Xây dựng văn hóa học đường, khơi dậy khát vọng cống hiến cho thế hệ trẻ
(BĐ) - Chiều 22.8, Bộ GD&ĐT phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành về Đẩy mạnh công tác xây dựng văn hóa học đường. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự, chỉ đạo hội nghị.
Tham dự hội nghị tại điểm cầu Bình Định có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang; đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, các sở, ngành, địa phương, trường đại học (ảnh).
Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, văn hóa học đường là môi trường quan trọng để rèn luyện nhân cách và giáo dục thế hệ trẻ thành những con người phát triển toàn diện đức - trí - thể - mỹ, có lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc. Xây dựng văn hóa học đường góp phần xây dựng con người và phát triển văn hóa con người Việt Nam. Thời gian qua, xây dựng văn hóa học đường được xác định là một trong những nhiệm vụ lớn, trọng tâm của toàn ngành GD&ĐT, các đơn vị, trường học.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, xây dựng văn hóa học đường được Đảng và Nhà nước quan tâm, là nền tảng để thúc đẩy, nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới và xu thế hội nhập quốc tế. Xây dựng văn hóa học đường là một nội dung quan trọng để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.
Để thực hiện tốt công tác xây dựng văn hóa học đường, ông Trần Thanh Mẫn đề nghị cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và ngành GD&ĐT tiếp tục quán triệt, nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, vai trò quan trọng của xây dựng văn hóa học đường. Nghiên cứu, hoàn thiện lý luận khoa học, thực tiễn và tăng cường tuyên truyền để tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động. Tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật; kịp thời điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản chỉ đạo, điều hành, quy chế, hướng dẫn liên quan tới xây dựng văn hóa học đường. Phát huy dân chủ và vai trò của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý giáo dục, thầy giáo, cô giáo xây dựng văn hóa học đường. Gắn xây dựng và tổ chức thực hiện văn hóa học đường với việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nói chung và tổ chức thực hiện đổi mới chương trình giáo dục nói riêng.
Phát huy vai trò quan trọng của nhà trường trong tạo dựng các giá trị văn hóa và thiết lập, củng cố, hoàn thiện các nguyên tắc ứng xử. “Tập trung xây dựng và hướng dẫn thực hiện các chuẩn mực về văn hóa đạo đức, hành vi ứng xử trong và ngoài nhà trường, trên không gian mạng. Xây dựng bộ tiêu chí về môi trường văn hóa học đường, lấy con người làm trung tâm”, ông Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
Ông Mẫn cũng đề nghị Bộ GD&ĐT cần phát huy tốt vai trò chủ trì tham mưu, phối hợp, huy động sự tham gia của toàn hệ thống chính trị, trong đó cần phát huy vai trò của MTTQ, các đoàn thể, hội khuyến học trong xây dựng văn hóa học đường.
Trước đó, ngày 1.6.2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 08 về việc tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường. Trong đó yêu cầu Bộ GD&ĐT tiếp tục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, chú trọng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo; kết hợp dạy chữ, dạy người, giáo dục phát triển toàn diện cả phẩm chất và năng lực; giáo dục tình yêu quê hương, đất nước.
THU HIỀN