nữa đang ở ngoài tiệm (cửa hiệu Công Thành của gia đình cách nhà gần một cây số, chuyên sửa chữa, trao đổi, buôn bán các loại xe cũ như xe đầu kéo, xe múc… - PV), hơn 11 giờ anh mới về ăn cơm cùng vợ, chiều lại ra tiệm. 65 tuổi rồi, kinh tế gia đình tạm gọi là no đủ, con cái đều có cuộc sống riêng ổn định, song anh vẫn chăm chỉ làm việc, chưa chịu nghỉ ngơi”.
Ông Thành vốn là người ở xã Phổ Thuận, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi vào đây lập nghiệp. Là cựu chiến binh của cuộc kháng chiến chống Mỹ, trở về sau khi chiến tranh chấm dứt, ông Thành tiếp tục đem sức mình xây dựng quê hương. Ngoài việc kinh doanh giỏi, mang lại cuộc sống kinh tế ổn định cho gia đình, ông còn là người đi đầu trong các hoạt động phong trào quần chúng, gương mẫu trong xây dựng đời sống văn hóa ở địa phương.
Cuối tháng 6.2014, tại Hội nghị Sơ kết 3 năm (2011 - 2013) thực hiện Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 24/1998/CT-TTg ngày 19.6.1998 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước của làng, thôn, khu phố trên địa bàn tỉnh, gia đình ông Nguyễn Công Thành là một trong 28 gia đình vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen Gia đình văn hóa xuất sắc mười năm liền (2003 - 2013). Đây không chỉ là niềm vui lớn của riêng ông Thành - người đóng vai trò là “thuyền trưởng”, trụ cột trong gia đình mà còn là phần thưởng xứng đáng cho tất cả các thành viên trong gia đình.
“Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, nói đến thành quả gia đình không thể không đề cập đến công lao của bà Nguyễn Thị Hóa-người vợ, người mẹ chịu thương chịu khó chăm lo cho con cái và chung vai sát cánh, động viên chồng trong làm ăn, cũng như tham gia các hoạt động xã hội. Nói về các con, bà Hóa tâm sự: “Ngã tư cầu Bà Di là nơi thuận tiện để làm ăn buôn bán nhưng cũng là một môi trường sống khá phức tạp. May là các con không bị ảnh hưởng những thói hư tật xấu. Nay các con đều ở xa, vợ chồng tôi luôn nhắc nhở chúng dù sống ở đâu, làm việc gì cũng phải thể hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của mình với nơi mình làm việc, địa phương mình sinh sống, đó là cách góp phần xây dựng đất nước”. Hiện tại người con trai của ông bà là thuyền trưởng, công tác tại mỏ khai thác dầu khí Bạch Hổ, Vũng Tàu, ba cô con gái đều có công việc ổn định trong các cơ quan nhà nước.
Trong gia đình là vậy, với bà con láng giềng, gia đình ông Thành luôn gần gũi, chia sẻ với mọi người, coi trọng tình làng, nghĩa xóm, đoàn kết, tương trợ giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn hoạn nạn, tích cực trong các phong trào đền ơn đáp nghĩa, hoạt động từ thiện nhân đạo…
THANH THỦY