Tự hào danh xưng Phù Cát
Năm 1832, huyện Phù Ly, thuộc phủ Hoài Nhơn được chia thành huyện Phù Mỹ và Phù Cát, lấy sông La Tinh làm ranh giới. Từ đây, huyện Phù Cát chính thức được thành lập, đánh dấu bước ngoặt lớn trong lịch sử xây dựng và phát triển của mảnh đất này.
NHÂN RỘNG CHỮ “CÁT”
Theo Đại Nam nhất thống chí và Đồng Khánh địa chí, cuối thế kỷ XIX, Phù Cát có 4 tổng và 127 làng. Khoảng năm 1920, có 10 làng của tổng Xuân An chuyển cho tổng An Ngãi (phủ An Nhơn); có 2 làng chuyển cho tổng Háo Đức (phủ An Nhơn). Khoảng năm 1936, nhà cầm quyền Pháp lấy một số làng của 2 tổng Trung Chánh và Thạch Bàn để lập tổng Trung Nghĩa; một số làng của 2 tổng Xuân An và Chánh Lộc lập tổng Xuân Lộc. Năm 1937, toàn huyện có 6 tổng, 114 làng.
Giai đoạn 1945 - 1975, sự thay đổi về hành chính huyện Phù Cát không nhiều. Từ năm 1946 đến tháng 3.1948, bỏ cấp tổng, 2 lần sáp nhập làng xã; còn lại 13 xã. Đặc biệt, chữ “Cát” được làm tên đầu cho 12 xã mới. Sau 1975, Phù Cát có thêm 7 đơn vị hành chính. Đến nay, toàn huyện có 2 thị trấn và 16 xã.
Đền thờ Nguyễn Trung Trực (xã Cát Hải, huyện Phù Cát). Ảnh: DŨNG NHÂN
Đầu tháng 8.2022, chúng tôi tìm đến nhà, trò chuyện cùng ông Thái Văn Tài (80 tuổi, nguyên Bí thư Huyện ủy Phù Cát qua 2 nhiệm kỳ (từ 1996 - 2005), là người tham gia nghiên cứu, am hiểu về lịch sử huyện Phù Cát. Ông bày tỏ tự hào về danh xưng quê hương mình, khi chữ “Cát” có ý nghĩa “tốt đẹp, lành mạnh” đã lan tỏa rộng sâu trên địa bàn huyện, với 17/18 xã, thị trấn có tên đầu là chữ này. Còn lại duy nhất thị trấn Ngô Mây (trước đây thuộc địa bàn xã Cát Trinh), được đặt theo tên Anh hùng LLVT nhân dân đầu tiên của huyện Phù Cát (hy sinh năm 1947, truy tặng danh hiệu năm 1955).
ĐẤT HỌC, QUÊ HƯƠNG ANH HÙNG
Những đặc điểm về thiên nhiên, KT-XH và hoàn cảnh lịch sử đã bồi đắp cho người Phù Cát tính cách đôn hậu, thật thà, cần cù, năng động, dũng cảm… Phù Cát còn nổi tiếng là đất học, từng sản sinh nhiều nhà khoa bảng tài cao, học rộng, liêm khiết và thân dân, trong đó có Hoàng giáp Nguyễn Văn Hiển (Vĩnh Ân, Cát Hanh) là Hội nguyên khoa (năm Đinh Mão 1847, lúc mới 20 tuổi), từng là Đốc học Bình Định, tác giả cuốn “Đồ bàn thành ký”. Các thời kỳ sau đó, Phù Cát cũng tiếp nối nhiều thế hệ học giỏi.
Đặc biệt, sau ngày giải phóng, việc học càng được mở rộng. Phong trào bổ túc văn hóa ở xã Cát Hanh tiêu biểu cho truyền thống hiếu học không chỉ của huyện Phù Cát mà cả tỉnh Bình Định. Năm 1979, Cát Hanh được tổ chức Giáo dục, Khoa học, Văn hóa Liên Hiệp quốc (UNESCO) tặng bằng khen và HCV. Ngày nay, rất nhiều người con quê hương Phù Cát có học hàm, học vị cao trong xã hội, làm ăn thành đạt, tích cực tham gia xây dựng quê hương đất nước.
Bên cạnh đó, quê hương Phù Cát đóng góp nhiều bậc tướng tài, lập nên chiến công hiển hách. Qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhân dân huyện Phù Cát luôn hăng hái tham gia, đấu tranh kiên cường, anh dũng hy sinh. Toàn huyện có 504 mẹ Việt Nam anh hùng; 16 tập thể, 11 cá nhân Anh hùng LLVT nhân dân; 1 cá nhân Anh hùng lao động.
Thời trẻ, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Bá Phụng (năm nay 78 tuổi, đang sống ở thị trấn Ngô Mây) dáng người gầy gò, trong điều kiện gian khổ thiếu thốn, ông vẫn thường xuyên mang vác 150 - 175 kg hàng hóa băng rừng, lội suối, phục vụ cho chiến trường…
“Tinh thần cách mạng, kiên cường chiến đấu, sẵn sàng hy sinh của tôi được hun đúc từ truyền thống quê hương. Từ đó, tôi luôn đi đầu đối mặt với hiểm nguy, gánh vác những công việc nặng nhọc nhất...”, Anh hùng Nguyễn Bá Phụng chia sẻ.
NHỮNG TRANG SỬ VẺ VANG ĐẢNG BỘ HUYỆN
Giai đoạn 1925 - 1929, nhân dân Phù Cát tổ chức nhiều hoạt động đấu tranh chống lại bọn cường hào địa chủ; phong trào tìm đọc sách báo tiến bộ và cách mạng lưu hành bí mật tại địa phương… Qua đó, đã xuất hiện lớp chiến sĩ yêu nước mới, tiêu biểu là đồng chí Nguyễn Du - người con của Phù Cát, được kết nạp vào tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội năm 1928 tại Sài Gòn, đến cuối năm 1929 được kết nạp vào An Nam Cộng sản Đảng. Đây là đảng viên cộng sản đầu tiên của huyện Phù Cát và tỉnh Bình Định.
Ngày 20.10.1936, Chi bộ Hồng Lĩnh, tiền thân của Đảng bộ huyện An Nhơn, Bình Khê và Phù Cát được thành lập. Cuối năm 1937, Tỉnh ủy lâm thời Bình Định ra đời. Những tiền đề này đã làm nền móng cho sự ra đời của Tổ Đảng Nam và Đông Nam Phù Cát. Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Ủy ban vận động cứu quốc ra đời, lãnh đạo nhân dân Phù Cát đứng lên lật đổ chính quyền phong kiến, thực dân.
Khoảng tháng 4.1946, chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Phù Cát được thành lập, với 5 đảng viên. Đến đầu tháng 12.1946, Phù Cát đã có 120 đảng viên với 12 chi bộ. Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, thông qua các phong trào cách mạng ở địa phương, Đảng bộ, quân và dân Phù Cát không ngừng lớn mạnh. Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đối mặt với nhiều tình thế khó khăn, phức tạp, nhưng dưới sự lãnh đạo dày dạn, kiên cường, sáng tạo của Đảng bộ, quân và dân Phù Cát đã lần lượt đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn, chiến lược chiến tranh của địch diễn ra trên địa bàn huyện…
Sau giải phóng, hệ thống chính trị huyện Phù Cát được xây dựng ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Năm 1976, toàn huyện chỉ có 1 đảng bộ cơ sở (xã Cát Hanh). Đến nay, đã có 6.123 đảng viên sinh hoạt ở 53 tổ chức cơ sở đảng.
HOÀI THU