Nhớ hoài bát nước chè tươi
● Tản văn của NGÔ VĂN CƯ
Lâu lắm rồi không uống nước chè tươi nên quên bẵng rằng ở quê mình ngoài các loại trà khô đã qua chế biến thì chè tươi vẫn lẳng lặng chảy một dòng riêng trong đời sống. Hôm nay, đột nhiên được uống một bát nước chè tươi ngon, không dưng lại cồn cào nhớ ba. Ba tôi thường uống chè tươi mỗi sáng; ông ăn sáng qua loa rồi uống một bát nước chè tươi thật đậm là chịu đến trưa. Người không quen uống bát nước chè này có thể say ngất ngư, tôi từng thử, tuy không say nhưng độ chát cao của chè khiến ruột rà như bị xoắn lại. Sau khi ba tôi qua đời thì hầu như trong nhà tôi không còn ai uống chè tươi nữa, ngay cả tôi cũng chỉ thảng hoặc, mà có uống cũng vừa phải không đậm như ba tôi ngày nào. Gần đây, nghe chè tươi có thể chữa được nhiều bệnh nên nhiều người lại trồng chè và uống như một cách phòng ngừa bệnh.
Mỗi vùng miền lại có kiểu nấu và uống chè tươi riêng, tạo thành cái nếp, đại chúng mà ấm áp tình làng nghĩa xóm, một siêu nước chè tươi mà thành phong vị địa phương là vì thế. Không ít người còn cho rằng uống chè tươi là kiểu uống trà dân gian Việt. Vì như đã nói ở trên - uống nước chè tươi không chỉ là giải khát mà còn tạo ra môi trường, không gian gắn kết con người tiềm ẩn dưới một sinh hoạt cộng đồng. Sẽ buồn tẻ và trống vắng biết bao nếu vắng bóng nước chè tươi trong những cuộc hội hè vừa trao đổi kinh nghiệm sản xuất vừa thư giãn sau những buổi lao động mệt nhọc.
Nói đến nước chè tươi là nói đến sự giản dị. Nhưng muốn có một siêu nước chè tươi đúng chất lại phải tốn công hơn pha một bình trà khô. Ba tôi là người có tính xuề xòa, dễ dãi đúng chất nông dân nhưng khi nói chuyện chè tươi và làm cho ra một siêu chè tươi đúng phong vị Hoài Ân như ông luôn tự hào thì ông lại thành một con người khác. Ba thường nói nấu chè tươi đúng cách sẽ có một ấm chè đậm đà, nhưng không gắt, không còn mùi ngai ngái của lá chè và màu nước vừa đủ xanh chứ không ngả sang đỏ quạch. Và phải nấu trong siêu đất thì mới thật sự ngon. Đó luôn là bí quyết cho nghệ thuật nấu chè tươi. Và mỗi khi cần bày tỏ lòng quý mến trân trọng ai đó thì ông phải tự tay mình chuẩn bị mọi thứ từ lúc hái chè cho đến lúc nhóm bếp, rửa lá và bày biện chỗ ngồi.
Ở quê tôi xứ trung du Hoài Ân, nơi có nông trường chè Gò Loi lẫy lừng vào những năm 70 - 80 của thế kỷ trước. Chè Gò Loi có hương vị đậm đà và độ ngọt của nước trà Gò Loi khiến cho nhiều người khó quên, nhờ vậy đặc sản chè Gò Loi đã vượt ra ngoài tỉnh, lan xa mọi miền Tổ quốc. Nhưng trước khi có chè Gò Loi, người dân quê tôi đã có thói quen uống nước chè tươi, còn nếu lần ngược xa hơn nữa sẽ còn có thêm chè Cam Khổ, loại chè đã được sách Đại Nam Nhất thống chí ghi nhận. Cũng ít người biết rằng Cam Khổ là 2 loại chè chứ không phải là một, nhưng đó là một câu chuyện hẹn bạn dịp khác.
Bây giờ, để có một bát nước chè tươi, mọi thứ đơn giản và nhanh hơn ngày xưa rất nhiều bởi đã có bếp ga, bếp điện, ấm nấu siêu tốc, ấm nhôm... Chỉ cần hái lá chè, kể cả lá già và cành nhỏ bỏ vào cối giã nát rồi nấu sôi là có một ấm chè tươi. Nhưng không còn cảnh tối tối đến, cả gia đình ngồi với bát chè tươi kể chuyện ngày xưa, hoặc hai ba nhà ngồi lại với nhau để bàn chuyện đồng áng ngày mai. Tôi lại nhớ da diết hình ảnh ba tôi vừa uống chè tươi vừa đọc một vài khổ thơ hoặc ngân nga vài khúc hát dân dã quê mùa. Rồi cũng rất tự nhiên, sợi dây ký ức khiến tôi ngộ ra rằng năm xưa người ăn sáng quấy quá đâu phải vì nước chè tươi ngon đến mức thay được bữa sáng; ấy là vì người muốn nhường phần cho vợ cho con đấy thôi!
Có những điều thoạt nhìn rất bình thường trong cuộc sống nhưng thật ra ẩn bên dưới lớp áo đơn giản ấy là rất nhiều thâm hậu yêu thương.