Một thời hoa lửa hào hùng
Liên tục chiến đấu suốt 12 năm (1963 - 1975), Tiểu đoàn 50 đã lớn mạnh không ngừng, lập nhiều chiến công hiển hách trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
TIỂU ĐOÀN BỘ BINH ĐẦU TIÊN VÀ NHỮNG CHIẾN CÔNG LẪY LỪNG
Tiểu đoàn 50 ra đời ngày 19.8.1963 tại xã Ân Hữu (huyện Hoài Ân) với nòng cốt là Đại đội Tây Sơn (tiền thân là Đội tuyên truyền vũ trang 2.9). Đây là tiểu đoàn bộ binh đầu tiên của tỉnh Bình Định, do đồng chí Bùi Văn Riêng làm Tiểu đoàn trưởng và đồng chí Đinh Bá Lộc làm Chính trị viên.
Trong những tháng ngày khốc liệt nhất của cuộc chiến chống đế quốc Mỹ ở Bình Định, Tiểu đoàn 50 đã để lại nhiều chiến công hiển hách.
Ngay sau khi được thành lập, đêm 13.9.1963, Đại đội 2 của Tiểu đoàn 50 cùng bộ đội huyện Phù Cát đột nhập vào các “ấp chiến lược” Thạch Bàn (Cát Sơn), Long Định (Cát Hiệp), vận động nhân dân phá ấp rồi phóng lửa đốt toàn bộ ấp chiến lược xã Cát Sơn. Cũng trong đêm này, trên hướng Hoài Ân, Đại đội 1 tập kích trụ sở xã Ân Hữu, diệt gọn một trung đội dân vệ. Lần đầu tiên ra quân, Tiểu đoàn 50 đã lập công xuất sắc, đánh dấu bước trưởng thành về trình độ tổ chức chỉ huy cũng như khả năng hợp đồng tác chiến tập trung.
Các CCB nguyên là chiến sĩ của Tiểu đoàn 50 gồm Lê Văn Hương, Trần Minh Hoàng và Nguyễn Văn Sự (từ phải qua) thường xuyên gặp nhau để ôn lại những kỷ niệm thời hoa lửa. Ảnh: H.P
Chiến công nối tiếp chiến công, trong đó phải kể đến các trận đánh quân Nam Triều Tiên, diệt xe tăng và tiến công giải phóng Quy Nhơn. Mỗi trận đánh là một chiến công oanh liệt, khiến quân thù bạt vía.
Cuối tháng 8.1968, đơn vị về đứng chân ở khu vực Phương Phi, Phương Thái và Trung Lương (xã Cát Chánh, huyện Phù Cát), làm nhiệm vụ củng cố, huấn luyện bổ sung chuẩn bị cho chiến dịch Thu Đông. 7 giờ ngày 10.9.1968, một đại đội lính Nam Triều Tiên khoảng hơn 100 tên từ đồn Mỹ Long xuống chợ Phương Phi để càn quét, ta bố trí trận địa phục kích sẵn. Khoảng 10 giờ 30 phút, địch đi đúng ý định của ta. Đại đội 1 chặn đầu nổ súng, Đại đội 2 đánh chính diện, Đại đội 3 khóa đuôi, bộ đội ta xung phong truy kích bọn lính Nam Triều Tiên chạy la khóc giữa trưa nắng trên cánh đồng trước chợ Phương Phi. Trận đánh diễn ra hơn 30 phút, ta đã tiêu diệt hoàn toàn đại đội lính Nam Triều Tiên.
Những ngày cuối tháng 6.1974, địch tập trung quân chủ lực với nhiều xe tăng nhằm chiếm lại Mỹ Tài, Mỹ Chánh và các xã phía Đông Phù Mỹ. Trước tình hình này, Sở chỉ huy tiền phương Tỉnh đội đã điều động 4 Tiểu đoàn bộ binh của tỉnh gồm: 50, 52, 8, 55 và bộ đội huyện Phù Mỹ, du kích các xã phía Đông huyện tập trung về khu chiến Mỹ Chánh để chống địch phản kích. Tiểu đoàn 50 làm nhiệm vụ chủ công, tổ chức trận địa phục kích từ thôn Trung Thuận đến Chánh Thiện.
Với những chiến công to lớn đã đạt được, năm 1973, Tiểu đoàn 50 được tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Đó chính là sự ghi nhận xứng đáng cho những đóng góp của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
9 giờ ngày 23.6.1974, ngay khi địch lọt vào trận địa của ta, các đại đội của Tiểu đoàn 50 đã dùng hỏa lực bắn cháy thành công nhiều xe tăng của địch. Cánh quân thứ nhất bị diệt; địch cay cú, điều đoàn tăng thứ 2 từ Mỹ Tài sang Chánh Thiện. Lợi dụng địa hình, địa vật, quân ta tiếp tục làm cho địch thua đau, gần chục chiếc xe tăng bị ta bắn cháy; bộ binh của chúng cũng bị tổn thất nặng. Tổng cộng, trong trận này ta đã bắn cháy 2 đợt với 19 xe tăng, tiêu diệt 1 đại đội biệt động. Đây cũng là trận ta tiêu diệt xe tăng của địch nhiều nhất.
Thực hiện chỉ đạo của Thường vụ Tỉnh ủy, từ ngày 25 - 31.3.1975, ta đã giải phóng các huyện trong tỉnh. 20 giờ ngày 31.3, Tiểu đoàn 50 đã bắt liên lạc, phối hợp với đội biệt động Quy Nhơn, đặc công Đ30 và Đ20 đánh chiếm, cắm cờ trên tiền sảnh Tòa hành chính ngụy quyền tỉnh và Trung tâm tiểu khu Bình Định - cơ quan đầu não về chính trị, hành chính, quân sự của địch. Đây là thời điểm giải phóng TX Quy Nhơn và toàn tỉnh Bình Định.
TỰ HÀO TRONG GIAN KHỔ
Hơn nửa thế kỷ trôi qua, nhưng mỗi khi nhắc đến những năm tháng đấu tranh hào hùng, ánh mắt của những người lính thuộc Tiểu đoàn bộ binh đầu tiên của tỉnh một thời hoa lửa ấy vẫn ánh lên niềm tự hào.
Mỗi khi nhắc đến CCB Trần Minh Hoàng (biệt danh là Trần Khánh, nguyên Đại đội trưởng Đại đội 2 năm 1969, hiện ở TP Quy Nhơn), nhiều người lính từng chiến đấu ở Tiểu đoàn 50 luôn bộc lộ sự thán phục. Bởi, ông đã trực tiếp chỉ huy và tham gia nhiều trận đánh ác liệt của đơn vị. Bước qua độ tuổi thất thập, sức khỏe giảm nhiều nhưng ông chưa bao giờ quên những năm tháng ở chiến trường khói lửa.
Ông kể lại rành mạch: “Sau trận Phương Phi bị thất bại muối mặt, hầu như tháng nào lính Nam Triều Tiên cũng đưa quân càn quét, lùng sục khu vực Núi Bà. Tháng 5.1969, Đại đội 2 bí mật trở lại Núi Bà để huấn luyện. Ngày 27.5.1969, một trung đội lính Nam Triều Tiên 45 tên từ đồn Mỹ Long đi xuống tới chợ Phương Phi để lùng sục. Phát hiện địch, tôi cùng đồng chí Ba (Tham mưu trưởng của Tiểu đoàn 50) tổ chức cho bộ đội đánh tập kích địch. Chỉ trong vòng hơn 1 tiếng đồng hồ, quân ta đã diệt gọn một trung đội địch, thu toàn bộ vũ khí quân dụng”.
Khẩu súng DKZ 82 của Tiểu đoàn 50 được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh. Qua 2 năm chiến đấu (1973 - 1974) khẩu súng này đã bắn sập 126 lô cốt, bắn cháy 20 xe tăng và xe bọc thép của địch. Ảnh: H.P
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những người bước ra từ cuộc chiến vẫn lưu giữ những kỷ niệm thời hoa lửa. Năm 1972, vừa tròn 18 tuổi, chàng thanh niên Nguyễn Văn Sự (68 tuổi, ở TP Quy Nhơn, nguyên Trung đội trưởng Trung đội Trinh sát thuộc Tiểu đoàn 50) tạm biệt gia đình lên đường nhập ngũ tại Tiểu đoàn 50. Được giao làm lính trinh sát, nhiệm vụ của ông Sự là do thám địa hình, địa vật, quân số địch, các loại vũ khí trang bị của địch, báo cáo chỉ huy để bàn chiến thuật tác chiến.
“Là lính trinh sát phải “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”, lấy đêm làm ngày, tuyệt đối bí mật. Trong mọi hoàn cảnh, mình phải nắm chắc được tình hình của địch, bởi đây là một trong những yếu tố then chốt để ta giành được lợi thế trong các trận đánh”, ông Sự chia sẻ.
Khó khăn, gian khổ không dập tắt được ý chí của người lính, bởi họ luôn có niềm tin rằng cuộc chiến đấu này tất sẽ thắng lợi. Cũng một thời vào sinh ra tử cùng đồng đội, CCB Lê Văn Hương (72 tuổi, ở TP Quy Nhơn, nguyên Tiểu đoàn Phó Tiểu đoàn 50) vẫn nhớ như in khoảnh khắc cùng đồng đội đánh chiếm Tòa hành chính ngụy quyền tỉnh và Trung tâm tiểu khu Bình Định. “Khoảnh khắc lá cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được cắm lên, ai ai cũng vui mừng khôn xiết, người người đều lâng lâng. Từ nay quê hương được giải phóng hoàn toàn!”, ông Hương bộc bạch.
HỒNG PHÚC