PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM CÔNG NGHIỆP NÔNG THÔN TIÊU BIỂU:
Chú trọng quảng bá, xây dựng thương hiệu
Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của Bình Định có thế mạnh là mang nét đặc trưng của địa phương, đạt chất lượng tốt, có tiềm năng phát triển. Thời gian qua, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Bình Định (Sở Công Thương) đã hỗ trợ các cơ sở có sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu chủ động kết nối thị trường, mở rộng sản xuất kinh doanh.
Năm 2022, Bình Định có 15 sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) tiêu biểu được công nhận cấp khu vực miền Trung - Tây Nguyên, 55 sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh. Sản phẩm được công nhận đã khẳng định chất lượng, quan tâm đầu tư nhiều hơn về bao bì, mẫu mã.
Trước khi gởi sản phẩm tham dự bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2022, cơ sở nước mắm Thái An (xã Cát Khánh, huyện Phù Cát) đã thay đổi mẫu mã, bao bì cho toàn bộ sản phẩm nước mắm nhỉ và nước mắm nguyên cốt cá cơm từ chai nhựa sang chai thủy tinh, hộp đựng cũng được thiết kế bắt mắt hơn.
“Nước mắm Thái An ra thị trường gần 5 năm và được người tiêu dùng ưa chuộng. Chúng tôi đã lên kế hoạch mở rộng phân xưởng, đầu tư hệ thống chiết rót hiện đại và dự kiến thành lập HTX chuyên sản xuất nước mắm, tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tất cả tạm dừng. Sau khi sản phẩm được công nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh và khu vực, chúng tôi đẩy mạnh quảng bá và mở rộng cơ sở sản xuất, đảm bảo cung ứng số lượng lớn cho thị trường”, ông Lưu Thái Cầu, chủ cơ sở, chia sẻ.
Sản phẩm CNNT tiêu biểu của tỉnh trưng bày, quảng bá tại Hội nghị kết nối cung-cầu hàng Việt Nam tại tỉnh Bình Định năm 2022. Ảnh: H.Y
Tìm đầu ra cho sản phẩm CNNT không chỉ là mối quan tâm của cơ sở sản xuất mà còn là của các địa phương và ngành chức năng. Trong năm 2022, Sở Công Thương tổ chức rất nhiều hội chợ, hội thảo, hội nghị kết nối cung cầu nhằm tìm thị trường cho các sản phẩm của tỉnh. Nhiều sản phẩm CNNT tiêu biểu của tỉnh đã tham gia gian hàng Đầu tư phát triển công nghiệp Việt Nam tại Hội chợ Thương mại quốc tế VietNam Expo 2022 tổ chức ở Hà Nội; Hội chợ triển lãm thương mại và giới thiệu sản phẩm OCOP khu vực Tây Nguyên - Gia Lai và giao thương DN Nhật Bản năm 2022 tại Gia Lai; Hội chợ thương mại Ninh Thuận 2022. Riêng tỉnh tổ chức 4 phiên chợ hàng Việt về nông thôn, miền núi tại TX Hoài Nhơn và các huyện Hoài Ân, Vĩnh Thạnh, An Lão; Hội nghị kết nối cung - cầu hàng Việt Nam tại tỉnh Bình Định; phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) và các sàn thương mại điện tử (Lazada, Shopee, Sendo, Tiki, Voso, Postmart...) ký kết hợp tác nhằm hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm CNNT tiêu biểu, đặc trưng của tỉnh…
Ông Võ Công Chính, Giám đốc HTX sản xuất dầu phụng Công Chính (xã Cát Tài, huyện Phù Cát), khẳng định: “Từ năm 2021, HTX được Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Bình Định hỗ trợ tham gia nhiều hội chợ, hội nghị kết nối cung cầu, chúng tôi học hỏi kinh nghiệm, mạnh dạn vay vốn đầu tư trang thiết bị, thiết kế mẫu mã, bao bì sản phẩm chuyên nghiệp hơn để đáp ứng thị trường. Từ đó, HTX đã đưa sản phẩm dầu phụng vào hệ thống siêu thị, cửa hàng đặc sản trong và ngoài tỉnh. Đây là bước đột phá, nỗ lực lớn của HTX với sự hỗ trợ của ngành chức năng”.
Thực tế, phần lớn cơ sở có sản phẩm CNNT tiêu biểu ở Bình Định không có bộ phận kinh doanh hoặc làm thị trường chuyên biệt để phát triển kênh phân phối sản phẩm; hạn chế về tài chính và kiến thức, kỹnăng tự giới thiệu, quảng bá sản phẩm. “Sản phẩm CNNT tiêu biểu ở tỉnh chất lượng, mẫu mã rất tốt. Tuy nhiên, với hệ thống phân phối như siêu thị thì sản phẩm cần phải có thêm nhiều thông tin truy xuất nguồn gốc, thực hiện chương trình chiết khấu, ký gởi, chính sách đổi hàng hết hạn sử dụng…”, ông Nguyễn Văn Minh, Tổ trưởng tổ Marketing siêu thị Co.opmart Quy Nhơn, nhìn nhận.
Nhận thấy điểm yếu đó của các cơ sở, ông Thái Văn Toàn, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Bình Định, cho biết: Từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương năm 2022, Trung tâm không chỉ hỗ trợ đầu tư trang bị máy móc cho các cơ sở, mà còn hỗ trợ triển khai giới thiệu rộng rãi sản phẩm ra thị trường. Trung tâm hỗ trợ 35 triệu đồng cho Công ty TNHH BIDIR Hoàng Long đầu tư phòng trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm làng nghề gắn với du lịch; hỗ trợ 25 triệu đồng cho HTXNN Thượng Giang (huyện Tây Sơn) làm mẫu mã, bao bì cho sản phẩm… Đồng thời, bố trí gần 300 triệu đồng mở các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho các cơ sở, HTX có sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh trở lên…
HẢI YẾN