Bệnh nhân đột quỵ gia tăng, trẻ hóa
Ðột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não là căn bệnh nguy hiểm và có tỷ lệ tử vong cao. Tại Khoa Thần kinh, BVÐK tỉnh, số lượng bệnh nhân đột quỵ ngày càng gia tăng, trong 6 tháng đầu năm, bệnh nhân đột quỵ tăng 7 - 10% so với cùng kỳ, đồng thời có xu hướng ngày càng trẻ hóa.
Theo thống kê của BVĐK tỉnh, từ đầu năm đến nay, Khoa Thần kinh đã tiếp nhận điều trị cho hơn 2.260 ca bệnh, trong đó nhồi máu não chiếm khoảng 80% bệnh nhân nhập viện, còn lại là xuất huyết não và một số bệnh lý thần kinh khác.
Nhiều nguyên nhân dẫn đến đột quỵ
Phòng cấp cứu của Khoa Thần kinh hiện có 10 giường bệnh điều trị bệnh nhân nặng thở máy, thời gian điều trị lâu, từ 2 - 3 tuần. Đa số bệnh nhân đột quỵ do nhồi máu não, xuất huyết não vào viện trong tình trạng bệnh nặng, lơ mơ, không nói được, liệt nửa người.
Các bác sĩ theo dõi sát sao bệnh nhân đột quỵ tại phòng cấp cứu, Khoa Thần kinh, BVĐK tỉnh. Ảnh: T. YÊN
Bệnh nhân T.X.M, 87 tuổi, đang điều trị tại Khoa Thần kinh, vào viện trong tình trạng bệnh khởi phát đột ngột hôn mê sâu, bắt đầu suy hô hấp, thở khò khè, huyết áp tăng cao. Sau khi cho bệnh nhân chụp cắt lớp vi tính (CT), các bác sĩ xác định bệnh nhân bị xuất huyết thân não do tăng huyết áp. Sau hơn 3 tuần điều trị, bệnh nhân ổn định, tình trạng hô hấp, phổi thông khí tốt hơn. Tiên lượng bệnh nhân qua giai đoạn nguy hiểm nhưng di chứng nặng nề do xuất huyết não rất nặng.
Bên cạnh các trường hợp lớn tuổi, theo ghi nhận tại Khoa Thần kinh, những năm gần đây không ít bệnh nhân bị đột quỵ vào viện trong tình trạng bệnh rất nặng, diễn biến xấu dù còn trẻ, chỉ trong khoảng 35 - 40 tuổi. Tuy bệnh nhân được người nhà đưa vào viện trong khoảng thời gian vàng (trong vòng 6 tiếng đồng hồ kể từ khi phát hiện đột quỵ) nhưng diễn biến bệnh vẫn xấu do nhóm đối tượng này còn mắc một số bệnh nền như cao huyết áp, mỡ máu, tim.
Bác sĩ CKI Tô Ngọc Trúc, Khoa Thần kinh, BVĐK tỉnh, cho biết: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến đột quỵ, xu hướng bệnh nhân trẻ gia tăng nhiều vì bệnh này liên quan đến nhiều yếu tố như: Chế độ về ăn uống, dinh dưỡng, stress, đau đầu kéo dài, tăng huyết áp, mỡ máu, đái tháo đường, các bệnh lý tim mạch kèm theo, lối sống. Nếu có các dấu hiệu đột quỵ, bệnh nhân nên được đưa vào viện càng sớm càng tốt trong vòng 4 - 6 giờ đầu là khung giờ vàng để được chẩn đoán, điều trị tốt, phục hồi nhanh. Tuy nhiên tốt nhất là nên điều chỉnh chế độ sinh hoạt, ăn uống, tức là nên tích cực phòng bệnh.
Phải chú ý đến các dấu hiệu nhỏ nhất
Đột quỵ còn được gọi là tai biến mạch máu não. Đây là tình trạng não bộ bị tổn thương nghiêm trọng do quá trình cung cấp máu cho não bị gián đoạn hoặc giảm đáng kể khiến não bộ bị thiếu ô xy, không đủ dinh dưỡng để nuôi các tế bào. Trong vòng vài phút nếu không được cung cấp đủ máu, các tế bào não sẽ bắt đầu chết. Do đó, người bị đột quỵ cần được cấp cứu ngay lập tức, thời gian kéo dài càng lâu, số lượng tế bào não chết càng nhiều sẽ ảnh hưởng lớn tới khả năng vận động và tư duy của bệnh nhân, thậm chí là tử vong.
Bác sĩ Tô Ngọc Trúc xác nhận: Hầu hết những người sống sót sau cơn đột quỵ đều có sức khỏe suy yếu hoặc mắc các di chứng như: Tê liệt hoặc cử động yếu một phần cơ thể, mất ngôn ngữ, rối loạn cảm xúc, thị giác suy giảm... Bên cạnh các dấu hiệu cảnh báo đột quỵ như chóng mặt, đau đầu, tê yếu tay chân, méo miệng, nói đớ, hôn mê, co giật..., người bệnh có thể gặp phải cơn thiếu máu não thoáng qua. Đây là tình trạng đột quỵ nhỏ, dòng máu cung cấp cho não bộ bị giảm tạm thời. Các dấu hiệu này chỉ diễn ra trong thời gian rất ngắn, thường kéo dài khoảng vài phút. Dù vậy, đây là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ đột quỵ có thể xảy ra bất cứ lúc nào mà người bệnh cần lưu ý.
THẢO YÊN