Số người tham gia BHXH tự nguyện giảm sâu
Ðến cuối tháng 7.2022, toàn tỉnh có 17.897 người tham gia BHXH tự nguyện, đạt 56,5% kế hoạch BHXH Việt Nam giao năm 2022 và 71,1% kế hoạch UBND tỉnh giao. So với cuối năm 2021, số người tham gia BHXH tự nguyện giảm 3.909 người.
Mức đóng tối thiểu tăng
Từ ngày 1.1.2022, theo quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025 tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27.1.2021 của Chính phủ, mức chuẩn nghèo của khu vực nông thôn tăng từ 700 nghìn đồng lên 1,5 triệu đồng/tháng. Theo đó, mức đóng tối thiểu của BHXH tự nguyện cũng tăng theo. Mức đóng BHXH tự nguyện thấp nhất là 330 nghìn đồng/tháng, tăng 176 nghìn đồng so với mức đóng năm 2021.
Tuy nhiên, mức hỗ trợ tiền đóng của Nhà nước đối với người tham gia BHXH tự nguyện cũng tăng lên. Theo đó, đối với người tham gia thuộc hộ nghèo, số tiền hỗ trợ tăng từ 46.200 đồng lên 99.000 đồng/tháng, sau khi trừ số tiền Nhà nước hỗ trợ đóng, người thuộc hộ nghèo thực đóng 231 nghìn đồng/tháng. Tương tự, người thuộc hộ cận nghèo được hỗ trợ 82.500 đồng/tháng (tăng 44.000 đồng), mức đóng là 247 nghìn đồng/tháng. Người thuộc đối tượng khác được Nhà nước hỗ trợ 33.000 đồng/tháng (tăng 17.600 đồng); mức đóng sau khi được hỗ trợ là 297 nghìn đồng/tháng.
BHXH và các đơn vị tăng cường tổ chức các đợt ra quân tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện. Ảnh: N.M
Việc thay đổi mức đóng tối thiểu của BHXH tự nguyện khiến một bộ phận người tham gia dừng đóng do gặp khó khăn về kinh tế trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Chị N.T.M.N. (32 tuổi, ở phường Bùi Thị Xuân, TP Quy Nhơn) là người mua bán nhỏ. Thu nhập hằng ngày của cả gia đình phụ thuộc vào việc mua bán hằng ngày của chị. Mong muốn có lương hưu khi về già, giảm bớt nỗi lo, chị đã đăng ký tham gia BHXH tự nguyện được hơn 1 năm.
“Tôi chọn mức đóng thấp để đảm bảo khả năng tham gia. Tuy nhiên, khi mức đóng thấp nhất tăng lên 297 nghìn đồng (mức đóng cũ là 138.600 đồng mỗi tháng - đã trừ số tiền Nhà nước hỗ trợ), cộng với giá cả hàng hóa tăng, mọi thứ khó khăn hơn, tôi đã quyết định tạm dừng tham gia. Đợi khi kinh tế ổn định hơn, tôi sẽ tham gia trở lại”, chị N. chia sẻ.
Trong khi đó, một bộ phận người lao động tự do có ý định tham gia BHXH tự nguyện cũng đắn đo, cân nhắc, kéo dài thời gian quyết định tham gia vì mức đóng mới. Tại Hội nghị chuyên đề triển khai công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT 6 tháng cuối năm 2022, một số địa phương cũng đề cập đến nguyên nhân này trong phát triển BHXH tự nguyện. Bên cạnh đó, hiểu biết về chính sách BHXH tự nguyện của một bộ phận cán bộ cơ sở còn hạn chế nên chưa thật tự tin vận động người dân tham gia.
Thực trạng này tiếp tục đặt ra thách thức cho ngành BHXH, các đơn vị liên quan và các địa phương trong công tác duy trì, phát triển người tham gia BHXH tự nguyện. Từ nay đến cuối năm, Bình Định cần phát triển thêm hơn 13.700 người tham gia BHXH tự nguyện.
“Mưa dầm thấm lâu”
Theo Giám đốc BHXH tỉnh Võ Năm, giải pháp quan trọng nhất trong phát triển người tham gia BHXH tự nguyện vẫn là tăng cường công tác tuyên truyền, truyền thông trực tiếp đến người đã tham gia BHXH tự nguyện và nhóm đối tượng tiềm năng. BHXH và các đơn vị liên quan sẽ tăng cường tổ chức các đợt ra quân tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện trên từng địa bàn xã, phường, thị trấn… Theo đó, sẽ nhấn mạnh quyền lợi của người dân khi thay đổi về mức đóng tối thiểu BHXH tự nguyện; tăng mức đóng cũng đồng nghĩa là người lao động sẽ có mức lương hưu cao hơn, tiệm cận hơn với sự phát triển mức sống tại thời điểm về già.
Mới đây nhất, ngày 19 và 20.8, Bưu điện tỉnh đã tổ chức đợt ra quân vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện với chủ đề “Vì an sinh xã hội, vì hạnh phúc mọi nhà”. Nhân viên Bưu điện đã tích cực có mặt tại các địa chỉ tập trung đông dân cư, tiếp cận người lao động tiềm năng để tuyên truyền, vận động, thông tin về chính sách. Kết quả, vận động mới 150 người tham gia BHXH tự nguyện trên toàn tỉnh.
Trước đó, trong đợt ra quân nhân Ngày BHYT Việt Nam (tổ chức ngày 10.7) với chủ đề “BHYT - vì sức khỏe, hạnh phúc mọi gia đình”, BHXH tỉnh và Bưu điện tỉnh đã tuyên truyền, tăng cường sự tiếp cận của người dân đối với chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, trong đó có BHXH tự nguyện - một trong những chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước. Kết quả, trong đợt ra quân này, BHXH và các cơ quan, đơn vị liên quan trong toàn tỉnh đã vận động, phát triển thêm 185 người tham gia BHXH tự nguyện.
Ngành BHXH tiếp tục tổ chức phát động phong trào thi đua chuyên đề về phát triển người tham gia BHXH tự nguyện năm 2022 trong cán bộ, viên chức và người lao động của ngành. Mỗi cán bộ, viên chức, người lao động thuộc ngành phát triển mới ít nhất 3 người tham gia BHXH tự nguyện trong năm 2022.
Tại Hội nghị chuyên đề triển khai công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT 6 tháng cuối năm 2022, lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố đã kiến nghị HĐND tỉnh, UBND tỉnh xem xét, sử dụng ngân sách tỉnh hỗ trợ thêm cho người tham gia BHXH tự nguyện, tạo “cú huých” cho công tác phát triển người tham gia BHXH tự nguyện. Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh cũng cho rằng đây là chính sách cần thiết để đảm bảo mục tiêu chung - tăng tỷ lệ bao phủ BHXH.
“Tuy nhiên, hiện tại, ngân sách tỉnh vẫn chưa đảm bảo được cho việc triển khai hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện. Chính sách này đòi hỏi sự tính toán kỹ lưỡng hơn trong thời gian tới. BHXH tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh, HĐND tỉnh để có thể xây dựng chính sách vào thời điểm phù hợp. Tất cả là vì mục tiêu thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23.5.2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về cải cách chính sách BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân”, ông Võ Năm cho biết.
NGUYỄN MUỘI