Bình Định với công cuộc chuyển đổi số: Nỗ lực nâng cao chỉ số DTI
Giám đốc Sở TT&TT TRẦN KIM KHA
Theo báo cáo chỉ số đánh giá chuyển đổi số (DTI) năm 2021 Bộ TT&TT vừa công bố, Bình Định xếp thứ 34/63 tỉnh, thành phố về chỉ số DTI cấp tỉnh, giảm 21 bậc so với năm 2020. Ông Trần Kim Kha, Giám đốc Sở TT&TT, cho biết Sở TT&TT - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của tỉnh, đã có kế hoạch khắc phục khó khăn, hạn chế để nâng cao các chỉ số, đưa Bình Định vào tốp 10 địa phương đi đầu về DTI thời gian tới.
Bộ chỉ số đánh giá DTI của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và của quốc gia được ban hành tại Quyết định số 1726 ngày 12.10.2020 của Bộ TT&TT. Bộ chỉ số DTI gồm 3 cấp: Chỉ số DTI cấp tỉnh, cấp bộ và quốc gia.
*Ông có thể nói rõ hơn về bộ chỉ số đánh giá DTI cấp tỉnh và kết quả cụ thể Bình Định đạt được?
- Khác với năm 2020, đánh giá DTI năm 2021 không phải là tổng điểm của 3 trụ cột (chính quyền số, kinh tế số, xã hội số), mà là tổng điểm của 9 chỉ số chính với 98 chỉ số thành phần. Trong 9 chỉ số chính lại được phân thành 2 nhóm: Chỉ số nền tảng chung và chỉ số về hoạt động. Nhóm chỉ số nền tảng chung bao gồm: Nhận thức số, thể chế số, hạ tầng số, nhân lực số, an toàn thông tin mạng, đô thị thông minh. Nhóm chỉ số về hoạt động bao gồm: Hoạt động chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Năm 2021, Bình Định xếp hạng 34/63 tỉnh, thành về DTI với điểm trung bình 0,3833. Điểm các chỉ số thành phần: Chính quyền số là 0,4812 (xếp hạng 33), kinh tế số 0,3431 (xếp hạng 35), xã hội số 0,2103 (xếp hạng 36), nhận thức số xếp hạng 48, thể chế số xếp hạng 1, hạ tầng số xếp hạng 51, nhân lực số xếp hạng 45, an toàn thông tin mạng xếp hạng 37.
* Vì sao DTI 2021 của Bình Định giảm mạnh, thưa ông?
- Sự thay đổi về xếp hạng có nhiều nguyên nhân, đáng kể nhất là thay đổi cách đánh giá (hướng tới các chỉ số có thể đo lường tự động hoặc kiểm chứng được) và các nội dung đánh giá. Hơn nữa, khác với năm 2020, điểm DTI 2021 không phải là tổng điểm của 3 trụ cột (chính quyền số - kinh tế số - xã hội số), mà là tổng điểm của 9 chỉ số chính với 98 chỉ số thành phần.
Chi đoàn Sở TT&TT phối hợp với các đơn vị liên quan tuyên truyền đề án thanh niên tham gia thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh: TRỌNG LỢI
* Điều đó cũng cho thấy việc thực hiện chuyển đổi số của tỉnh đang còn nhiều khó khăn, hạn chế…
- Chuyển đổi số đặt ra nhiều thách thức cả về kinh tế và xã hội, nhất là những vùng khó khăn, miền núi. Khi thực hiện chuyển đổi số đòi hỏi phải thay đổi quy trình, cách thức làm việc từ môi trường giấy sang môi trường số. Tuy nhiên, việc tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và hưởng ứng sử dụng các giải pháp công nghệ, đặc biệt những giá trị mà chuyển đổi số mang lại cho phát triển KT-XH đạt hiệu quả chưa cao. Chưa kể, đội ngũ cán bộ chuyên trách thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số tại địa phương còn thiếu và yếu.
* Bình Định đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ đứng vào tốp 10 địa phương đi đầu về chuyển đổi số. Vậy chúng ta đã có những giải pháp cụ thể nào để cải thiện chỉ số DTI thời gian tới?
- Để tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi số, trước hết cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về DTI. Đồng thời, cần tập trung đầu tư những lĩnh vực mà có kết quả đánh giá DTI năm 2021 thấp như nhận thức số, hạ tầng số, xã hội số, nhân lực số, để tham mưu triển khai các nhiệm vụ liên quan. Thường xuyên theo dõi, thống kê, báo cáo tình hình triển khai các nhiệm vụ đã giao cho sở, ngành, địa phương để UBND tỉnh chỉ đạo. Gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số.
*Người đứng đầu đóng vai trò quan trọng như thế nào trong thực hiện chuyển đổi số, thưa ông?
- Thực tế cho thấy, chuyển đổi số không ai có thể làm một mình mà phải có sự vào cuộc của cả tổ chức. Tuy nhiên, sự quyết tâm của lãnh đạo, nhận thức của người đứng đầu cơ quan, đơn vị là vô cùng quan trọng, đóng vai trò quyết định cho thành công của chuyển đổi số. Thách thức lớn nhất trong chuyển đổi số tại các cơ quan, tổ chức là nhận thức và sự vào cuộc thực sự của người đứng đầu. Tôi cho rằng cần đưa việc triển khai thực hiện Nghị quyết về chuyển đổi số là một trong những tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp và sở, ban, ngành, đơn vị.
* Xin cảm ơn ông!
TRỌNG LỢI (Thực hiện)