Sạch nhà, đẹp ngõ
Là huyện miền núi còn nhiều khó khăn, An Lão luôn nỗ lực trong công tác bảo vệ môi trường. Trong đó, phụ nữ địa phương từng bước thay đổi lối sống cũ, xây dựng thói quen có lợi cho môi trường, tạo nên diện mạo tích cực cho nơi đây.
Bận rộn bán buôn tại tiệm tạp hóa nhỏ tại nhà, bà Võ Thị Kiểng (68 tuổi, ở thôn Tân Lập, xã An Tân) liền tay “tặng kèm” khách tờ hướng dẫn phân loại rác thải tại nhà do Hội LHPN huyện phát. Bà Kiểng cho biết, không chỉ bà mà nhiều hội viên phụ nữ khác cũng được nhận những tờ hướng dẫn như vậy.
“Sau khi đọc hướng dẫn và tham gia các buổi tuyên truyền về bảo vệ môi trường của Hội phụ nữ xã, chúng tôi hiểu tầm quan trọng của việc phân loại rác thải tại nhà. Việc này không chỉ giúp nhà cửa được sạch sẽ mà còn tạo thuận lợi cho việc thu gom rác, có ích cho môi trường”, bà Kiểng nói.
Từ chỗ dùng 1 thùng rác duy nhất trong nhà, bà bắt đầu tận dụng những thùng giấy bỏ đi để làm thùng đựng các loại rác khác nhau, tránh lẫn lộn. Ngoài ra, bà cũng chuyển dần từ việc sử dụng bao bì ny lông sang bì tự phân hủy, thân thiện với môi trường.
Trước sự thay đổi ấy, nhiều khách hàng ngạc nhiên rồi ủng hộ. Dần dần, làn sóng ưu tiên “vật liệu xanh” trở nên phổ biến hơn trong xóm nhỏ.
Không chỉ “xanh” trong nhà, phụ nữ An Lão còn nỗ lực “gieo” màu xanh ở môi trường chung. Tại khu tái định cư hồ chứa nước Đồng Mít ở xã An Dũng, ai cũng bị thu hút bởi hàng cây bằng lăng con con đang dần khoe sắc rực rỡ. Trước đây, nơi này chỉ là bãi đất trống. Với sự quyết tâm thay đổi, làm đẹp thêm cho quê hương, Hội LHPN huyện đã phối hợp với Phòng TN&MT, Phòng NN&PTNT huyện tổ chức chương trình “Trồng cây xanh - phụ nữ vun trồng tương lai”, tiến hành trồng mới 150 cây bằng lăng và sao đen.
Hội LHPN huyện An Lão chăm sóc con đường hoa tại xã An Dũng.Ảnh:D.NGỌC
Bà Đinh Thị Răng, Chủ tịch Hội LHPN xã An Dũng, cho biết: “480 hộ dân ở đây phần lớn là người dân tộc thiểu số, quen sống ở nơi có suối, có rừng, gần gũi với thiên nhiên. Sau này, môi trường sống thay đổi khiến người dân gặp khó khăn trong thích nghi. Bởi vậy, tăng thêm cây xanh vừa để môi trường thêm đẹp, vừa giúp người dân cảm thấy quen thuộc, thêm y êu cuộc sống”.
Thật vậy, ngay sau khi phát động, nhiều chị em là người dân tộc thiểu số lập tức xung phong nhận chăm sóc, tưới nước cho hàng cây. Với phương châm “trồng cây nào, tốt cây đó”, những cây được chăm bón ngày càng tươi tốt và mau chóng ra hoa.
Tỉ mỉ bón phân cho những cây đã nhận chăm sóc, chị Đinh Thị Ên, người H’re, một trong những hội viên phụ nữ tích cực ở địa phương trong công tác trồng cây, chia sẻ: “Nhìn cây dần lớn và ra hoa, chúng tôi vui vì thấy công sức mình bỏ ra được bù đắp xứng đáng. Hơn nữa, cảm giác như có thêm động lực để tiếp tục trồng thêm nhiều cây xanh, không chỉ tại khu vực này mà còn ở trước hè, trong vườn nhà và quanh những con đường trong xã”.
Theo Chủ tịch Hội LHPN huyện An Lão Nguyễn Thị Ái Dân, năm 2022, nhờ sự ủng hộ tích cực từ phía chị em, toàn huyện đã trồng mới hơn 3.000 cây xanh, xây dựng mới 4 con đường hoa do phụ nữ chăm sóc và 11 sân nhà văn hóa xã, thôn xanh - sạch - đẹp.
DIỆU NGỌC