Tăng cường nguồn lực, giải quyết ngay tình trạng thiếu giáo viên
Tập trung mọi nguồn lực để tiếp tục triển khai thực hiện tốt, có hiệu quả chương trình giáo dục, đặc biệt chương trình giáo dục phổ thông 2018; tăng cường nguồn lực đầu tư, cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị dạy học; giải quyết ngay tình trạng thiếu giáo viên…
Đó là những chỉ đạo quan trọng của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang tại Hội nghị tổng kết năm học 2021 - 2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022 - 2023, do Sở GD&ĐT tổ chức sáng 23.8.
Điểm sáng
Báo cáo của Sở GD&ĐT về năm học 2021 - 2022 cho thấy một năm học đặc biệt mà ngành GD&ĐT phải nỗ lực vượt bậc khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại và diễn biến phức tạp. Với phương châm “ngừng đến trường, nhưng không dừng học”, ngành GD&ĐT tỉnh đã điều chỉnh kế hoạch năm học phù hợp, triển khai dạy và học nội dung cốt lõi, kết hợp ôn tập, bổ trợ kiến thức khi tình hình Covid-19 được kiểm soát, kiên trì theo đuổi mục tiêu duy trì và nâng cao chất lượng GD&ĐT.
Một trong những vấn đề Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang đặt ra trong năm học mới 2022 - 2023 là rà soát, xem xét giải quyết vấn đề thiếu giáo viên theo quy định, nhất là giáo viên bậc học mầm non, tiểu học.
- Trong ảnh: Cô và trò trong giờ học ở một trường mầm non tại TP Quy Nhơn, năm học 2021 - 2022. Ảnh: M.H
Điều này được thể hiện rõ với những điểm sáng về chất lượng giáo dục phổ thông (GDPT) cả đại trà và mũi nhọn tiếp tục được duy trì. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT 2022 ổn định ở mức 98,34%, xếp thứ 2 trong 10 tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Trong giáo dục mũi nhọn, Bình Định có 34 học sinh giỏi cấp quốc gia, xếp thứ 2 trong 10 tỉnh Nam Trung bộ - Tây Nguyên.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang đã trao bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho Sở GD&ĐT và Giám đốc Đào Đức Tuấn, về thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010 - 2020.
Để triển khai hiệu quả chương trình GDPT 2018, Bình Định tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp, là địa phương duy nhất trong 10 tỉnh Nam Trung bộ - Tây Nguyên hoàn thành bồi dưỡng giáo viên dạy khoa học tự nhiên và giáo viên dạy lịch sử, địa lý ở bậc THCS. Tỷ lệ đội ngũ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn cao, đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình GDPT 2018. Hệ thống trường lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tiếp tục được quy hoạch, đầu tư phù hợp với điều kiện của tỉnh.
Toàn tỉnh có 389/626 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm 62,14%. Kết quả phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục THCS mức độ 2 và phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi tiếp tục được duy trì vững chắc.
Xóa điểm trường lẻ, giải quyết ngay vấn đề thiếu giáo viên!
Nhưng, Sở GD&ĐT cũng thừa nhận những khó khăn do dịch Covid-19 ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục đại trà. Mạng lưới trường lớp, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển quy mô và nâng cao chất lượng giáo dục; tình trạng thiếu cán bộ quản lý, giáo viên theo quy định, nhất là mầm non, tiểu học…
Bà Lương Thị Xuân Tâm, Trưởng Phòng Giáo dục Mầm non - Tiểu học (Sở GD&ĐT) dẫn chứng: Hiện bậc mầm non vẫn còn 578 điểm trường lẻ, 804 lớp ghép; còn thiếu 1.124 giáo viên mầm non và cán bộ quản lý theo quy định. Một số trường tiểu học ở huyện còn nhiều điểm trường lẻ nên việc đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị dạy học còn gặp khó khăn.
Trong khi đó, Giám đốc Sở GD&ĐT Đào Đức Tuấn kiến nghị các huyện, thị xã, thành phố quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng để ngành thực hiện quy hoạch, bổ nhiệm đội ngũ cán bộ quản lý hiện đang thiếu của bậc mầm non, tiểu học, THCS.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang
Thiếu giáo viên, cơ sở vật chất trường lớp và thiết bị dạy học cũng là những tồn tại của ngành GD&ĐT được Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang phân tích rất kỹ. “Thiếu trên 1.000 cán bộ, giáo viên - đây là hạn chế, tồn tại cần phải giải quyết ngay trong năm học 2022 - 2023, không thể để kéo dài được. Việc này không chỉ riêng ngành GD&ĐT mà Sở Nội vụ, UBND các huyện, thị xã, thành phố phải ngồi lại rà soát, tính toán và xem xét giải quyết. Phải đảm bảo “ở đâu có lớp, ở đâu có học sinh là ở đó phải có giáo viên!”, ông Giang nhấn mạnh.
Chương trình GDPT mới được xây dựng theo hướng mở, vì vậy vai trò của hiệu trưởng, ban giám hiệu, tổ bộ môn và trực tiếp là giáo viên hết sức quan trọng. Nếu chúng ta tiếp tục xây dựng, thực hiện chương trình theo tư duy cũ thì chắc chắn thất bại. Tất nhiên cũng không thể một sớm một chiều thay đổi ngay tư duy nhưng phải nghiên cứu thực hiện từng bước vững chắc, có sự đồng thuận và phù hợp với điều kiện cụ thể của từng trường.
Triển khai năm học mới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu ngành GD&ĐT khẩn trương khắc phục triệt để những tồn tại, hạn chế, nhất là những vấn đề về chuyên môn và quản lý, rút ra bài học kinh nghiệm sâu sắc và có giải pháp để khắc phục trong năm học 2022 - 2023.
Trước hết, tập trung mọi nguồn lực để tiếp tục triển khai thực hiện tốt chương trình GDPT 2018. Rà soát, chủ động chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ giáo viên để thực hiện theo lộ trình, nhất là ở các khối lớp 3, lớp 7, lớp 10; phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường và năng lực tự chủ sáng tạo của tổ chuyên môn trong việc thực hiện chương trình bảo đảm chất lượng, thực chất và hiệu quả.
Tiếp tục triển khai các giải pháp đồng bộ để phát triển sự nghiệp giáo dục, ngành GD&ĐT cần chủ động rà soát và đề xuất sửa đổi bổ sung các cơ chế, chính sách để đảm bảo về số lượng, chất lượng đội ngũ giáo viên - yếu tố sống còn của ngành. Chủ động tham mưu đề xuất cho tỉnh tháo gỡ vướng mắc về cơ chế tự chủ tài chính trong các trường học.
MAI HOÀNG