Thu nhập khá từ nuôi ốc bươu đen
Sau thời gian tìm tòi, học hỏi, anh Võ Đình Sang (42 tuổi, ở thôn Tân Hóa Bắc, xã Cát Hanh, huyện Phù Cát) nhận thấy việc nuôi ốc bươu đen không quá phức tạp mà sản phẩm lại được thị trường tiêu thụ mạnh với giá khá cao, nên đã mạnh dạn đầu tư vốn để cải tạo hơn 0,5 ha đất nông nghiệp của gia đình để nuôi. Nhờ chủ động được nguồn thức ăn tại chỗ và chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, ốc nuôi sinh trưởng, phát triển tốt.
Anh Sang có 16 ao nuôi, gồm 10 ao lớn (150 m2/ao) và 6 ao nhỏ (60 m2/ao), nuôi cảốc giống và ốc thịt nhiều kích cỡ khác nhau, đảm bảo nguồn ốc thương phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường và nguồn ốc giống tại chỗ để tái tạo đàn. Ngoài ra, trên các bờ ao nuôi, anh còn trồng gần 100 cây dừa xiêm tạo bóng mát và trồng mì, bí, mướp… làm thức ăn cho ốc.
Anh Sang thu hoạch ốc bươu đen. Ảnh: T.G
Theo anh Sang, nuôi ốc bươu đen ít tốn công, không nặng chi phí cho khâu chăm sóc mà chỉ đầu tư ban đầu khi đào ao và mua con giống. Quan trọng là duy trì mực nước ổn định trong ao và định kỳ sau mỗi lứa nuôi thì hút cạn bùn, vệ sinh khử trùng đáy ao nuôi.
Hiện tại, mỗi tháng anh Sang thu hoạch và bán khoảng 150 kg ốc thịt, với giá100 nghìn đồng/kg, thu về khoảng 15 triệu đồng; bán 5.000 - 13.000 ốc con giống/tháng cho thị trường trong, ngoài huyện, thu về 2 - 5 triệu đồng; tổng thu nhập từ ốc thịt và ốc giống từ 17 - 20 triệu đồng/tháng.
Ngoài ra, nhờ nguồn nước dồi dào và lượng bùn tưới sau mỗi lần vệ sinh ao nên 100 gốc dừa xiêm trồng trên bờ ao sinh trưởng, phát triển tốt, triển vọng sẽ tạo thêm nguồn thu đáng kể.
Ngoài làm kinh tế cho gia đình, anh Sang chia sẻ kinh nghiệm nuôi ốc bươu đen cho nhiều người trong vùng áp dụng, mở ra một hướng đi mới khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương bằng những cây trồng, vật nuôi thích hợp, có giá trị kinh tế cao, thúc đẩy kinh tế nông thôn ngày càng phát triển.
TRƯỜNG GIANG