HQ-505, con tàu có số phận đặc biệt kỳ lạ
Nói đặc biệt kỳ lạ là bởi con tàu này được cả hai bên chiến tuyến - Quân đội Hoa Kỳ và Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam lần lượt vinh danh. Trong thế chiến thứ 2, tàu được Quân đội Hoa Kỳ trao tặng Huân chương Quân công. Sau trận hải chiến Trường Sa bảo vệ chủ quyền biển đảo của Hải quân nhân dân Việt Nam năm 1988, Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho tập thể cán bộ chiến sĩ trên tàu.
Tháng 11.1943, sau khi được hạ thủy, vận hành kiểm định, đến tháng 1.1944 một tàu đổ bộ Hoa Kỳ được biên chế chính thức vào lực lượng hải quân quốc gia này và tham gia đưa quân đồng minh đổ bộ lên bờ biển Normandie (Pháp). Sau đó con tàu này còn chiến đấu ở chiến trường Bắc Phi, Địa Trung Hải. Tuy sinh sau đẻ muộn, nhưng với nhiều chiến công, tàu được Quân đội Hoa Kỳ trao tặng Huân chương Quân công.
Sau Thế chiến thứ 2, tàu chính thức có tên là USS Bulloch County, số hiệu LST- 509 (LST = Landing Ship Tank: Lớp tàu quân sự được thiết kế đặc biệt, dùng để chở quân, xe bọc thép, xe tăng... đổ bộ lên các bờ biển, mà không cần chuẩn bị trước cầu tàu, bến đậu).
Ảnh chụp toàn cảnh tàu lúc mang số hiệu mới của Hải quân nhân dân Việt Nam HQ-505. Nguồn: TTXVN
Năm 1966, khi Hoa Kỳ đưa quân vào Việt Nam trực tiếp tham chiến, USS Bulloch County được biên chế vào Hạm đội 7 - Thái Bình Dương, trở thành căn cứ tiền phương của Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ ở Vùng 1 chiến thuật. Ngoài nhiệm vụ cung ứng hậu cần cho các tàu chiến của Hạm đội 7 tại Biển Đông, USS Bulloch County còn tham gia nhiều chiến dịch tuần tiễu, giám sát biển... nhằm phát hiện, ngăn chặn “đoàn tàu không số” của miền Bắc đưa người và vũ khí vào miền Nam.
Đầu năm 1970, Hải quân Hoa Kỳ đưa tàu này khỏi biên chế. Ngày 8.4.1970, tại San Diego, với sự chứng kiến của Đô đốc Zumwatl và Phó Đề đốc của quân đội Việt Nam cộng hòa Trần Văn Chơn, Hải quân Hoa Kỳ đã chuyển giao USS Bulloch County cho Hải Quân Việt Nam cộng hòa và mang tên mới: Dương vận hạm Qui Nhơn HQ-504.
Vừa nhận tên mới, tàu đã tham gia chiến dịch đưa đồng bào Việt Nam bị nạn “cáp duồn” ở Campuchia về nước; vận chuyển vật liệu, binh lính ra xây dựng các cứ điểm quân sự trên quần đảo Trường Sa; đầu năm 1975, dương vận hạm Qui Nhơn HQ-504 đã đưa nhiều binh lính, thường dân từ Vùng 1, Vùng 2 di tản... Tháng 4.1975, trung tá, thuyền trưởng dương vận hạm Qui Nhơn HQ-504 Nguyễn Như Phú từ chối đi di tản, quyết định ở lại.
Sau giải phóng, dương vận hạm Qui Nhơn HQ-504 được biên chế vào lực lượng, trở thành tàu vận tải lớn nhất bấy giờ của Hải quân nhân dân Việt Nam, mang số hiệu mới là HQ-505. Tàu tham gia chở vật liệu xây dựng các tiền đồn trên quần đảo Trường Sa, chuyên chở vũ khí, bộ đội tham gia chiến đấu trên chiến trường biên giới Tây Nam.
Năm 1988, đất nước một lúc phải gánh 2 cuộc chiến tranh biên giới ở Tây Nam và phía Bắc, kinh tế khủng hoảng, đời sống nhân dân rất khó khăn. Tình hình Biển Đông thường xuyên căng thẳng, Trung Quốc đưa 12 tàu vũ trang tìm cách gây hấn, kiếm cớ để đánh chiếm các đảo chìm Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao của Việt Nam. Đúng ngày mùng 1 Tết năm 1988, trung tá, thuyền trưởng Vũ Huy Lễ nhận lệnh đưa tàu HQ-505 ra bảo vệ đảo chìm Cô Lin.
Trung tá, thuyền trưởng Vũ Huy Lễ (hàng trước, đứng giữa) chụp chung cùng các thủy thủ tàu HQ-505 trước khi lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Trường Sa, năm 1988. Ảnh: TTXVN
Đảo Cô Lin là đảo không có người ở; chỉ khi thủy triều xuống mới lộ ra một bãi đá ngầm, thủy triều lên tất cả đều ngập dưới làn nước biển. Thuyền trưởng cho tàu thả neo sát bãi đá, bộ đội công binh của Hải quân Việt Nam tổ chức cắm cờ Tổ quốc lên đảo, xác định chủ quyền của Việt Nam. Phía Trung Quốc lập tức đưa một đội tàu vũ trang đến, tìm mọi cách đe dọa, cản trở, uy hiếp, rồi đưa quân áp sát, cướp cờ.
Lợi dụng Việt Nam đang tổ chức quốc tang Thủ tướng Phạm Hùng, sáng 14.3.1988, phía Trung Quốc bất ngờ tấn công, đánh chiếm 3 đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao. Phía Trung Quốc dùng trọng pháo bắn thẳng vào các bộ đội Việt Nam không có vũ khí đang cắm cờ Tổ quốc trên bãi đá ngầm, nước ngập đến thắt lưng. Cuộc chiến xảy ra không cân sức, chênh lệch quá lớn về mọi mặt nên phần lớn các chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam hy sinh anh dũng; hai tàu HQ-605, HQ-604 bị trúng đạn, bốc cháy rồi chìm xuống biển; phía Trung Quốc chiếm 2 đảo chìm Gạc Ma và Len Đao.
Tàu HQ-505 cũng bị trúng đạn, có nguy cơ bị chìm. Trước tình huống này, trung tá, thuyền trưởng Vũ Huy Lễ quyết định nhổ neo, cho tàu phóng hết tốc lực, leo lên bãi đá ngầm. Con tàu lao lên đảo Cô Lin được 2/3 thân và trở thành công sự nổi để các chiến sĩ tiếp tục chiến đấu giữ đảo. Tàu HQ-505 đã trở thành cột mốc chủ quyền của Việt Nam trên đảo Cô Lin.
Ảnh chụp từ máy bay ghi lại hình ảnh tàu HQ-505 lao lên đảo Cô Lin, trở thành công sự nổi vững chắc để các chiến sĩ tiếp tục chiến đấu, giữ đảo. Nguồn: TTXVN
Kết quả trận hải chiến 1988, Việt Nam giữ được đảo Cô Lin, mất 2 đảo Gạc Ma và Len Đao, bị mất 2 tàu, 9 chiến sĩ bị bắt làm tù binh, 64 chiến sĩ hy sinh. Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã thăng một cấp hàm, phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho đại tá, thuyền trưởng Vũ Huy Lễ và cả tập thể tàu HQ-505.
PHAN TẤN HẢI