Tuyên ngôn bất hủ và quyết tâm sắt đá
Dự báo chính xác, chớp thời cơ đúng lúc, lãnh đạo tổng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi là một trong những thành công kiệt xuất của Ðảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Nhân kỷ niệm 77 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2.9, qua hồi ký của đại tướng Võ Nguyên Giáp, chúng ta cùng ôn lại thời khắc lịch sử, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định tuyên ngôn bất hủ và quyết tâm sắt đá.
“Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn…”
Theo lời kể của đại tướng Võ Nguyên Giáp, đầu tháng 8.1945, Bác ở tại Tân Trào (Tuyên Quang). Các đồng chí ở địa phương đã làm cho Bác một cái lán khá xinh xắn, náu kín trong khu rừng nứa, ở sườn đồi.
Căn lán nhỏ đơn sơ nằm ở dưới chân dãy núi Hồng (Khu di tích lịch sử Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang), nơi Bác Hồ đã sống những ngày tháng gian khổ để chuẩn bị và lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Ảnh: baotintuc.vn
Trung ương Đảng quyết định tích cực chuẩn bị cho Hội nghị toàn quốc của Đảng và Quốc dân đại hội đại biểu. Bác giục chuẩn bị cho kịp họp hai hội nghị quan trọng này từ tháng 7. Tình hình rất khẩn trương.
Giữa lúc công việc bộn bề, bỗng nhiên Bác bị ốm. Đã mấy hôm liền Bác sốt cao. Song Bác vẫn gượng làm việc. Thuốc men chẳng có, chỉ kiếm được vài viên thuốc cảm và ký ninh, Bác đã uống mà không đỡ. Thông thường, không phải lúc nghỉ, không bao giờ Bác nằm, thế mà bây giờ phải nằm, lại mê sảng luôn. Bấy giờ trong các đồng chí thường gần Bác, chỉ còn lại mình đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Tân Trào. Hôm ấy Bác mệt lắm, đại tướng rất lo nên đề nghị được ở lại với Bác. Bác mở mắt và hơi gật đầu.
Đêm ấy đại tướng nghỉ lại với Bác trên cái lán ở giữa rừng. Lúc nào tỉnh, Bác chỉ nói chuyện tình hình thế giới, trong nước, cách mạng... Đặc biệt, Người khẳng định: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”.
Suốt đêm ấy, Bác vẫn lúc tỉnh, lúc mê. Hôm sau, đại tướng tìm hỏi bà con địa phương xem có thứ thuốc men gì không. Bà con nói gần đây có một ông lang quen trị bệnh sốt nóng. Đại tướng cho người cưỡi ngựa đi đón ông thầy về. Ông lang già người Tày xem mạch, sờ trán Bác, rồi đốt cháy một thứ củ vừa đào trong rừng về, hòa vào cháo loãng đưa Bác ăn. Sau đó Bác tỉnh. Hôm sau, Bác ăn thêm vài lần với cháo loãng nữa, cơn sốt nhẹ dần. Bác lại gượng dậy, tiếp tục làm việc ngay.
Từ câu chuyện kể của đại tướng Võ Nguyên Giáp cho chúng ta thấy, chỉ một câu nói ngắn gọn của Bác với đại tướng đã thể hiện quyết tâm sắt đá của Người, cũng là quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân trước thời khắc lịch sử, thời cơ ngàn năm có một, để giành lại độc lập cho dân tộc, tự do và quyền làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh cho 20 triệu đồng bào.
Bên cạnh đó, câu nói của Bác đã trở thành chân lý, tuyên ngôn bất hủ, là ngọn cờ, lời hịch non sông hiệu triệu sức mạnh của cả dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, làm nên thắng lợi vĩ đại Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Tuyên ngôn bất hủ ấy của Bác ngày nay còn nguyên giá trị đối với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Khát vọng, quyết tâm sắt đá của Người đã trở thành khát vọng, biến thành sức mạnh để dân tộc Việt Nam giữ vững độc lập, xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Và, từ tấm gương cống hiến hết mình cho độc lập của Tổ quốc và tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân của Bác, các thế hệ cán bộ, đảng viên tích cực học tập, noi theo để rèn luyện bản lĩnh, ý chí, quyết tâm bảo vệ độc lập, chủ quyền Tổ quốc và các quyền thiêng liêng của dân tộc Việt Nam hôm nay và mãi mãi về sau.
LÊ VĂN MINH