Tết Độc lập - Tết Tự do
Trong không khí của mùa thu, của Tết Độc lập, người Việt bồi hồi nhắc nhau về nguồn cội, về giá trị của hòa bình, về lịch sử hào hùng của dân tộc.
THỜI KHẮC LỊCH SỬ
Ngày 2.9.1945, hàng chục vạn người với cờ, hoa, băng rôn, khẩu hiệu tề tựu trước quảng trường Ba Đình, Hà Nội. Đúng 14 giờ, trên lễ đài lớn, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trang trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố với quốc dân đồng bào cả nước và toàn thể nhân loại trên thế giới, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, nay là nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.
Tiếng của vị Cha già vang vọng khắp quảng trường. Lời Người lan truyền khắp non sông, khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã trở thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.
Từ ngày ấy, Tổ quốc Việt Nam là một thực thể thống nhất, thiêng liêng, dẫu có bị chia cắt hai miền Nam - Bắc trong nhiều năm đầy gian khổ, hy sinh. Khát vọng độc lập, tự do và lời khẳng định về một nước Việt Nam độc lập, tự do trong Tuyên ngôn Độc lập năm ấy đã gắn kết triệu triệu trái tim người Việt Nam. Điều đó giải thích cho những chiến công thần kỳ mà dân tộc ta đã làm được trong lịch sử đấu tranh giữ nước và dựng nước.
Treo cờ Tổ quốc trong những dịp lễ lớn của dân tộc là một nét đẹp văn hóa, đặc biệt trong dịp Quốc khánh 2.9, đây là niềm tự hào của mỗi người dân Việt Nam.
- Trong ảnh: “Đường cờ Tổ quốc” trên tuyến đường ven biển Xuân Diệu (TP Quy Nhơn). Ảnh: TRỌNG LỢI
Với khát vọng độc lập, tự do, với tinh thần Quốc khánh 2.9, 77 năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam không ngừng đấu tranh bảo vệ nền độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, quyền tự quyết của dân tộc và quyền tự do, hạnh phúc của nhân dân với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Việt Nam luôn tích cực ủng hộ, đóng góp trách nhiệm cho hòa bình, quan hệ bình đẳng và sự phồn vinh trên thế giới theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Phải gắn liền độc lập dân tộc với đoàn kết quốc tế; lấy tinh thần thiện chí, hòa bình để giải quyết những bất đồng, trên cơ sở gắn lợi ích dân tộc với lợi ích các nước trong khu vực và lợi ích chung của nhân loại tiến bộ”.
KÝ ỨC VÀ TỰ HÀO
Dấu ấn mùa thu lịch sử, Quốc khánh 2.9 in đậm trong trái tim mỗi người Việt Nam.
77 năm trước, khi đang ở tuổi 11, ông Trần Văn Nhẫn (nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội khóa IX, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh) là Liên đội phó đội thiếu nhi thôn ở xã Cát Tân, huyện Phù Cát. Ngày 2.9.1945, ông cùng thiếu nhi địa phương tham gia cổ động ủng hộ Chính phủ, ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Mặt trận Việt Minh.
“Không khí cách mạng sôi sục, đầy tự hào của ngày Quốc khánh 2.9 khắc sâu vào trái tim tôi. Với bản thân tôi, đó là một cơ may, một vinh dự lớn lao khi được tưới tắm trong dòng chảy của cách mạng từ lúc còn rất nhỏ; dẫn dắt tôi đi theo lý tưởng của Đảng, Bác Hồ. 14 tuổi mồ côi mẹ, 16 tuổi mồ côi cha, tôi trưởng thành trong sự chăm lo, giáo dục của Đảng, đoàn thể, sự giúp đỡ của đồng chí, đồng nghiệp, sự bao bọc của nhân dân và nỗ lực tự rèn luyện, học tập của bản thân. Tôi rất tự hào khi trong 77 năm qua, Đảng đã dẫn lối dân tộc đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, đất nước có được vị thế, uy tín cao trên trường quốc tế”, ông Nhẫn xúc động bày tỏ.
Sinh ra trong thời bình, chưa từng biết đến chiến tranh, nhưng những người trẻ hôm nay đã có chung niềm tự hào mỗi khi sống trong không khí của mùa thu cách mạng, Quốc khánh 2.9 cận kề. Với các bạn, khát vọng hòa bình và tinh thần bất diệt của Tuyên ngôn Độc lập ngày 2.9.1945 đã khắc sâu vào trái tim và khối óc.
Nguyễn Thị Kiều Oanh (20 tuổi, sinh viên chuyên ngành Sư phạm Lịch sử - Địa lý khóa 44, Khoa Sư phạm, Trường ĐH Quy Nhơn) cho biết: Thông qua những thước phim tài liệu về ngày Quốc khánh, hình ảnh vị lãnh tụ dân tộc trong trang phục giản dị với câu hỏi: “Tôi nói, đồng bào có nghe rõ không?” và hơn 50 vạn người cùng đáp “Có!” khẳng định sự đồng lòng, đoàn kết của toàn thể dân tộc đã làm bạn xúc động, ấn tượng.
“Để đi đến “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”, biết bao nhiêu xương máu của rất nhiều thế hệ cha ông đã đổ xuống. Lòng yêu nước đã trở thành một giá trị mang tính bất biến xuyên suốt dòng chảy lịch sử dân tộc. May mắn và hạnh phúc khi được sống trong hòa bình, người trẻ như tôi ngày nay càng phải ra sức phấn đấu rèn luyện, trau dồi đạo đức, là lực lượng xung kích, tiên phong trong mọi công tác, phong trào, luôn bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng, phát huy tinh thần Quốc khánh 2.9”, Kiều Oanh nói.
NGUYỄN MUỘI