Đất Võ - Trầm tích một câu ca
“Ai về Bình Định mà coi/ Con gái Bình Định bỏ roi đi quyền”.
Từ phương xa, đã bao giờ câu ca dao mời gọi ấy làm bạn bận lòng? So với các hình thức diễn đạt đa dạng của truyền thông đương đại, lớp áo ngôn ngữ của nó thật đơn giản và có phần chân chất, nhưng tôi, một người Bình Định, luôn có nó trong tiềm thức. Bởi vì nó chạm đến hồn vía của quê hương.
Suốt thời kỳ phong kiến và hậu phong kiến Việt Nam vài chục năm, quan niệm xã hội hạn chế vai trò của phụ nữ trong vòng tam tòng, tứ đức. Con gái biết võ là hiện tượng hiếm hoi. Chỉ các cô xuất thân từ các dòng võ mới có cơ hội được học, hoặc một vài cô gia đình giàu có, được cha mẹ mời thầy về dạy vài đòn thế căn bản để phòng thân. Và cái sự “biết võ” của các cô cũng khá kín tiếng, gặp hoàn cảnh chẳng đặng đừng mới để lộ ra. Con gái giỏi võ không phải là điều xấu, nhưng cũng không nên và không cần phô trương. Nhưng đời sống luôn có ngoại lệ. Ngoại lệ đó được quy định bởi lịch sử và đặc điểm địa - chính trị của vùng đất.
Đất Bình Định xưa là phủ Hoài Nhân, thuộc đạo Quảng Nam do vua Lê Thánh Tông định ra sau chiến thắng lịch sử 1471. Năm 1602, chúa Tiên Nguyễn Hoàng đổi tên phủ Hoài Nhân thành phủ Quy Nhơn. Suốt hai trăm năm Đàng Trong, Quy Nhơn là điểm chịu lực của đòn gánh cung ứng tài nguyên, nhân lực cho những cuộc chiến tranh mà các chúa Nguyễn theo đuổi. Nền cai trị nặng về quân sự khiến vùng đất này thành nơi tích tụ những mâu thuẫn xã hội gay gắt, đòi hỏi phải được giải quyết bằng bạo lực, hình thành nếp sống thượng tôn võ thuật. Xuất phát từ đặc điểm địa - chính trị của vùng đất và yêu cầu lịch sử như vậy, mặc nhiên Quy Nhơn trở thành trung tâm võ nghệ lớn nhất đương thời.
Trong vòng ảnh hưởng của thời cuộc và xã hội, phụ nữ phủ Quy Nhơn xưa, tức Bình Định sau này, sớm làm quen với kiếm cung võ nghệ. Vè Chàng Lía miêu tả một người đàn bà nông thôn Hoài Ân, Bình Định thời chúa Nguyễn Phúc Chu: “Mụ Mân khoảng độ bốn hai/ Làu thông võ nghệ ít ai sánh bì”. Sau khi lập căn cứ khởi nghĩa ở Truông Mây, nghe kể về tài đánh côn của Thị Mân, chàng Lía liền mời bà gia nhập nghĩa quân. Một bản vè khác cho biết trong nhóm đầu lĩnh Truông Mây còn có “một má đào” là Đặng Thị Chân, con gái thầy võ Đặng Sơn ở thành Quy Nhơn. Trong thành có tên công tử bột sàm sỡ gái nhà lành, cô đá hắn rớt xuống sông rồi khăn gói lên Truông Mây: “Chữ rằng: Bình thủy hữu duyên/ Xin nàng tụ nghĩa nơi miền Truông Mây/ Cùng nhau nhàn hạ suốt ngày/ Chiêu binh mãi mã sau này rửa oan/ Giết cho hết lũ tham quan/ Cùng loài trọc phú bạo tàn xưa nay” (Vè Chàng Lía).
Trước thời Tây Sơn, sinh hoạt võ thuật ở Quy Nhơn khá nhộn nhịp. Nổi tiếng nhất trong các bậc nữ hiệp thời đó là Bùi Thị Xuân. Theo Nguyễn Bá Huân, tác giả Tây Sơn danh tướng anh hùng truyện, khi lên An Khê tụ nghĩa, Bùi Thị Xuân đã có trong tay cả một đàn voi chiến. Đội tượng binh do bà huấn luyện sau này theo Nguyễn Huệ đánh trận Ngọc Hồi Thăng Long, xuân Kỷ Dậu 1789. Là nữ đô đốc duy nhất của quân đội Tây Sơn, bà xông pha trận mạc không kém gì nam nhi. Không chỉ giỏi điều binh khiển tướng, bà còn có thành tựu trong nghiên cứu, sáng tạo các bài võ mới. Bài Phượng hoàng kiếm do bà sáng tạo, dựa trên tư thế bay lượn của đôi chim phượng hoàng trong mơ, còn lưu truyền đến nay.
Những thế kỷ tiếp theo, không ít nữ nhân Bình Định nổi danh trên lĩnh vực võ thuật. Thế kỷ XIX có Võ Thị Trà, Nguyễn Thị Rịa, đều thuộc dòng dõi các võ tướng Tây Sơn vào Nam lánh nạn. Võ Thị Trà sáng lập môn phái võ Tân Khánh - Bà Trà tại Sông Bé, đồng thời là thủ lĩnh khởi nghĩa Tân Khánh. Nguyễn Thị Rịa chỉ huy công cuộc khẩn hoang vùng đất Bà Rịa - Vũng Tàu và mở trường dạy võ tại đây.
Hệ thống tháp Chăm cùng di sản võ cổ truyền là những đặc trưng nổi bật của du lịch Bình Định, thu hút nhiều du khách khám phá. Ảnh: NGUYỄN DŨNG
Thế kỷ XX, Trần Thị Quyền đất Hoài Nhơn được triều đình Huế vinh danh vì có công đánh hổ dữ bảo vệ dân lành. Người mẹ của võ sư huyền thoại Hồ Ngạnh, bà Lê Thị Huỳnh Hà cũng là người thầy võ đầu tiên của con mình. Ban ngày lo đồng áng, đêm đến, bà vẽ vòng tròn, thắp bốn ngọn đèn ở bốn phía, bắt con đứng ở giữa luyện roi. Có thể nói, công phu và sự nghiêm khắc của người mẹ đã góp phần không nhỏ để Hồ Ngạnh trở thành tay roi trứ danh xứ Thuận Truyền.
Nhưng, nhân vật nguyên mẫu gần nhất của câu ca dao trên có lẽ là Tám Cảng, con gái cưng của võ sư Đinh Hề (Hương kiểm Mỹ) đất An Vinh. Dịp lễ hội Đổ giàn ở An Thái đầu thế kỷ XX, cô cùng anh em trai là Bảy Lụt, Chín Giác vượt sông xem hội. Lễ tế vừa xong, lệnh xô cỗ đổ giàn vừa phát, cô tung mình thượng đài cướp heo quay. Thông thường, cướp heo quay là màn tranh đấu hào hứng nhất lễ hội, lần đó với sự tham gia của một người con gái xinh đẹp khiến sự hào hứng tăng lên gấp bội. Cuộc rượt đuổi, đánh chặn giữa môn sinh các lò võ tại các điểm mai phục tạo nên cảnh huyên náo khắp mọi ngõ ngách làng võ. Kết quả con heo quay năm ấy thuộc về lò võ Hương kiểm Mỹ. Kể từ đó vang dội dư âm “trai An Thái, gái An Vinh”. Chuyện cô Tám Cảng đấu võ kén chồng cũng để lại giai thoại ly kỳ trong làng võ.
Từ thời Tám Cảng trở đi, tạm gọi như vậy, con gái Bình Định tham dự các cuộc thi võ không còn là chuyện kỳ khôi nữa. Đất Tây Sơn xuất hiện nữ võ sĩ xinh đẹp Thanh Tùng được võ giới mệnh danh “cọp cái sông Côn”. Kế tiếp là Hồ Hoa Huệ, nữ chưởng môn Tinh Võ Đạo tại TP Hồ Chí Minh. Môn phái của bà phát triển cơ sở tại nhiều nước trên thế giới. Bà được ghi nhận là một trong những người có công đưa võ Bình Định ra võ đàn quốc tế.
Võ nhân chỉ xuất chiêu khi có hoàn cảnh dụng võ. Về Bình Định xem (con gái) múa roi, đi quyền, cũng cần đúng nơi, đúng dịp. Nơi, hoặc võ đài, sân khấu, hoặc đơn giản là sân đình, góc chợ, nhưng nói đến dịp là nói đến lý do, kế hoạch, quy mô, thời điểm - một cuộc so tài, một trận đấu, một hội thi, một lễ hội...
Từ khi đất nước thống nhất, người ta rủ nhau về Bình Định ngày càng nhiều để xem con gái Bình Định bỏ roi đi quyền. Hầu hết các chương trình diễn võ tại Bảo tàng Quang Trung, các lễ hội lớn của tỉnh, Liên hoan quốc tế võ cổ truyền tại Bình Định... không thể thiếu các tiết mục của các nữ võ sĩ. Một Kim Thanh uy nghi với ngọn đao sắc lẹm và đường quyền mai hoa xé gió. Một Thu Hồng với ngọn roi vút ngang mày uyển chuyển. Một Trần Thị Trà Huy với bóng kiếm loang loáng chập chờn nhân ảnh... Và từ các cuộc thi, những cô bé mới 7, 8 tuổi đã giật huy chương vàng võ cổ truyền Bình Định như Hồ Thị Thảo, Phạm Thị Thúy Quỳnh, Phạm Thị Như Ý... sẽ lần lượt bước lên, tiếp tục lưu truyền câu ca dao của người đất võ.
TRẦN THỊ HUYỀN TRANG