Mua hàng qua mạng:
Cẩn thận, dễ mất tiền oan
Thời gian gần đây, mua bán hàng hóa qua mạng đang được nhiều người tiêu dùng lựa chọn, bởi tiện ích của nó. Tuy nhiên, nếu không cẩn thận, người mua hàng có thể rơi vào cảnh bị mất tiền oan.
Giao diện một trang web bán hàng qua mạng. Ảnh minh họa
Lướt qua những “chợ điện tử” nổi tiếng của Việt Nam, như enbac.com, rongbay.com, muare.vn, lamchame.com, webtretho.com… chúng ta có thể tìm thấy đủ mọi chủng loại hàng hóa, từ những món đồ văn phòng phẩm có giá vài ngàn đồng đến những món đồ nội thất có giá đến hàng chục, hàng trăm triệu đồng. Đặc biệt, khách hàng còn có thể tìm thấy ở “chợ điện tử” những món hàng khó tìm được ở ngoài thị trường, nhất là những món hàng xách tay.
Sức hấp dẫn của mua hàng qua mạng chính là sự tiện lợi và hàng hóa phong phú. Chị Nguyễn Thị Phương - cán bộ Cục Thuế Bình Định, người thường xuyên mua hàng qua mạng - cho biết: “Ở TP Quy Nhơn không có nhiều cửa hàng bán đồ hiệu quốc tế, muốn mua hàng của các thương hiệu lớn phải vào TP Hồ Chí Minh. Do vậy, đôi khi tôi xem hàng trên mạng, thấy những món đồ mình ưng ý, giá cả phù hợp là đặt hàng để họ chuyển về. Việc giao dịch mua hàng qua mạng cũng khá văn minh, thoải mái, vừa ý thì mua không thì thôi, chẳng phiền hà đến ai”.
Không riêng gì chị Phương, hiện có nhiều người, nhất là dân văn phòng, sinh viên thường xuyên vào “chợ điện tử” để mua hàng. Không thể phủ nhận sự tiện lợi và kinh tế do “chợ điện tử” mang lại, nhưng nếu không cẩn thận thì người mua dễ bị mất tiền oan.
Có thể thấy điểm chung trong các giao dịch mua hàng qua mạng là: Để bảo đảm khách hàng không “chạy làng”, việc đặt cọc tiền là điều bắt buộc, thường từ 50 đến 70%, có khi là 100% giá trị của sản phẩm. Lợi dụng yếu tố này, nhiều kẻ lừa đảo đã đưa hàng lên mạng, giới thiệu hình ảnh và những thông tin về sản phẩm khá thuyết phục. Người mua thấy ưng ý thì chuyển trước tiền đặt cọc, khi nhận hàng sẽ giao tiếp số tiền còn lại. Thế nhưng, sau thời gian chờ đợi, người mua nhận được món hàng với chất lượng khác xa lời quảng cáo.
Ngoài ra, có nhiều kẻ gian đã mở một shop ảo trên mạng, quảng cáo bán những món hàng “độc”, cũng yêu cầu khách hàng phải đặt cọc tiền, đến khi đã thu được một khoản tiền tương đối lớn thì lặn mất tăm. Không thể tìm được người bán, vì tất cả giao dịch chỉ thông qua chuyển khoản và bưu điện, những gì mà các nạn nhân biết được chỉ là tên, số điện thoại của người bán - những yếu tố đều có thể thay đổi dễ dàng.
Ông Dương Đại Hảo, chuyên viên Phòng Quản lý Thương mại (Sở Công Thương), cho biết: Thực tế, nhiều trang web mua bán trên mạng của Việt Nam chỉ là trang rao vặt, chứ chưa phải là mua bán online theo đúng nghĩa, bởi nó ít có ràng buộc và kiểm soát đối với cả người mua lẫn người bán, không chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, điều hấp dẫn ở những “chợ điện tử” chính là mức giá cạnh tranh, hình ảnh bắt mắt và người mua có thể tiếp xúc cùng lúc với nhiều người bán. Lợi dụng các yếu tố này, cộng với sự cả tin, ham rẻ, nhiều đối tượng lừa đảo đã thuyết phục người mua “vào tròng”. Do chưa có quy định chặt chẽ, lại ngại thủ tục phiền phức nên đa số khách hàng bị lừa đều ấm ức, nhưng im lặng chịu mất tiền oan.
Theo kinh nghiệm của nhiều người chuyên mua hàng qua mạng, để không phải mất tiền hay lãng phí những sản phẩm đã mua về mà không ưng ý, không sử dụng được, người mua hàng qua mạng nên tìm hiểu kỹ thông tin về người bán trước khi quyết định mua hàng hay giao dịch với họ. Nếu mua ở xa, bạn phải chắc chắn số điện thoại, địa chỉ của người bán hàng là có thật. Có thể gọi tổng đài 1080 của tỉnh đó để xác minh. Đặc biệt, với những món hàng rẻ hơn giá bên ngoài nhiều lần thì đừng vội tin. Có thể là một trò lừa, hoặc là hàng kém chất lượng, hàng nhái. Ngoài ra, bạn chỉ nên chọn mua hàng ở những “chợ điện tử” có uy tín, được nhiều người quen đã mua giới thiệu.
HÙNG ANH