Giúp người lầm lỗi hòa nhập cộng đồng
Gần hai năm qua, cán bộ, nhân viên và học viên của Cơ sở cai nghiện ma túy (thuộc Sở LĐ-TB&XH) chung tay xây dựng nơi đây thành ngôi nhà chung bình yên và đầy hơi ấm tình thương.
Chuyển biến tích cực
Nhiều năm trước, khi hai cánh cổng lớn của Cơ sở cai nghiện ma túy đóng sập sau lưng, học viên có cảm giác bị tách ra khỏi thế giới bên ngoài. Bây giờ, nơi đây đã gần gũi hơn với nhiều chuyển biến tích cực. Khuôn viên rộng 4 ha của cơ sở được phân thành nhiều khu vực dùng để làm việc, ăn ở, sinh hoạt và lao động. Cơ sở trồng nhiều loại rau xanh, nấm, cây ăn trái, nuôi gà, bò, cá, dê để cải thiện bữa ăn mỗi ngày cho học viên.
Cắt cơn, giải độc xong, học viên được tham gia các hoạt động trị liệu như thể thao, văn hóa - văn nghệ, lao động… để giải trí, tăng cường sức khỏe, tìm thấy niềm vui v à giá trị sống.
T. và N. là hai học viên “cộm cán” ở cơ sở, nhiều lần bỏ trốn về nhà, trước đây quậy phá nhiều và thường xuyên vi phạm nội quy của cơ sở. Giờ đây, cả hai rất chững chạc, chuyện trò cởi mở, thân tình, tuân thủ nghiêm mọi quy định, còn hỗ trợ hiệu quả cho học viên mới.
“Nhờ cán bộ phân tích, chỉ rõ tác hại của ma túy đối với gia đình, bản thân, xã hội, tôi đã thấy được cái sai của bản thân mình. Vì hai con, tôi đã quyết tâm bỏ ma túy, phấn đấu giúp đỡ cho gia đình”, T. tâm sự.
Để nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động, năm 2021, Cơ sở cai nghiện ma túy xây dựng lại một số quy chế, quy trình; bài bản, cụ thể hóa nhiệm vụ từng cán bộ, nhân viên. Việc này giúp tạo ra sự phối hợp, hỗ trợ nhịp nhàng trong thực hiện công việc mỗi ngày, đồng thời thắt chặt hơn sự thống nhất, đoàn kết giữa 12 người đang làm việc tại đây. “Công việc rất áp lực, nhưng có sự quan tâm, động viên, tạo điều kiện của lãnh đạo cơ sở nên anh em luôn nỗ lực hoàn thành tốt”, anh Hồ Quốc Đạt, chuyên viên Phòng Tư vấn - Quản lý đối tượng của cơ sở, cho hay.
Lãnh đạo Cơ sở cai nghiện ma túy tặng quà khen thưởng, động viên kịp thời sự cố gắng của học viên. Ảnh: N.T
Yêu thương, trách nhiệm
Người tạo ra “luồng gió mới” cho nơi đây trong gần hai năm qua chính là Phó Giám đốc Nguyễn Thanh Hùng. Ông từng là Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Hỗ trợ nông dân thuộc Hội Nông dân tỉnh.
Ông bảo mình từng dạy về cây cảnh - cái nghề làm đẹp cho đời nên có quan điểm là “không có gì bỏ đi cả”. “Phải biết khai thác được mặt tốt của người ta. Suy cho cùng, có thể sa đà một vài phút giây nào đấy rồi bị nghiện; mình coi họ là một con người vào đây chữa bệnh để về tái hòa nhập cộng đồng, không thể coi là con nghiện”, ông Hùng chia sẻ.
Mọi người đều cho rằng, ông Hùng tính tình cởi mở, làm việc công tâm, chịu khó, truyền cảm hứng. Học viên nào vào cơ sở ngày đầu, ông cũng gặp gỡ, chuyện trò, nắm bắt tư tưởng, nguyện vọng, cảm thông và xem xét họ ở nhiều khía cạnh. Ông nhận ra, chỉ một số ít học viên gia đình có điều kiện, còn đa số đều có hoàn cảnh đặc biệt khiến họ buồn, nản, lao vào những trò chơi vô bổ, hủy hoại cuộc đời.
Quá trình phân tích tình trạng trốn trại về nhà, ông biết cả ngày ngồi không một chỗ, học viên sẽ “nhớ thuốc”. Vậy là, ông lên kế hoạch tổ chức hoạt động khép kín trong một ngày cho học viên. Tôn trọng những người có nghề, có tài lẻ, như người từng làm nghề cây cảnh, ông hướng dẫn cắt cây, tỉa cành. Ai thích chăn nuôi, ông dành khoảnh đất nhỏ để họ nuôi gà, lâu lâu vợ con lên thăm, nấu nồi cháo đãi, gửi con gà về cho ông bà…
Từ sự ổn định của học viên dẫn đến sự yên tâm công tác của cán bộ, nhân viên. Thấu hiểu, chia sẻ, cảm thông, hỗ trợ nhau hiệu quả, mọi người đồng lòng xây dựng cảnh quan xanh - sạch - đẹp, tăng gia lao động, tạo nguồn thu cho quỹ Công đoàn.
“Đầu năm này, cơ sở đã huy động ĐVTN thi đua trồng mít, xoài, mận làm công trình thanh niên. Tôi tổ chức trồng nấm; lên huyện Tây Sơn xin giống cây mãng cầu về ghép, cho quả ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng; anh em đem bán lấy tiền góp vào quỹ Công đoàn. Học viên nào muốn học nghề, tôi sẵn sàng chỉ dạy…”, ông Hùng cho hay.
NGỌC TÚ