Xây dựng thương hiệu heo Hoài Ân
Với hơn 15.000 hộ dân chăn nuôi, mỗi năm cung ứng ra thị trường khoảng 500 ngàn con heo, huyện Hoài Ân được xem là vựa heo lớn nhất miền Trung. Ý thức rất rõ về thế mạnh đất đai, khí hậu, kinh nghiệm chăn nuôi ở địa phương mình, người chăn nuôi ở Hoài Ân đang từng bước tạo dựng các mô hình chăn nuôi sạch, hướng đến xây dựng và phát triển thương hiệu cho ngành chăn nuôi heo ở Hoài Ân một cách bền vững.
Chị Nguyễn Thị Thu, 45 tuổi, thôn Gò Cau, thị trấn Tăng Bạt Hổ vừa xây chuồng trại mới với mức đầu tư 5 triệu đồng/ô nuôi theo đúng mô hình chăn nuôi heo sạch.
Nuôi heo để làm giàu
Nói về sự phát triển mạnh của nghề chăn nuôi heo ở Hoài Ân, chỉ cần lấy số liệu của dịch vụ phụ trợ minh họa cũng đã đủ thuyết phục. Năm 2011, toàn huyện chỉ có 7 đại lý thuốc thú y, thì nay, con số này là 25, và còn 5 đại lý nữa đang xin giấy phép hoạt động. Hai năm trở lại đây, số đại lý thức ăn chăn nuôi trên địa bàn huyện đã tăng gần gấp 5 lần, từ 50 đại lý (cấp 1, cấp 2 và cấp 3) tăng lên 241.
Sự phát triển mạnh mẽ của nghề chăn nuôi heo ở Hoài Ân trong những năm gần đây đã mang đến cuộc sống ổn định cho nhiều chủ trang trại, gia trại, hộ gia đình. Cả thôn Tân Thịnh, xã Ân Tường Tây, nơi được mệnh danh là “làng nuôi heo”, có 186 hộ thì có tới 8 trang trại lớn nuôi từ 200 con heo trở lên, còn lại là gia trại quy mô 50 - 100 con. Thôn trưởng Mai Văn Rõ, 52 tuổi, cũng là chủ trang trại với gần 300 con heo, kể rằng, thôn này vốn rất nghèo, người dân chỉ sống bằng nghề trồng lúa. Từ năm 2000, một số hộ có người thân lập nghiệp bằng nghề nuôi heo ở TP Hồ Chí Minh trở về quê mở rộng chuồng trại nuôi heo tại nhà với quy mô lớn. Thấy hiệu quả, nhiều người dân địa phương cũng làm theo, học tập cách chăn nuôi quy mô và mạnh dạn đầu tư bài bản. Không chỉ người địa phương, có cả người nơi khác cũng đến đây thuê đất, đầu tư nuôi heo theo kiểu này, mà ông Rõ là một ví dụ. Sau nhiều năm gắn bó với nghề nuôi heo ở Tân Thịnh, ông trưởng thôn vốn quê ở Hoài Hương (Hoài Nhơn) đã gầy dựng được một cơ ngơi rộng trên 10 ha đất nuôi heo, gà, trồng keo, chè… thu nhập trên 1 tỉ đồng/năm.
Những tỉ phú nhờ chăn nuôi heo không chỉ ở Ân Tường Tây mà rải khắp cả huyện, như ông Ngô Đức Trung, Hoàng Văn Bơ (Ân Đức), Hoàng Anh Dũng, Phạm Văn Bích (Ân Tường Đông) Nguyễn Tấn Trung (Ân Tường Tây).
Heo thịt ở Hoài Ân được đánh giá có chất lượng nên thị trường hút hàng, tiêu thụ mạnh, giá lúc nào cũng nhỉnh hơn chỗ khác 1- 2 giá. Ông Trần Thiện Khiêm, thương lái mua bán heo ở thôn Gò Cau, thị trấn Tăng Bạt Hổ, cho biết: “Thương lái không chỉ là người địa phương chuyên thu gom heo đi tiêu thụ tại các thị trường miền Nam, Tây nguyên, Đà Nẵng mà các chủ vựa heo từ các tỉnh như Đà Nẵng, Quảng Nam, Huế… cũng đưa xe đến tại Hoài Ân để thu mua”.
Đàn heo phát triển, các dịch vụ phụ trợ cho nghề nuôi heo cũng phát triển theo và hoạt động nhộn nhịp không kém. Mỗi ngày, có hàng trăm chuyến xe đi thu mua heo khắp huyện. Dịch vụ vận tải, kinh doanh thức ăn gia súc, làm công tại các trang trại chăn nuôi, thu gom heo đã giúp giải quyết nhiều công lao động lúc nông nhàn. Nhờ nuôi heo, làm dịch vụ cho nghề chăn nuôi heo, nhiều gia đình ở Hoài Ân đã xây được nhà cửa khang trang, mua sắm tiện nghi gia đình trị giá hàng trăm triệu đồng, có gia đình còn sắm cả ô tô.
Anh Mai Văn Rõ cho biết, để tiết kiệm chi phí chăn nuôi, anh liên hệ trực tiếp công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi nhận hàng cho trang trại của mình và bán lại cho một số hộ chăn nuôi ở thôn.
Tiến đến nuôi heo sạch
Từ sau đợt dịch năm 2010, đàn heo của Hoài Ân giảm từ 120 ngàn con xuống còn dưới 80 ngàn con vào cuối năm, khiến nhiều người chăn nuôi thua lỗ nặng. Để hỗ trợ cho vựa heo lớn nhất miền Trung này khôi phục sản xuất, Chi cục Thú y tỉnh đã xây dựng mô hình nuôi heo sạch tại thôn Tân Thịnh (Ân Tường Tây) với 80 hộ tham gia, quy mô 3.000 con heo. Các trang trại lớn thì tìm đến quy trình nuôi heo sạch để bảo vệ lợi ích của mình và nâng cao chất lượng đàn heo. Nhiều người chăn nuôi quy mô gia trại cũng bắt đầu ý thức tầm quan trọng của việc vệ sinh an toàn chăn nuôi nên đăng ký học các lớp sơ cấp, trung cấp thú y, tìm hiểu về cách phòng chống dịch bệnh.
Chúng tôi tìm đến trang trại chăn nuôi heo khép kín của anh Bùi Hoàng Tín ở thôn Gò Cau, thị trấn Tăng Bạt Hổ. Hiện trong chuồng của anh có 32 con heo nái F1, hàng trăm con heo thịt, cùng với đó là một tủ thuốc thú y có đầy đủ các loại thuốc và dụng cụ phòng chữa bệnh. Anh Tín cho biết: “Trang trại của tôi thực hiện quy trình nuôi khép kín và ứng dụng các tiến bộ khoa học vào chăn nuôi như: tự sản xuất con giống để nuôi heo thịt, tự phòng và điều trị bệnh, sử dụng thức ăn công nghiệp đồng thời dùng chế phẩm sinh học công nghệ nano và sử dụng thực phẩm từ vườn của gia đình bổ sung vào thức ăn. Chính vì vậy đàn heo không những không bị dịch bệnh, rút ngắn thời gian chăn nuôi mà chất lượng thịt đạt rất cao”.
Ở xã Ân Đức, gia trại của ông Nguyễn Văn Bơ lúc nào cũng có trên 10 heo nái, hơn 200 heo thịt. Ông Bơ vừa là nhân viên thú y thôn, vừa làm đại lý thức ăn gia súc nên rất thuận lợi trong việc chăm sóc đàn heo của mình. Ngoài ra, ông còn xây dựng hầm biogas để tận dụng chất thải chăn nuôi làm khí đốt và chạy máy phát điện dùng thắp sáng, xay xát, chế biến thức ăn gia súc. Nhờ vậy, heo ở trang trại ông ít dịch bệnh, chất lượng tốt, giá thành thấp, lợi nhuận cao.
Ở xã Ân Tường Đông, nhiều người còn biết đến trang trại nuôi heo lớn rộng trên 6ha với kinh phí đầu tư 30 tỉ đồng của chị Trần Thị Tuyết. Trang trại này hoạt động theo quy trình sạch, khép kín. Bất luận là công nhân hay người ngoài muốn vào trang trại đều phải qua phòng sát trùng. Toàn bộ hoạt động của trang trại được giám sát bằng camera.
Ông Phan Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân, cho biết, còn hai trang trại lớn được đầu tư trên 30 tỉ đồng theo công nghệ của nước ngoài cũng đang chờ xin phép xây dựng tại xã Ân Tường Tây và Ân Tường Đông. Đó chính là những tín hiệu vui cho ngành chăn nuôi theo mô hình sạch của huyện trong thời gian tới.
Nhiều trang trại còn đầu tư ván lót sàn cho đàn heo con nhằm vệ sinh chuồng trại, giảm dịch bệnh.
Xây dựng thương hiệu
Hiện nay, Hoài Ân có trên 15.000 hộ chăn nuôi heo, trong đó có trên 130 hộ chăn nuôi với quy mô trang trại và 440 gia trại (giá trị sản xuất bình quân trên 150 triệu đồng/năm). Huyện Hoài Ân cũng đang chiếm 16/27 trang trại chăn nuôi heo của toàn tỉnh (giá trị sản xuất bình quân đạt trên 1 tỉ đồng/năm).
Hoài Ân có đủ điều kiện để phát triển ngành chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa nhờ diện tích đất nông nghiệp rộng, khí hậu thích hợp, có truyền thống, giá trị chăn nuôi chiếm 52,6% tổng giá trị ngành nông nghiệp của huyện... Do đó, UBND huyện đã xúc tiến việc xây dựng thương hiệu heo cho Hoài Ân. Đầu năm 2013, đoàn khảo sát của UBND tỉnh và các sở, ngành đã tiến hành khảo sát tại huyện, song việc xây dựng thương hiệu heo Hoài Ân cần rất nhiều thời gian và sự phối hợp của các ngành chức năng cũng như của từng người chăn nuôi.
Ông Phan Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân
Từng bước, người chăn nuôi ở Hoài Ân đã và đang tự học các kỹ thuật chăn nuôi hiện đại và có thể tự điều trị bệnh thông thường, biết tự chế biến thức ăn và ứng dụng công nghệ sinh học vào chăn nuôi để nâng cao chất lượng sản phẩm heo thịt. Chính họ đã dần tạo nên thương hiệu heo Hoài Ân. Nói như ông Mai Văn Rõ thì bản thân từng người chăn nuôi như ông phải biết lấy chữ “tín” làm đầu bằng việc bảo đảm chăn nuôi heo sạch, không sử dụng kháng sinh và thuốc kích thích tăng trưởng. Từ đó, trình độ của các chủ trang trại đang dần được nâng cao. Nhiều chủ trang trại đã biết áp dụng phương pháp tự lai giống heo để có giống phù hợp nhất với từng điều kiện khí hậu, tự phối trộn thức ăn để giảm giá thành.
Ông Nguyễn Thanh Phụng, Trạm trưởng trạm thú y Hoài Ân, cho biết: “Heo thịt ở Hoài Ân được đánh giá tốt là nhờ chất lượng con giống. Hiện giờ toàn huyện có 50 con đực giống của 5 cơ sở chăn nuôi cung cấp cho toàn huyện. Giống heo đực là giống thuần nội 50%, giống lai nội, chủ yếu là Landrace, Pietrain, Duroc, Yorkshire được phối với đàn heo nái trong huyện, sinh sản khoảng trên 40.000 heo con giống/năm. Nhờ có đàn heo giống bố mẹ như vậy, nên đàn heo thịt phát huy ưu thế của cả giống nội lẫn giống ngoại, heo nhanh lớn, tỉ lệ nạc cao, sức đề kháng bệnh tốt, hình dáng heo đẹp, chất lượng thịt tốt, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng”.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp huyện đã chú trọng phát triển mạng lưới thú y cơ sở, hỗ trợ khuyến khích phát triển những giống heo có năng suất và chất lượng cao, hướng dẫn nông dân ứng dụng kỹ thuật mới trong chăn nuôi. Từ đó, chất lượng thịt heo cũng được cải thiện đáng kể.
Bài, ảnh: HẢI YẾN
Mình cần mua nái giống tại bình định, mình ở tây sơn.
mình cần mua khoảng 100 con giống về quảng nam nuôi nhưng không tìm đc đơn vị cung cấp nên nhờ tư vấn giúp
tôi mua tìm trang trại cung cấp heo giống, vui lòng cho biết thông tin nơi cung cấp heo giống Số điện thoại chủ trại heo giống