Tiếp sức ngư dân xa quê vững vàng bám biển - Kỳ cuối: Giúp ngư dân yên tâm bám biển
Lần đầu tiên gặp Ðoàn công tác Bình Ðịnh ở nơi mình neo tàu, nhiều ngư dân rất mừng vui, xúc động. Chuyến công tác vào ngư trường phía Nam, Ðoàn không chỉ thăm hỏi, động viên ngư dân, mà còn mong muốn xác lập mối quan hệ hợp tác thật chặt chẽ với chính quyền các tỉnh, tạo cơ sở xây dựng các chính sách phù hợp hỗ trợ ngư dân.
Cùng tìm giải pháp ngăn chặn vi phạm IUU
Thống kê của ngành nông nghiệp, toàn tỉnh có 3.270 tàu cá hoạt động xa bờ trong số hơn 5.000 tàu cá được cấp phép hoạt động; trong đó, hoạt động ở ngư trường phía Nam chiếm 40%. Hằng năm, ngành thủy sản rà soát, thống kê lại tình hình biến động tàu cá để hướng dẫn ngư dân thực hiện đầy đủ, đúng quy định. Kể từ khi Luật Thủy sản 2017 có hiệu lực và khuyến cáo của Ủy ban châu Âu (EC) về vi phạm IUU, Bình Định thành lập Ban chỉ đạo, ban hành các chỉ thị, giao các địa phương ven biển quyết liệt triển khai các giải pháp ngăn chặn vi phạm IUU. Tuy nhiên, tình hình tàu cá ngư dân Bình Định vi phạm vẫn còn. Từ năm 2018 đến nay, Bình Định ghi nhận 75 tàu cá vi phạm IUU, riêng 8 tháng đầu năm 2022 có 7 tàu cá vi phạm - nhóm tàu này là tàu cá dưới 15 m, xuất bến chủ yếu từ vùng biển Bà Rịa - Vũng Tàu. Phần lớn các chủ tàu lâu năm không về địa phương, nhiều người chuyển hộ khẩu tới nơi khác, đặc biệt phương tiện đã sang nhượng đổi chủ…
Cán bộ Đoàn công tác liên ngành tuyên truyền Luật Thủy sản 2017 và ngăn chặn vi phạm IUU tại cảng cá Bến Đá, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: THU DỊU
Tại buổi làm việc với Sở NN&PTNT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ngày 9.8, ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định trao đổi, 5/7 tàu cá vi phạm đều là tàu câu mực ở vùng lộng, xuất bến tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Nhiều tàu cá trong đó dù mang biển số Bình Định song thực tế đã sang nhượng, đổi chủ cho ngư dân Bà Rịa - Vũng Tàu; có chủ tàu chuyển hộ khẩu khỏi Bình Định và nhập khẩu vào tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Cho nên, khi có thông tin tàu cá ngư dân Bình Định vi phạm, chúng tôi xác minh thông tin, về địa phương nơi họ cư trú nhưng không gặp được. “Dù chuyển nơi ở, thay đổi chủ phương tiện thì đều là bà con ngư dân mình cả. Có thể họ vi phạm vì chưa hiểu hết tính chất nghiêm trọng của vấn đề. Cơ quan quản lý phải ngồi lại với nhau để tìm giải pháp tốt nhất hỗ trợ họ”, ông Trần Văn Phúc trao đổi.
Đồng quan điểm với ông Phúc, bà Phạm Thị Na, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho hay: Khi đi sâu vào tìm hiểu vấn đề, làm việc với ngư dân, chúng tôi thấy thương ngư dân nhiều hơn. Muốn ngăn chặn vi phạm thì mình phải bảo đảm sinh kế cho bà con. Dù là ngư dân Bình Định hay ở địa phương khác, khi hoạt động ở Bà Rịa - Vũng Tàu, chúng tôi hết sức tạo điều kiện.
Theo chia sẻ của nhiều lãnh đạo các ngành chức năng TP Vũng Tàu, cộng đồng ngư dân Bình Định có đóng góp lớn cho nền kinh tế ở địa phương. Chăm lo đời sống cho nhóm ngư dân xa quê không chỉ tạo sự an tâm cho bà con mà gián tiếp thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương mình.
Ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho hay: Chúng ta không bàn cách xử lý vi phạm mà cùng nhau tìm giải pháp để bà con ngư dân chuyển biến nhận thức, thay đổi hành vi, khi đó vấn đề vi phạm IUU mới thực sự chấm dứt. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang thực hiện quy hoạch thu hẹp lĩnh vực thủy sản, đầu tư theo hướng nâng cao chất lượng, hiện đại hóa đội tàu công suất lớn; tính đến việc chế biến thủy sản chuyên sâu… Chúng tôi mong muốn ngành nông nghiệp 2 tỉnh cùng nhau rà soát toàn diện, báo cáo và tham mưu UBND 2 tỉnh ban hành những giải pháp phù hợp, tạo điều kiện tối đa cho cộng đồng ngư dân Bình Định ở đây.
Hỗ trợ ngư dân phát triển bền vững
Đánh giá về ngư dân Bình Định hành nghề ở Tiền Giang, ông Nguyễn Tiến Diệt, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Tiền Giang khẳng định, nhiều năm nay ngư dân Bình Định ở Tiền Giang hoạt động khai thác hiệu quả rất cao. Bà con không chỉ chấp hành pháp luật nghiêm túc mà còn thực hiện đầy đủ các thủ tục ra vào cảng, neo đậu… Từ năm 2018 đến nay, chúng tôi chỉ xử lý vi phạm hành chính 2/100 tàu cá Bình Định hoạt động tại đây. Có thể nói gần như không còn tàu cá Bình Định xuất phát ở Tiền Giang vi phạm IUU.
Tại buổi làm việc bàn quy chế phối hợp trong ngăn chặn vi phạm IUU giữa tỉnh Bình Định và Tiền Giang, ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh cho rằng, quan điểm của Tiền Giang giống Bình Định, là thống nhất xây dựng quy chế phối hợp trong hỗ trợ ngư dân. Quy chế này giúp 2 bên có được sự liên hệ xuyên suốt, tiếp cận đầy đủ các vấn đề của ngư dân để có hướng giải quyết và hỗ trợ kịp thời. Chúng ta phải hỗ trợ làm sao để ngư dân an tâm bám biển và no đủ trong vùng biển của mình, thì tình trạng vi phạm IUU mới chấm dứt.
“Tôi vui vì đời sống ngư dân ổn định. Hơn nữa, dù xa quê nhưng mối liên hệ với quê hương của bà con luôn bền chặt. Quan trọng hơn là chuyến đi này, chúng ta đã có được những thỏa thuận hợp tác ở cấp tỉnh để hỗ trợ tốt cho ngư dân mình”, ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, tâm sự.
“Từ đầu năm đến nay, Phù Cát có 5 tàu cá vi phạm IUU. Chuyến đi này, chúng tôi gặp được ngư dân Phù Cát ở phường Thắng Nhì, TP Vũng Tàu, hiểu thêm nhiều về đời sống của bà con ngư dân và động viên bà con cùng nhau nói không với vi phạm IUU. Với những ngư dân lâu năm không về quê, chuyển đổi hộ khẩu… chúng tôi rà soát, nắm bắt lại, báo cáo huyện nhằm tìm giải pháp hỗ trợ phù hợp”.
Ông Lương Văn Khoa, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phù Cát
“Ngư dân chúng tôi được cập nhật đầy đủ thông tin nên không có chuyện cố tình vi phạm; những người vi phạm phần nhiều vì lâm vào tình thế thắt ngặt. Những gì nghe được hôm nay, tôi sẽ kể lại với bà con vắng mặt”.
Ông Nguyễn Xuân Được, chủ tàu cá BĐ 30910 TS, quê ở Cát Minh (huyện Phù Cát) hoạt động ở vùng biển Bà Rịa - Vũng Tàu
THU DỊU