TS PHẠM VĂN THỦY, PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC DU LỊCH:
Bình Định nên xây dựng và phát triển du lịch văn hóa
Gắn bó với ngành văn hóa rồi chuyển sang công tác ở ngành du lịch, TS Phạm Văn Thủy, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ VH-TT&DL) đã nhiều lần làm việc với tỉnh Bình Định ở cả lĩnh vực văn hóa lẫn du lịch. Là chuyên gia ở cả 2 lĩnh vực này, ông đã góp nhiều ý kiến để tỉnh Bình Định phát huy giá trị di sản văn hóa trong định hướng phát triển du lịch.
TS Phạm Văn Thủy dành cho Báo Bình Định một cuộc trò chuyện xoay quanh việc phát huy giá trị các di sản văn hóa trong phát triển du lịch, điều mà theo ông, tỉnh Bình Định rất dồi dào.
Nâng tầm giá trị di sản văn hóa
* Đã nhiều năm gắn bó với cả 2 ngành văn hóa và du lịch ở nhiều cấp độ, hẳn ông quan tâm nhiều đến vấn đề phát triển du lịch văn hóa và những lợi ích từ đó, thưa ông?
- So với nhiều tỉnh, thành trong cả nước, Bình Định là địa phương phát triển mạnh mẽ ngành du lịch. Người ta đi du lịch không chỉ đơn thuần là tham quan cảnh đẹp, ăn gì, chơi gì, mà còn có nhu cầu tìm hiểu, khám phá những nét độc đáo về lịch sử, văn hóa, phong tục tập quán ở nơi mà họ đến.
Các di sản văn hóa là tài nguyên để phát triển du lịch, điều này thì người ta đã biết từ lâu. Nhưng tạo ra được “hàng hóa văn hóa” và từ đó phát triển thành sản phẩm, dịch vụ du lịch đặc trưng là vấn đề tương đối mới. Phải làm sao để các di sản văn hóa của mình mang nét độc đáo, hấp dẫn du khách, rồi định hình tạo ra các sản phẩm du lịch văn hóa riêng có, giàu tinh thần đặc trưng, khác biệt với nơi khác và thường xuyên được làm giàu thì mới có thể nói đến chuyện thu hút du khách trở lại. Du khách có quay trở lại thì mới nói đến chuyện bền vững được.
TS Phạm Văn Thủy (đứng giữa) trao đổi với doanh nhân, lãnh đạo ngành du lịch Bình Định trong lần gặp gỡ tại TP Sa Pa, tỉnh Lào Cai vào cuối tháng 5.2022. Ảnh: NGỌC NHUẬN
* Nhân ông nhấn mạnh đến yếu tố riêng và bền vững, vậy theo ông Bình Định cần làm gì trong phát triển loại hình du lịch văn hóa để vừa riêng vừa bền vững?
TS Phạm Văn Thủy sinh năm 1969, quê ở Thanh Hóa. Ông là tiến sĩ chuyên ngành công nghiệp văn hóa, bảo vệ luận án tiến sĩ tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. TS Phạm Văn Thủy từng giữ chức vụ Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT&DL), sau được điều động giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La. Từ năm 2021 đến nay, ông giữ chức Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ VH-TT&DL).
- Muốn biến tài nguyên văn hóa thành hàng hóa, dịch vụ du lịch, trước hết phải biến nó trở thành “hàng hóa văn hóa” như mọi loại hàng hóa khác nhưng đặc biệt hơn. Ta phải thống kê, đánh giá, xếp loại, định hình và quy hoạch phát triển sao để những di sản độc đáo nhất được trở thành hàng hóa trước, đến với du khách trước, giá trị kinh tế mà nó mang lại một mặt sẽ nuôi dưỡng chính nó, đồng thời sẽ tạo động lực, cơ hội để các di sản khác cùng phát triển. Hơn thế nữa khi được quy hoạch tốt, các di sản - sản phẩm, dịch vụ du lịch sẽ bổ trợ cho nhau, giúp nhau mang lại giá trị kinh tế cao.
Không chỉ nổi tiếng với nhiều cảnh đẹp, ẩm thực phong phú, Bình Định còn có nguồn tài nguyên văn hóa lớn, là vùng trầm tích của nhiều nền văn hóa, là vùng đất tọa lạc kinh đô của nhiều triều đại, là đất phát tích của phong trào nông dân và vương triều cùng tên - Tây Sơn, là quê hương của người anh hùng dân tộc Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ lừng lẫy.
Bình Định có tài nguyên di sản văn hóa rất dồi dào, phong phú, độc đáo, lại giàu chất đặc trưng, nói nôm na là phải về Bình Định mới có trải nghiệm đầy đủ và thú vị, như nghệ thuật tuồng, bài chòi, võ cổ truyền Bình Định, nên cần phải bảo tồn, phát huy hơn nữa để xây dựng thương hiệu các sản phẩm văn hóa này phục vụ du lịch xứng tầm với giá trị của nó.
Bình Định có nguồn tài nguyên di sản phong phú để phát triển du lịch văn hóa.- Trong ảnh: Du khách tham quan tháp Bánh Ít. Ảnh: NGỌC NHUẬN
* Đó là “riêng có”, vậy còn “bền vững”, thưa ông…
- Mặc dù tỉnh Bình Định đã khai thác các tiềm năng phát triển du lịch, nhưng mới chỉ nổi lên ở thế mạnh du lịch danh thắng, du lịch biển đảo, phần lớn du lịch về văn hóa chưa được khai thác gì nhiều.
Bình Định có nhiều di tích văn hóa, lịch sử riêng có, nhưng để nó thực sự trở thành sản phẩm hàng hóa thì tỉnh cần phải có định hướng, kế hoạch phát triển cụ thể cho từng hạng mục. Hơn nữa còn phải tạo cho được thương hiệu du lịch văn hóa có giá trị cao, thương hiệu ấy sẽ tạo động lực để tạo nên sự bền vững.
Nói cho dễ hiểu, ví dụ du khách muốn xem biểu diễn tuồng thì có dễ dàng không, mỗi tuần nhà hát sáng đèn bao nhiêu tối; xem xong thích quá muốn mua quà lưu niệm liên quan đến tuồng thì có những thứ gì, chúng có nhiều không, có được cập nhật không…
Xây dựng thương hiệu du lịch văn hóa
* Khi tạo ra sản phẩm du lịch văn hóa, cũng cần phải xây dựng thương hiệu du lịch văn hóa, vậy theo ông làm thế nào để có thương hiệu đạt giá trị cao?
- Khi chúng ta đã tính toán tạo ra sản phẩm du lịch văn hóa thì cũng cần phải bàn tới câu chuyện xây dựng thương hiệu du lịch văn hóa để khai thác bền vững trong phát triển kinh tế du lịch.
Mỗi địa phương phải đưa ra khẳng định về chính sách trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, nhưng để không na ná nhau, mỗi địa phương cần phải xác định cái di sản văn hóa riêng của mình để bảo tồn, phát triển nó thành sản phẩm phục vụ du lịch, tạo điểm nhấn thu hút du khách, nhất là phải xây dựng được thương hiệu du lịch văn hóa của địa phương mình.
Ví như khi nhắc đến võ cổ truyền là du khách sẽ nghĩ ngay đến vùng đất Bình Định - một trong những cái nôi võ Việt, đó chính là giá trị của thương hiệu du lịch văn hóa; hoặc như nhắc đến văn hóa ẩm thực về món nem chua miền Trung chẳng hạn, món ăn này có nhiều địa phương, như Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Bình Định đều có, nhưng để món nem chua Bình Định được biết đến có nét đặc trưng riêng cần phải xây dựng được thương hiệu…
Với nhiều nét độc đáo riêng, theo TS Phạm Văn Thủy, tỉnh Bình Định nên phát huy giá trị nghệ thuật tuồng Bình Định nhiều hơn nữa trong phục vụ du khách. Ảnh: NGỌC NHUẬN
* Chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cũng rất quan trọng, thưa ông?
- Bình Định đang đề ra mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi giai đoạn 2020 - 2025. Muốn vậy Bình Định phải làm sao để luôn mới mẻ, hấp dẫn để du khách còn quay trở lại và giới thiệu để nhiều người cùng quay lại. Không chỉ chú trọng tạo nên sản phẩm mà tôi nghĩ tỉnh Bình Định còn cần phải chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Bên cạnh những hướng dẫn viên du lịch của các DN du lịch, lữ hành, ngành văn hóa cần chú trọng nâng cao trình độ của đội ngũ những người làm công tác thuyết minh tại các điểm văn hóa, lịch sử là rất cần thiết, giúp du khách khi đến Bình Định hiểu biết sâu hơn về những giá trị văn hóa, lịch sử tại mỗi địa danh, các di tích mà họ đến tham quan. Và chính đơn vị quản lý điểm đến, những người này cũng phải cập nhật, du khách sẽ rất thất vọng nếu khi quay lại sẽ lại thấy mọi thứ không đổi, người thuyết minh lại nói bài nói cũ…
* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
ĐOÀN NGỌC NHUẬN