Quy Nhơn: Ðô thị biển – Trung tâm kinh tế và du lịch
Với đường bờ biển dài, cảng biển lớn cùng hạ tầng đô thị tốt, TP Quy Nhơn được định vị là một trong các đô thị trung tâm của vùng Duyên hải miền Trung.
Quy Nhơn là thành phố tỉnh lỵ của Bình Định, là đầu mối giao thông quan trọng, có QL 1, QL 1D, QL 19, cảng biển Quy Nhơn, cảng Thị Nại, đường sắt Bắc - Nam kết nối thành phố với khu vực miền Trung- Tây Nguyên, với cả nước và quốc tế.
ĐÔ THỊ ĐỘNG LỰC CỦA TIỂU VÙNG RỘNG LỚN
Quy Nhơn được thiên nhiên ban tặng nhiều lợi thế và có nhiều tiềm năng phát triển mạnh về biển và kinh tế biển. Với đường bờ biển dài gồm nhiều đảo, vũng, vịnh và các cửa biển lớn, Quy Nhơn là “cánh cửa biển” cho cả khu vực. Đây là những đòn bẩy để Quy Nhơn hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế biển của quốc gia.
Nhận diện về vị thế, vai trò đặc biệt của Quy Nhơn với tư cách là đô thị biển - trung tâm tỉnh lỵ của Bình Định, và đặt trong mối liên kết vùng trọng điểm kinh tế miền Trung, năm 2009, trong định hướng quy hoạch hệ thống đô thị toàn quốc đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050, Chính phủ đã xác định TP Quy Nhơn nằm trong nhóm đô thị lớn - 12 đô thị trung tâm cấp vùng quốc gia, trung tâm vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung.
Một năm sau đó, Chính phủ công nhận Quy Nhơn là đô thị loại I trực thuộc tỉnh. Thành phố biển cũng đảm nhiệm vai trò đô thị động lực tiểu vùng Trung Trung bộ, cửa ngõ quan trọng kết nối Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia với biển Đông.
Đặc biệt, năm 2015, với điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP Quy Nhơn và vùng phụ cận đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050, Chính phủ đã xây dựng mục tiêu đến năm 2025 Quy Nhơn trở thành một trong các đô thị trung tâm của vùng duyên hải miền Trung, có nền kinh tế phát triển theo định hướng công nghiệp - cảng biển - dịch vụ - du lịch. Đến năm 2050, Quy Nhơn có vị trí quan trọng trong hệ thống đô thị quốc gia và khu vực Đông Nam Á, đóng vai trò là một trong những trung tâm phát triển lớn của khu vực Trung bộ, với nền kinh tế phát triển trọng tâm là du lịch - dịch vụ - cảng biển, có sức hút đầu tư lớn và phát triển quan hệ hợp tác quốc tế trong nhiều lĩnh vực.
Trong những năm qua, Quy Nhơn đã mở rộng không gian về phía biển. Trong ảnh: TP Quy Nhơn nhìn từ trên cao. Ảnh: DŨNG NHÂN
CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN KINH TẾ BIỂN
Ông Ngô Hoàng Nam, Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn, khẳng định: Thành phố xác định tập trung phát triển 3 trụ cột là thương mại dịch vụ, du lịch, công nghiệp - cảng biển. Từ việc xác định ngành kinh tế mũi nhọn, chính quyền thành phố ban hành nhiều chủ trương, đầu tư mới nhiều hạng mục công trình, cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng hiện có làm tiền đề phát triển kinh tế biển.
Trong hệ thống cảng biển Việt Nam, cảng Quy Nhơn là một trong những cảng biển có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển và đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển KT-XH của Quy Nhơn, Bình Định nói riêng, của miền Trung - Tây Nguyên nói chung. Năm 2020, quy hoạch xây dựng mở rộng cảng Quy Nhơn đến năm 2030 được triển khai với tổng diện tích quy hoạch 88,03 ha, giúp khai thác hiệu quả tiềm năng và lợi thế của cảng.
Ông Lê Duy Dương, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Cảng Quy Nhơn, cho biết: Cảng Quy Nhơn đã xác định đến năm 2025 và những năm tiếp theo sẽ trở thành cảng biển tổng hợp quốc tế hiện đại, cung cấp các dịch vụ cảng biển, logistics ở mức độ chuyên nghiệp, ngang tầm khu vực Đông Nam Á, trở thành đầu mối giao thương hướng biển số 1 trong chiến lược phát triển kinh tế của khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên, Đông Bắc Campuchia, Nam Lào; đủ năng lực tiếp nhận được hàng hóa thông qua cảng trên 15 triệu tấn/năm vào năm 2025 (trong đó container đạt 350.000 TEUs).
Trong khi đó, Khu kinh tế Nhơn Hội cũng là cực tăng trưởng quan trọng của Quy Nhơn. Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nhơn Hội đến năm 2040 với nhiều thay đổi nhằm đảm bảo khai thác hiệu quả và lâu dài. Ông Phan Viết Hùng, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, đánh giá, đóng góp của Khu kinh tế Nhơn Hội trong phát triển đô thị và kinh tế biển Quy Nhơn có thể nhìn ở 2 khía cạnh là xây dựng các khu đô thị du lịch sinh thái và phát triển du lịch biển, tạo nên sức sống mới và dư địa cho Quy Nhơn phát triển…
Được quy hoạch là trung tâm du lịch của tỉnh, đồng thời là một trong những trung tâm tiểu vùng du lịch thuộc vùng Duyên hải Nam Trung bộ, Quy Nhơn chú trọng phát triển du lịch biển đảo chất lượng cao, du lịch di tích, thắng cảnh; du lịch khoa học gắn với tổ hợp không gian khoa học - giáo dục; du lịch sinh thái gắn với đầm Thị Nại. Thành phố đang tập trung các nguồn lực để hiện thực hóa mục tiêu đón trên 6,6 triệu lượt khách du lịch đến năm 2025, trong đó có 0,9 triệu lượt khách quốc tế; tốc độ tăng trưởng khách bình quân đạt 6,3%/năm; doanh thu du lịch đạt 13.500 tỷ đồng, tăng bình quân 13,6%/năm.
TỪ LỢI THẾ KHÔNG GIAN BIỂN
Theo Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn Ngô Hoàng Nam, thành phố ưu tiên mở rộng không gian đô thị, phát huy tối đa thế mạnh dựa vào biển. Quy hoạch xây dựng thành phố cần được linh hoạt, mở rộng hơn về phía Bắc và phía Tây để sẵn sàng liên kết, hợp tác với các thành phố phía Nam như Nha Trang, Tuy Hòa và phía Bắc như Quảng Ngãi, cụm khu kinh tế Chu Lai - Dung Quất, đủ điều kiện hình thành mới các trung tâm kinh tế, thương mại lớn của vùng, quốc gia, thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư trong nước và quốc tế tạo nên động lực kinh tế của vùng. Trong đó, Quy Nhơn hiện hữu đóng vai trò là hạt nhân và các khu vực lân cận sẽ hỗ trợ thành phố phát triển.
Còn chuyên gia, TS Trần Du Lịch, nguyên thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, khi nói về phát triển đô thị biển Quy Nhơn đã rất hoan nghênh việc quy hoạch thành phố không chỉ cho riêng Quy Nhơn mà còn cả vùng phụ cận mở rộng về phía huyện Tuy Phước, Phù Cát.
Ông bày tỏ: “Tôi muốn nhấn mạnh một điểm cực kỳ quan trọng đặc thù của đô thị biển Quy Nhơn so với các đô thị biển khác như Nha Trang, Đà Nẵng…, đó là đầm Thị Nại. Chúng ta hình dung trong tương lai 10 - 15 năm nữa, toàn bộ không gian Quy Nhơn và vùng phụ cận phát triển trên một không gian mà trong lòng là đầm Thị Nại. Tỉnh đang làm đường ven phía Tây tỉnh, tôi đề xuất chúng ta nên tham khảo để quy hoạch hai bên đầm là công viên và không có dân cư, sau đó mới tới khu vực phát triển đô thị. Điều này cho tôi liên tưởng đến một viên ngọc trong tương lai, một đô thị cực kỳ đặc biệt của cả Đông Nam Á chứ không riêng Việt Nam. Khi đó, Quy Nhơn mới thực sự là thành phố đáng sống mà không nơi nào có được. Phải nhìn quy hoạch phát triển TP Quy Nhơn ở tầm nhìn xa như vậy và hình dung một chút lãng mạn như vậy thì mới thấy hết giá trị!”.
MAI HOÀNG