An toàn giao thông đường thủy nội địa: Còn nhiều bất cập
Bến đò hoạt động không phép; phương tiện thủy không có đăng ký, đăng kiểm hoặc có đăng ký nhưng hết hạn vẫn lén lút hoạt động; chưa lắp đặt hệ thống phao tiêu, biển báo, đèn tín hiệu theo quy định… Những bất cập này đã và đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông đường thủy nội địa.
Bình Định có 15 tuyến đường thủy nội địa, trong đó có 6 tuyến phục vụ dân sinh và 9 tuyến vận chuyển khách du lịch. Tuy nhiên, chỉ có duy nhất tuyến Hải Cảng - Nhơn Châu (TP Quy Nhơn) là được UBND tỉnh công bố hoạt động; trên tuyến này đến nay vẫn chưa được lắp đặt hệ thống phao tiêu, đèn báo theo quy định. Chưa kể, trong tổng số 20 bến, bãi đón khách đường thủy, chỉ có duy nhất bến Hầm Hô (huyện Tây Sơn) có phép hoạt động.
CSGT kiểm soát tại Cảng cá Nhơn Lý (TP Quy Nhơn), kiên quyết không cho xuất bến đối với các phương tiện thủy không đảm bảo điều kiện an toàn như không có hoặc hết hạn đăng kiểm. Ảnh: K.A
Ông Nguyễn Thành Tài, Giám đốc Công ty Quy Nhơn Land, nêu thực tế: “Không có bến bãi riêng, hiện nay địa điểm đón trả khách bằng ca nô của Công ty phải sử dụng chung với khu vực của người dân địa phương, là nơi di chuyển của các phương tiện ghe, tàu đánh bắt cá, ảnh hưởng đến cảnh quan, vệ sinh môi trường”.
Ông Nguyễn Quang Thanh, Chủ tịch UBND phường Hải Cảng (TP Quy Nhơn) cho biết, tuyến Hàm Tử - Hải Minh trên địa bàn phường hình thành từ lâu, cũng là tuyến dân sinh tự phát, tồn tại vì nhu cầu thực tế của người dân sinh sống và đi lại hằng ngày. Địa phương cũng có gần 60 phương tiện vận chuyển khách không đủ điều kiện để đăng ký, đăng kiểm với cơ quan chức năng.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, toàn tỉnh hiện có khoảng 70 phương tiện thủy nội địa vẫn hoạt động dù không có đăng ký, đăng kiểm, hoặc có đăng ký nhưng hết hạn đăng kiểm. Theo thượng tá Nguyễn Hồng Vang, Phó trưởng Phòng CSGT (CA tỉnh), nguyên nhân là do các phương tiện này không có hồ sơ thiết kế, vì trước đây đóng theo kiểu truyền thống để hoạt động chở khách dân sinh. Nếu muốn có hồ sơ thiết kế thì phải được cơ sở đóng mới và sửa chữa phương tiện thủy nội địa xác nhận nguồn gốc. Tuy nhiên, các phương tiện này không đóng tại đó nên không có cơ sở để xác nhận; và như vậy không đủ thủ tục nên cơ quan chức năng không đăng kiểm.
Đáng lo ngại, hầu hết những khó khăn, bấp cập trong hoạt động giao thông đường thủy nội địa đã tồn tại từ lâu, các ngành chức năng cũng nhiều lần đưa ra cảnh báo, tìm phương án xử lý, kiến nghị Bộ GTVT… nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Nguyên nhân chính là công tác quản lý đăng ký, đăng kiểm vẫn còn bất cập, ý thức của người dân chưa cao…
Bên cạnh đó, ngay trong công tác xử lý vi phạm, lực lượng chức năng cũng vấp phải nhiều khó khăn. Thượng tá Vang cho biết, đơn vị chưa có cảng và bến bãi để tạm giữ phương tiện vi phạm; nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông thủy nội địa cũng không có chế tài tịch thu phương tiện đối với những trường hợp không có đăng ký, đăng kiểm. Do đó, với các trường hợp vi phạm, nhất là các phương tiện chạy tuyến Hàm Tử - Hải Minh, lực lượng chỉ phạt tiền rồi trả lại phương tiện, dẫn đến việc người dân vẫn lén lút hoạt động.
“Trong khi chờ đợi những giải pháp tối ưu khắc phục những tồn tại này, lực lượng sẽ tiếp tục tăng cường tuần tra, kiểm tra và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Kiên quyết đình chỉ đối với cảng, bến hoạt động không phép, phương tiện vận chuyển khách không đủ điều kiện hoạt động, không đảm bảo an toàn; không cho xuất bến đối với các phương tiện không đảm bảo điều kiện an toàn”, thượng tá Vang nói.
KIỀU ANH