Tháng Tám, về thăm chiến trường xưa
Nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9 (1945 - 2022), một số cán bộ nghỉ hưu đang sinh sống trên địa bàn TX An Nhơn đã về thăm căn cứ cách mạng An Trường (ở thôn Thọ Tân Bắc, xã Nhơn Tân, TX An Nhơn).
Căn cứ nằm ở đầu nguồn sông An Tượng, có địa thế hiểm trở, từng là căn cứ địa của nghĩa quân Tây Sơn, nghĩa quân Cần Vương và sau này là của Huyện ủy An Nhơn trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Từ căn cứ cách mạng chiến lược này, Huyện ủy An Nhơn đã lãnh đạo phong trào cách mạng địa phương giành nhiều thắng lợi quan trọng, góp phần cùng với Đảng bộ, LLVT và nhân dân tỉnh Bình Định đấu tranh cách mạng, giải phóng quê hương.
Các CCB kể chuyện cũ với các thành viên trong đoàn trở về căn cứ xưa. Ảnh: N.N
Chiếc thuyền chở đoàn chúng tôi đi trên Hồ Núi Một được vài chục phút, cụ ông Đoàn Thành Công (ở xã Nhơn Khánh) xúc động, chỉ vào những thân cây trơ trụi trên sông, bảo chúng đã 30 - 40 tuổi, đã chứng kiến bao cuộc chiến đấu nơi này. Người cựu binh hơn 80 tuổi, đã hai lần đặt stent mạch vành tim nhưng vẫn thuyết phục mọi người để mình leo qua những con dốc cao, gập ghềnh đá sỏi thăm lại nơi đặt “Trường Đảng” năm xưa. Ông cho biết, mình là 1 trong số 3 người hiếm hoi được kết nạp Đảng ở đây, giờ chỉ mình ông còn sống.
“Địch cứ nghĩ cộng sản không có cách gì giải phóng được, nhưng mình đã thực hiện được bằng ý chí căm thù giặc ngoại xâm, khao khát sống phải có độc lập, tự do; bởi sống mà không có độc lập, tự do thì không phải là sống”, ông đinh ninh vậy.
Ngồi kế bên ông, hai cô giao liên thời ấy kể lại: Thời điểm năm 1972, chiến tranh rất ác liệt, chủ trương của Đảng, cách mạng là rút thanh niên từ cơ sở (tức là từ các xã lên căn cứ). Đợt đấy, bà Đoàn Thị Xuân Hương (ở phường Nhơn Hưng) được điều về “Trường Đảng” để học chính trị và chỉnh huấn. Bà nhớ việc học rất bổ ích bởi “các anh, chị đưa ra những tình huống rất sát thực tế, ví dụ bị địch bắt thì xử lý thế nào, dân chưa tin cách mạng thì làm sao…”, bà Hương nói. Thanh niên từ đồng bằng lên, sức “chịu đựng” có hạn nên cũng được đối xử rất tâm lý. Bà kể, ngay lần đầu về Trường Đảng, khu vực bị lộ, biệt kích đổ quân vào. Tối đó mọi người phải xẻ rừng để di chuyển tránh địch.
“Tôi nhớ lúc đó chị Vân tập hợp anh em lại hỏi ý kiến từng người có nên di chuyển tiếp không. Sau khi bàn bạc, thống nhất đã phân hai tốp - một tốp trèo lên cây cảnh giới, một tốp tìm hang đá. Sau đó thấy tình hình yên lặng, chị Vân kết nối đưa đoàn về lại Trường Đảng”, bà Hương kể.
Qua tình huống ấy, thấy được tinh thần trách nhiệm bảo vệ đồng đội, sự tính toán, am hiểu, cân nhắc, xử lý hợp tình hợp lý của cấp trên, bà Hương thêm tin tưởng vào cách mạng. Sau đó, bà được rút qua làm giao liên của huyện, tham gia giao thư từ, dẫn khách từ đồng bằng về căn cứ, rồi từ cứ về đồng bằng, liên tục vậy nhưng không khó khăn nào bà đầu hàng.
Tháp tùng đoàn CCB về thăm chiến trường xưa có hơn 60 chị em phụ nữ các xã, phường của TX An Nhơn. Suốt quãng đường trở về nhà, mỗi người đều rút ra cho mình một bài học sâu sắc từ chuyến đi này.
“Dù tuổi cao, sức yếu nhưng các bác, các chú, các cô đã cho chúng tôi thấy lại hình tượng người lính bộ đội cụ Hồ, người nữ giao liên, TNXP luôn nhanh nhẹn, nhiệt tình và hừng hực tinh thần yêu nước, yêu đồng bào, dân tộc mình, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, Chủ tịch Hội LHPN TX An Nhơn Lê Vũ Vân Kiều tâm tình.
NGỌC NGA