Tăng cường phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi
Tháng 8.2022, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi giai đoạn 2022 - 2030. Kế hoạch bước đầu tạo cơ sở để ngành nông nghiệp triển khai các nhóm giải pháp ngăn chặn dịch bệnh phù hợp, giảm thiệt hại cho người nuôi trồng thủy sản.
UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi giai đoạn 2022 - 2030 đúng quy định. Trong đó, chú trọng kiểm soát các nhóm bệnh nguy hiểm đang có và bệnh mới phát sinh; định hướng cho người dân áp dụng kỹ thuật, công nghệ mới trong nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững. Đến năm 2030, khống chế tỷ lệ tôm nuôi nước lợ bị bệnh thấp hơn 10% tổng diện tích nuôi; các nhóm thủy sản nuôi lồng bè bị bệnh thấp hơn 15% tổng diện tích nuôi; nuôi lồng bè trên hồ chứa thủy lợi bị bệnh thấp hơn 15% tổng số lồng bè nuôi… Ngành nông nghiệp phải đẩy mạnh nghiên cứu xây dựng cơ sở nuôi an toàn dịch bệnh theo quy định của Bộ NN&PTNT để đảm bảo cung cấp con giống sạch trong nuôi trồng thủy sản, phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Ngành nông nghiệp nghiên cứu mô hình, chuyển giao kỹ thuật nuôi trồng phù hợp cho người dân để phòng, chống dịch bệnh trên thủy sản nuôi.
- Trong ảnh: Trung tâm Khuyến nông tỉnh chuyển giao kỹ thuật nuôi tôm 2 giai đoạn bằng công nghệ Semi-Biofloc cho người dân Phù Cát. Ảnh: THU DỊU
Theo số liệu của ngành nông nghiệp tỉnh, toàn tỉnh có hơn 3.990 ha diện tích nuôi trồng thủy sản, trong đó nuôi trồng thủy sản nước ngọt khoảng 1.500 ha; nuôi trồng thủy sản nước lợ khoảng 2.490 ha; còn lại là nuôi trồng thủy sản nước mặn, chủ yếu tôm thẻ chân trắng. Vài năm trở lại đây, thời tiết thay đổi thất thường tác động tiêu cực tới môi trường nuôi, dịch bệnh xảy ra nhiều hơn gây thiệt hại lớn cho người nuôi. Gần nhất, vụ nuôi tôm nước lợ thứ 2 năm 2021, toàn tỉnh có 28 ha tôm nuôi bị phát bệnh với nhiều mức độ khác nhau; còn vụ nuôi tôm nước lợ đầu năm nay có 44 ha tôm nuôi bị phát bệnh, trong đó 30 ha tôm nuôi bị sốc môi trường nước…
Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT) cho biết, với thủy sản nuôi, khâu phòng bệnh hiệu quả hơn chữa bệnh. Nguyên nhân là môi trường nước khiến công tác phát hiện và chữa trị khó có hiệu quả, việc khoanh vùng ổ dịch mất nhiều thời gian. Hiện nay, về cơ bản trình độ của người nuôi trong nuôi trồng thủy sản khá tốt, đầu tư mô hình nuôi trồng phù hợp. Ngành chức năng chú trọng vào chuyển giao kỹ thuật, định hướng và hỗ trợ thông tin để người nuôi nắm bắt thực hiện. Tuy nhiên, nguy cơ dịch bệnh trên thủy sản nuôi vẫn phức tạp, khó kiểm soát do nhiều trường hợp phát hiện dịch bệnh không báo cáo mà tự xử lý.
Cũng theo bà Lan, với Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi giai đoạn 2022 - 2030, các địa phương chủ động xây dựng nhóm giải pháp phù hợp với thực tế địa phương. Quan trọng là người dân tiếp cận được thông tin đầy đủ để nhận diện được dịch bệnh nguy hiểm, chủ động nắm bắt thông tin, trao đổi với ngành chức năng trong phối hợp khoanh vùng, xử lý dịch bệnh. Đồng thời khuyến cáo ưu tiên phòng ngừa dịch bệnh ngay từ đầu cho thủy sản nuôi.
Tại Tuy Phước, triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh trên thủy sản nuôi, hằng năm ngành nông nghiệp chủ động theo dõi diến biến thời tiết, cập nhật và thông tin đầy đủ lịch thời vụ, hướng dẫn kỹ thuật phòng ngừa bệnh, xử lý và vệ sinh môi trường ao nuôi… Ông Phạm Quang Ân, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tuy Phước, cho hay: Huyện có khoảng 868 ha diện tích nuôi trồng thủy sản nước lợ (chủ lực tôm thẻ chân trắng) tập trung ven đầm Thị Nại, nuôi theo phương thức truyền thống. Thời gian qua, ngành nông nghiệp chú trọng hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp hạn chế thiệt hại do dịch bệnh gây ra; tập huấn, truyền thông phổ biến kiến thức về dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi cho người dân. Từ năm 2021 - 2025, Tuy Phước thí điểm chuyển đổi 10 ha ao nuôi tôm đủ điều kiện sang áp dụng công nghệ cao Semi-Biofloc, Biofloc; với diện tích ao nuôi không đủ điều kiện sẽ định hướng cho người dân nuôi theo hướng an toàn, nuôi quảng canh, xen canh để giảm ô nhiễm môi trường, giảm nguy cơ dịch bệnh. Huyện cũng đang triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi giai đoạn 2022 - 2030 theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp tỉnh.
THU DỊU