Nhớ ngày giỗ vua Quang Trung
Trong tâm thức mỗi người dân Việt Nam nói chung, Bình Định - Tây Sơn nói riêng, ai cũng tự hào về vua Quang Trung, về vương triều Tây Sơn oai hùng trong lịch sử. Vào ngày 29.7 âm lịch hằng năm (năm nay nhằm ngày 26.8), người dân Tây Sơn lại góp của, góp công để tổ chức giỗ vua Quang Trung nhằm tri ân tiền nhân, bày tỏ niềm thành kính với công đức của vua, cùng các vị anh hùng dân tộc.
Tưởng nhớ tiền nhân
Cuối tháng 7 âm lịch, khuôn viên rộng lớn của Bảo tàng Quang Trung với bốn bề cây xanh rợp mát đón đông đảo du khách tham quan. Tại khu Đền thờ Tây Sơn Tam kiệt nằm trong khuôn viên Bảo tàng, nhiều cán bộ Bảo tàng Quang Trung cùng các cụ phụ lão ở địa phương đang kiểm tra, vệ sinh các án thờ văn thần, võ tướng, Tây Sơn Tam kiệt để chuẩn bị tổ chức ngày giỗ Vua sắp tới.
Cụ Mạc Ái, 85 tuổi, ở thị trấn Phú Phong, thành viên ban nghi lễ giỗ Vua, tâm tình: “Ngay tại vị trí này ngày xưa là ngôi đền thờ cũ do dân làng ở đây lập lên để thờ cúng ba anh em nhà Tây Sơn. Sau này, Nhà nước xây dựng điện thờ khang trang hơn, việc tổ chức giỗ Vua cũng như ngày hiệp kỵ Tây Sơn Tam kiệt (ngày 15.11 âm lịch) do tỉnh tổ chức bài bản hơn, nhưng UBND huyện, thị trấn cùng nhân dân địa phương đều chung tay góp công, góp của để giỗ. Đó cũng là tấm lòng của nhân dân tưởng nhớ, tri ân công đức tiền nhân”.
Du khách dâng hương tại Điện thờ Tây Sơn Tam kiệt. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Không chỉ người dân Bình Định mới tự hào về vua Quang Trung. Du khách từ mọi miền Tổ quốc khi đến Bảo tàng Quang Trung, dâng hương tại Điện thờ Tây Sơn Tam kiệt cũng đều cảm thấy tự hào về truyền thống yêu nước của cha ông ta từ bao đời nay.
Anh Trần Phú, du khách đến từ xã đảo Tân Hiệp (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) bày tỏ: “Đây là lần đầu tiên tôi đến Bảo tàng Quang Trung. Tôi vào Điện thờ Tây Sơn Tam kiệt dâng hương rồi mới tham quan bảo tàng. Dù không phải người Tây Sơn - Bình Định, nhưng khi thắp hương lên án thờ Tây Sơn Tam kiệt, các văn thần, võ tướng nhà Tây Sơn, tôi thấy rất thiêng liêng, thành kính với những bậc anh hùng triều đại Tây Sơn lưu danh sử sách của dân tộc ta”.
Phát huy truyền thống
Dù không trực tiếp tổ chức lễ giỗ, nhưng chính quyền, người dân thị trấn Phú Phong cũng rộn ràng chuẩn bị để lễ giỗ tươm tất, trang nghiêm. Ông Nguyễn Văn Thứ, Bí thư Đảng ủy thị trấn Phú Phong, chia sẻ: “Ngoài việc tuyên truyền, vận động người dân giữ gìn vệ sinh, cảnh quan môi trường tại các trục đường chính, khu vực dân cư, công viên xung quanh Bảo tàng Quang Trung, cán bộ, công chức, đảng viên cùng nhân dân thị trấn ra quân dọn vệ sinh để bộ mặt địa phương khang trang, sạch đẹp, đón đại biểu và du khách v ề giỗ V ua”.
Những người con đất Vua rất tự hào về quê hương mình, nên mỗi khi có dịp, họ lại dâng hương tại Điện thờ Tây Sơn Tam kiệt để bày tỏ lòng thành kính với các bậc tiền nhân và cầu mong những điều an lành. Nét tín ngưỡng tâm linh tốt đẹp này ngày càng lan tỏa rộng khắp không chỉ ở Tây Sơn, Bình Định mà còn đến nhiều tỉnh, thành khác.
Ông Nguyễn Văn Tín, Chủ tịch Hội đồng hương Tây Sơn tại TP Hồ Chí Minh, tâm sự: “Năm nào cũng vậy, đến dịp giỗ Vua là chúng tôi đều cử anh em đại diện về cùng dâng hương, dâng lễ Điện thờ Tây Sơn Tam kiệt để tri ân công đức các ngài, cũng là để nhắc nhở những người đồng hương Tây Sơn đoàn kết, phấn đấu trong lao động, học tập, góp sức xây dựng quê hương tươi đẹp, phát triển. Không chỉ có ngày giỗ Vua, hay dịp Tết, mà bất cứ khi nào có dịp về quê nhà, chúng tôi đều đến Điện thờ Tây Sơn Tam kiệt để thắp nén tâm hương vọng bái tiền nhân”.
Theo ông Phan Chí Hùng, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn, cùng với việc phối hợp với Bảo tàng Quang Trung để đảm bảo các khâu liên quan tổ chức giỗ Vua, huyện chuẩn bị chu đáo để đón tiếp các đoàn của các tỉnh bạn kết nghĩa về dâng hương, như: TX An Khê (Gia Lai), Hà Tĩnh, Bà Rịa - Vũng Tàu, quận Đống Đa (TP Hà Nội), Đồng Nai. Năm nay có nét mới, đó là huyện giao mỗi xã, thị trấn chuẩn bị một mâm cỗ gọn gàng, tiết kiệm nhưng vẫn trang nghiêm để dâng lên cúng Vua.
Đến thời điểm này, các khâu chuẩn bị tổ chức ngày giỗ vua Quang Trung được chuẩn bị tươm tất. Ông Châu Kinh Tú, Giám đốc Bảo tàng Quang Trung, cho hay: “Do tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, nên theo chỉ đạo, chúng tôi chỉ tổ chức phần lễ trong ngày giỗ Vua đảm bảo theo các nghi thức truyền thống, như: Khởi chinh cổ, khởi nhạc, đọc văn tế, dâng hương; không tổ chức phần thụ lộc như mọi năm. Tuy vậy, ngày giỗ Vua vẫn đảm bảo diễn ra nghiêm cẩn, chu đáo để nhân dân và du khách đến dâng hương, tham quan bảo tàng”.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN