Đầu tư trường lớp, thiết bị dạy học cho năm học mới
Ngày 29.8 tới, học sinh tựu trường năm học 2022 - 2023. Ngành GD&ĐT đang cùng các địa phương, trường học khẩn trương đầu tư xây dựng, sửa chữa trường lớp; rà soát và mua sắm thiết bị dạy học…
“Áo mới” cho trường, lớp
Nhìn hai dãy phòng học, bếp ăn bán trú hoàn thiện đưa vào sử dụng, cô Nguyễn Lang Hồng Nhựt, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Canh Hiển (huyện Vân Canh) vơi phần nào nỗi lo nhiều điểm trường lẻ nằm rải rác ở các thôn trong xã. Ngoài phòng học, bếp ăn, trường còn được đầu tư xây dựng khu vệ sinh, sân bê tông, tường rào, cổng ngõ; tổng kinh phí hơn 3,6 tỷ đồng từ ngân sách. “Năm học này, trường có 163 trẻ, tổ chức 5 lớp. Không chỉ thuận lợi cho dạy và học, trường còn được tổ chức bán trú. Đây là tiền đề để trường hoàn thiện kiểm định chất lượng làm cơ sở đề nghị công nhận trường chuẩn quốc gia”, cô Nhựt chia sẻ.
Huyện miền núi Vân Canh còn đầu tư hơn 3,9 tỷ đồng xây mới 3 phòng học và 1 phòng thư viện cho Trường THCS Canh Vinh; gần 7 tỷ đồng xây mới 4 phòng học, nhà ăn, nhà bếp, nhà hiệu bộ… cho Trường Mẫu giáo Canh Liên. Huyện cũng đầu tư hơn 23 tỷ đồng sửa chữa điểm Trường mẫu giáo và tiểu học làng Canh Tiến (xã Canh Liên); xây thêm khu vệ sinh, nhà bảo vệ trường Tiểu học và THCS Canh Hiển; sửa chữa phòng học cho Trường Tiểu học thị trấn Vân Canh; xây mới nhà công vụ giáo viên làng Canh Giao (xã Canh Hiệp)… sẽ nghiệm thu đưa vào sử dụng trước ngày 2.9. Huyện còn đầu tư gần 15,7 tỷ đồng mua sắm thiết bị cho Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 lớp 3, lớp 7 và tăng cường thiết bị dạy học cho trường chuẩn quốc gia.
Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Phạm Minh Chấn nhấn mạnh: “Vân Canh được ngân sách đầu tư cơ sở trường lớp nhiều hơn trước, nhất là khối mầm non đầu tư chuẩn và 6/7 trường tổ chức bán trú. Trường, lớp, thiết bị cơ bản đáp ứng nhu cầu tối thiểu của Chương trình GDPT 2018”.
Tại huyện Phù Cát, giới thiệu hai dãy phòng học, bếp ăn bán trú vừa hoàn thiện, cô Lê Thị Tuyết, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Cát Hanh, vui vẻ: “Phải nói là chúng tôi rất hạnh phúc khi về “nhà mới”, bởi với cơ sở chính này và 1 điểm trường lẻ, nhà trường thoát cảnh khó khăn trước đó khi có đến… 16 điểm trường. Năm học mới này, chúng tôi có 9 lớp đều bán trú”.
Phòng học mới khang trang tại Trường Mẫu giáo Cát Hanh (Phù Cát). Ảnh: M.H
Tương tự, Trường Mẫu giáo Cát Tài có 246 trẻ, cũng được tổ chức 9 lớp học theo từng độ tuổi và tổ chức bán trú, không còn lớp ghép ở 8 điểm trường như trước. Trường còn được đầu tư các phòng chức năng, bếp ăn bán trú, khu vận động cho trẻ… từ nguồn xã hội hóa.
Ông Nguyễn Tấn Hưng, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Phù Cát, cho hay: Sau thời gian bị “bỏ quên” thì gần đây bậc học mầm non được quan tâm đầu tư hơn về trường, lớp. Năm 2022, 2 trường mẫu giáo mới Cát Tài, Cát Hanh đi vào hoạt động, tổng kinh phí khoảng 30 tỷ đồng; Trường Mẫu giáo Cát Hưng xây mới 6 phòng học, phòng chức năng, kinh phí 6 tỷ đồng. Huyện đầu tư bàn ghế, đồ dùng, thiết bị cho các trường, tổng cộng 1,9 tỷ đồng. Ngoài ra, huyện đang xây mới cho các trường mẫu giáo: Cát Khánh 10 phòng học; Cát Minh 9 phòng học; Cát Lâm 6 phòng học và phòng chức năng, nhà hiệu bộ. Với nguồn đầu tư lồng ghép từ chương trình xây dựng nông thôn mới, đến năm 2025, Phù Cát sẽ xóa điểm lẻ trường mẫu giáo.
Trường Mẫu giáo Cát Tài (Phù Cát) đầu tư xây mới lớp học, phòng chức năng, khu vận động cho trẻ… Ảnh: M.H
Ưu tiên phục vụ triển khai chương trình GDPT mới
Sở GD&ĐT đang nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng 25 công trình sửa chữa trường, lớp của khối THPT. Riêng 2 công trình vốn đầu tư công năm 2021 cũng kịp đưa vào sử dụng trong năm học này là Trường THPT Tăng Bạt Hổ (Hoài Nhơn) gồm 15 phòng học, kinh phí 10,5 tỷ đồng; Trường THPT Nguyễn Trường Tộ (An Nhơn) xây mới 4 phòng học, 4 phòng bộ môn, 2 phòng chức năng, hơn 12 tỷ đồng.
Chương trình GDPT 2018 lần đầu tiên triển khai ở bậc THPT, các trường được đầu tư mua sắm thiết bị hơn 12 tỷ đồng. Ngoài ra, mua bổ sung 1.318 bộ máy vi tính (19,7 tỷ đồng); bổ sung, thay thế 5.677 bộ bàn ghế học sinh (24,7 tỷ đồng); mua thiết bị hỗ trợ dạy học khác (9,4 tỷ đồng). Sở GD&ĐT và các trường THPT đang triển khai mua sắm kịp sử dụng năm học mới, cơ bản đáp ứng Chương trình GDPT 2018.
Ông TRƯƠNG VĂN KHẢI, Trưởng Phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở GD&ĐT)
Bà Nguyễn Thị Hoài Anh, Trưởng Phòng GD&ĐT TX Hoài Nhơn, thông tin: Cùng với bậc mầm non, Hoài Nhơn ưu tiên đầu tư các khối lớp triển khai Chương trình GDPT 2018. Phòng GD&ĐT tiến hành sửa chữa 116 phòng học cho 3 bậc học, xây mới 7 nhà vệ sinh học sinh và giáo viên, khoảng 10,3 tỷ đồng. Đồng thời, tham mưu cho thị xã đầu tư xây mới 134 phòng học và phòng bộ môn, 9 khu hiệu bộ, chuẩn bị bàn giao sử dụng. Hiện chúng tôi đang triển khai đấu thầu thiết bị theo danh mục của Bộ GD&ĐT, mua sắm sách giáo khoa cho giáo viên lớp 3, lớp 7, mua sắm bàn ghế cho học sinh tiểu học và THCS; với hơn 15 tỷ đồng.
TP Quy Nhơn cũng dành hơn 40 tỷ đồng đầu tư xây mới, hơn 12 tỷ đồng sửa chữa trường, lớp và gần 14 tỷ đồng mua sắm thiết bị. Tuy vậy, thành phố gặp áp lực về trường, lớp do tăng dân số cơ học. Dự kiến năm học này, có 49.829 học sinh/1.314 lớp, cụ thể: Mầm non, mẫu giáo công lập 6.330 trẻ/212 nhóm, lớp; tiểu học 25.649 học sinh/667 lớp, bình quân 38,5 học sinh/lớp; THCS 17.919 học sinh/435 lớp, bình quân 41,2 học sinh/lớp. Lãnh đạo phòng GD&ĐT thành phố cho biết, cơ sở trường, lớp tuy đã được quan tâm đầu tư nhưng định mức học sinh/lớp tại một số trường còn cao so với quy định của Bộ GD&ĐT.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phan Thanh Liêm cho hay, tăng dân số cơ học dẫn đến tăng quy mô học sinh khiến số ít địa phương chưa đáp ứng chuẩn về trường lớp theo định mức, nhưng vẫn có nguyên nhân chủ quan là thời gian dài chưa quan tâm đầu tư kịp thời. Trong khi đó, Chương trình GDPT 2018 ở tiểu học (lớp 1, 2, 3), các trường cần được đầu tư nhiều hơn cơ sở để đảm bảo tỷ lệ 1 phòng học/lớp, tổ chức học 2 buổi/ngày…
MAI HOÀNG