Tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS: Triển khai toàn diện, đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp
UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW ngày 6.7.2021 của Ban Bí thư Trung ương Ðảng “Về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS, tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam trước năm 2030”.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang, mục tiêu của kế hoạch là huy động mọi nguồn lực để đẩy mạnh giải quyết toàn diện, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác phòng, chống HIV/AIDS nhằm chấm dứt dịch bệnh AIDS tại tỉnh Bình Định trước năm 2030.
Cố gắng loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030.
- Trong ảnh: TTYT TX Hoài Nhơn tư vấn dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cho phụ nữ có thai. Ảnh: Đ. THẢO
Công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Bình Định bắt đầu từ năm 1990, đến nay đã khống chế được sự lây nhiễm của HIV trong cộng đồng ở mức 0,04% (mục tiêu của Trung ương đến năm 2020 là 0,3%). Trong năm 2021, toàn tỉnh ghi nhận 83 ca nhiễm HIV và trong 6 tháng đầu năm 2022 ghi nhận 55 ca. Theo ngành Y tế tỉnh, tình hình nghiện chích ma túy, mại dâm... vẫn đang phức tạp nên nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS vẫn còn rất lớn.
Do đó, để tiến đến loại trừ AIDS vào năm 2030, theo kế hoạch, tỉnh Bình Định tiếp tục đưa ra các biện pháp như: Mở rộng và đổi mới các hoạt động truyền thông, can thiệp giảm tác hại và dự phòng lây nhiễm HIV; đẩy mạnh xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng, tự xét nghiệm; giám sát chặt chẽ tình hình diễn biến dịch HIV/AIDS ở các nhóm có hành vi nguy cơ cao; tiếp tục mở rộng và nâng cao chất lượng điều trị HIV/AIDS; loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030. Đồng thời củng cố và tăng cường năng lực phòng, chống HIV/AIDS các tuyến; đảm bảo nguồn nhân lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS; đảm bảo tài chính cho công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Theo Kế hoạch của UBND tỉnh, đến năm 2030 hạn chế số người nhiễm HIV mới hàng năm dưới 50 trường hợp/năm; tỷ lệ người nhiễm HIV tử vong liên quan đến HIV/AIDS dưới 1,0/100.000 dân; tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con xuống dưới 2%. Bên cạnh đó, các chỉ tiêu về dự phòng cũng được nêu rõ như: Tỷ lệ người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV được tiếp cận dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV đạt 70% vào năm 2025 và đạt 80% vào năm 2030; tỷ lệ người nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) được điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc (PrEP) đạt 30% vào năm 2025 và 40% vào năm 2030; tỷ lệ thanh niên 15 đến 24 tuổi có hiểu biết đầy đủ về HIV/AIDS đạt 80% vào năm 2030.
Để công tác phòng, chống HIV đạt hiệu quả tích cực, UBND tỉnh đã có một số chính sách như hỗ trợ kinh phí mua BHYT cho bệnh nhân HIV có hộ khẩu thường trú tại tỉnh; hỗ trợ ngân sách chi trả thuốc kháng HIV (ARV) để điều trị cho người nhiễm bệnh. 6 tháng đầu năm nay, tỉnh đã cấp 25 thẻ BHYT cho bệnh nhân HIV. Hiện các bệnh nhân HIV ngoài cộng đồng trên địa bàn tỉnh đều được BHYT.
Ông Nguyễn Văn Trung, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết: Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên một số hoạt động phòng, chống HIV/AIDS gặp nhiều khó khăn, nhưng các hoạt động thiết yếu, cơ bản về giám sát, xét nghiệm và điều trị HIV/AIDS, điều trị bằng Methadone vẫn triển khai thường xuyên. Để tiến đến chấm dứt AIDS vào năm 2030, ngành Y tế tiếp tục can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV, trong đó duy trì việc cung cấp bao cao su; điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone; đẩy mạnh công tác giám sát, xét nghiệm phát hiện HIV; tăng cường chất lượng điều trị bằng thuốc ARV, phối hợp thực hiện tốt hoạt động chương trình phòng chống lao và HIV... Đồng thời duy trì 100% bệnh nhân HIV có thẻ BHYT và được hỗ trợ chi trả thuốc ARV trong điều trị từ quỹ khám bệnh dành cho người nghèo.
ÐỖ THẢO