Tiếp sức ngư dân xa quê vững vàng bám biển - Kỳ 1: Giữ nghề, giữ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc
Bình Định có hơn 5.000 tàu cá, trong đó có 3.270 tàu khai thác xa bờ. Đội tàu xa bờ này đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng ngành thủy sản và góp phần quan trọng trong giữ gìn chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Từ ngày 8 - 14.8 vừa qua, phóng viên Báo Bình Định tham gia cùng Đoàn công tác liên ngành của tỉnh vào các tỉnh phía Nam tuyên truyền Luật Thủy sản 2017, các vấn đề liên quan đến vi phạm IUU cho tàu cá Bình Định đánh bắt tại các ngư trường miền Nam và neo đậu tại đây.
Kỳ 1: Giữ nghề, giữ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc
Tham gia chuyến đi, chúng tôi đã có dịp gặp gỡ, trò chuyện với nhiều ngư dân Bình Định xa quê. Câu chuyện của ngư dân gắn liền với sóng gió biển khơi, tuy khó khăn không ít nhưng trong họ luôn trăn trở tình yêu biển, yêu nghề, ý thức bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Gặp nhau trên những con tàu xa quê
Chiều, trên phà qua cồn Tân Long, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, ông Nguyễn Tiến Diệt, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang) chỉ cho chúng tôi những nhóm tàu cá 5 - 7 chiếc đang neo đậu san sát nhau: “Đó, đó chính là tàu của bà con Bình Định. Tàu cá của Bình Định nhìn biết liền, từ hình dáng chung đến phần đuôi tàu, khác xa so với tàu cá trong này, đặc biệt là với Tiền Giang. Mà các anh nhìn xem, xung quanh cồn Tân Long này tàu cá ngư dân Bình Định nhiều lắm”.
Lời giới thiệu của ông Nguyễn Tiến Diệt khiến lịch trình của đoàn thay đổi. Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định Trần Văn Phúc bật ứng dụng, thông qua thiết bị giám sát hành trình ngay lập tức biết trước mắt mình có tổng cộng 23 tàu cá Bình Định đang neo đậu. Ông Phúc hào hứng nói: “Sẵn đường mình đi thăm bà con Bình Định luôn rồi đến hội trường phường Tân Long, TP Mỹ Tho làm thêm một tua nữa, chớ đi qua đây mà không ghé chào bà con coi sao được”.
Đoàn công tác liên ngành của tỉnh Bình Định gặp gỡ bà con ngư dân ở cồn Tân Long, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Ảnh: THU DỊU
Gió sông Tiền mát rượi len vào khoang tàu, nhiều ngư dân vẫn tất bật dọn dẹp sau một chuyến biển dài ngày. Anh Đỗ Văn Trinh (ở phường Hoài Hương, TX Hoài Nhơn), thuyền trưởng tàu cá BĐ 96927 TS (công suất 450 CV, làm nghề lưới vây), không khỏi ngạc nhiên: Tôi nhận được giấy mời chiều nay lên phường gặp gỡ Đoàn công tác từ Bình Định vô. Hai vợ chồng vừa dọn dẹp xong xuôi tính lên bờ mà chưa kịp thì mấy anh đã xuống tới nơi rồi. Thiệt vui quá xá!
Vợ chồng anh Trinh cho biết, chuyến biển này thuận lợi hơn so với trước. Mấy năm trước tàu cũng hoạt động ở vùng khơi, 2 năm nay một phần dịch bệnh Covid-19, một phần giá nhiên liệu tăng cao nên họ khai thác trong vùng biển chừng 100 hải lý. Chuyến này đi 20 ngày, đánh bắt được 15 tấn cá các loại, bán được 250 triệu đồng. “Trừ các khoản chi phí, phần chia cho anh em cũng ổn; một số vừa lên xe về thăm quê vài bữa. Ngư trường trong này dễ làm ăn hơn nên 10 năm nay chúng tôi ở trong này; có việc hoặc cứ tới kỳ trăng về quê. Tầm tháng 10 là đưa tàu vào neo nghỉ mùa mưa bão, đưa lưới về quê dặm vá cho mùa khai thác mới”, anh Trinh tâm sự.
Mùa cao điểm, cồn Tân Long có khoảng 60 tàu cá của ngư dân Bình Định neo đậu và hoạt động ở ngư trường gần đây, những ngày đoàn chúng tôi đến thăm có khoảng 30 - 40 tàu. Theo ngư dân, do dịch bệnh và giá nhiên liệu tăng cao trong khi giá bán sản phẩm không tăng, nhiều chủ tàu chuyển ngư trường, hoặc đưa tàu về các vùng biển gần neo đậu, tạm dừng đánh bắt.
Ấm lòng tình đồng bào miền Nam
“Ở đây mọi người hoạt động thuận lợi không, có gì khó khăn không?”, Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Văn Phúc hỏi thăm. “Thuận lợi lắm, thuận lợi thì chúng tôi mới gắn bó lâu dài với Tân Long, với sông nước Tiền Giang. Ở đây, bà con địa phương rất chân tình giúp đỡ, ngành chức năng tỉnh Tiền Giang thông tin đầy đủ về các vấn đề liên quan đến hoạt động của bà con ngư dân mình. Lực lượng biên phòng, thủy sản ở Tiền Giang tuyên truyền cho ngư dân về IUU. Ra vào cảng đều được hướng dẫn nên không vướng gì đâu. Mình đi khơi có máy móc, thiết bị hiện đại nên cũng thuận tiện, trúng luồng cá thì đỡ cho anh em nhiều”, ngư dân Nguyễn Thanh Nam, thuyền viên tàu cá BĐ 95669 TS (Hoài Hương, TX Hoài Nhơn) vui vẻ đáp lời.
Giống như anh Nam, hầu hết ngư dân Bình Định ở Tiền Giang được tạo điều kiện để hành nghề. Những câu chuyện, chia sẻ của ngư dân Bình Định ở Tân Long dù không nhiều nhưng cũng kịp cho chúng tôi hình dung về đời sống ngư dân xa quê, về hành trình vượt sóng gió của họ. Những chuyến biển có đầy, có vơi đó giúp các ngư dân có cuộc sống ổn định hơn. Quan trọng nhất là dù ở xa quê, họ luôn được đồng bào miền Nam hỗ trợ để an tâm bám biển.
“Bà con mình cố gắng vừa làm ăn nhưng phải giữ gìn sinh kế, phải tuân thủ quy định, có vậy nghề biển mới bền vững. Bà con mình ở xa phải biết đoàn kết với nhau, tâm tình, bảo ban nhau đừng vi phạm vùng biển nước ngoài. Vi phạm IUU, trước tiên là bà con bị ảnh hưởng (tàu thuyền bị tịch thu, bị bắt giữ, nghề cá bị ảnh hưởng), sau nữa cá, tôm không bán được. Không xuất khẩu được thì bà con khai thác biết bán cho ai, tiền đâu mà nuôi con, đúng không?” là tâm tình, nhắn nhủ của Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Văn Phúc với các ngư dân trước khi rời tàu.
Trong lúc chồng trò chuyện với đoàn công tác, chị Lê Thị Phúc (vợ anh Trinh) tâm sự với tôi: “Bây giờ tàu lắp đặt thiết bị giám sát hành trình rồi, tàu ở đâu thì trên bờ mình đều biết cả nên không thấp thỏm lo âu nhiều như trước. Hễ nghe tin biển động là mình gọi điện cho chồng liền, gọi để chắc chắc chồng luôn ở nơi an toàn. Chuyến biển nào chồng không về được thì mình thu xếp vào thăm. Nói vậy chớ gia đình ngư dân hiếm khi được sum họp, nên một năm có được vài lần là quý lắm. May mà bà con trong này rất tốt, mình cần giúp gì là bà con cố gắng giúp tới nơi tới chốn luôn”.
Góp câu chuyện, chị Nguyễn Thị Thư, vợ của ngư dân Hồ Văn Sinh, thuyền trưởng tàu BĐ 98161 TS, nói: Chúng tôi là hậu phương vững chắc cho chồng an tâm bám biển, chăm sóc con cái no đủ, học hành tới nơi tới chốn. Chúng tôi mong muốn ở phía biển, những người đàn ông luôn mạnh mẽ, kiên cường vượt qua sóng gió.
THU DỊU
* Kỳ 2: Giúp ngư dân yên tâm bám biển