Phòng tránh đuối nước khi tắm biển: Cần thêm giải pháp đồng bộ, hiệu quả
Từ đầu năm 2022 đến nay, nhất là trong các tháng hè, tiếp tục có thêm nhiều người chết đuối ở một số bãi biển tại Quy Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn. Ðể phòng, tránh, giảm thiểu tai nạn đáng tiếc, cần thêm giải pháp đồng bộ, hiệu quả từ các ngành, địa phương.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nhiều trường hợp tử vong do đuối nước là sự chủ quan của nạn nhân, nhất là những người ở ngoài địa phương đến tắm mà chưa biết nhiều về đặc điểm của bãi biển nơi mình tắm, nhất là các vùng nguy hiểm.
Nhân viên Đội cứu hộ bãi biển Quy Nhơn quan sát người tắm tại khu vực bãi biển cạnh khách sạn Hải Âu. Ảnh: MAI THƯ
Điều này phần nào thấy được qua một số trường hợp: Hai du khách ngoài tỉnh bị đuối nước ở bãi biển Vĩnh Hội (xã Cát Hải, huyện Phù Cát) tháng 4.2022; 3 thanh niên (ở phường Hoài Thanh Tây, TX Hoài Nhơn) chết đuối ở bãi biển Thiện Chánh (phường Tam Quan Bắc, TX Hoài Nhơn) tháng 5.2022; 2 du khách ngoài tỉnh chết đuối ở bãi biển Trung Lương (thị trấn Cát Tiến, huyện Phù Cát) tháng 7.2022; một thanh niên (ở phường Hoài Tân, TX Hoài Nhơn) đuối nước ở bãi biển Lộ Diêu (xã Hoài Mỹ, TX Hoài Nhơn) giữa tháng 8.2022...
Trong tương lai, khi tuyến đường ven biển ĐT 639 từ Phù Cát đến Hoài Nhơn hoàn thành sẽ tạo điều kiện để thêm nhiều bãi biển đẹp được khai thác, thu hút đông người đến. Để phòng, tránh các tai nạn đáng tiếc, cùng với việc đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, tập bơi cho trẻ em…, cần thực hiện thêm các giải pháp đồng bộ để mang lại hiệu quả cao hơn.
Trước hết, cần tìm hiểu, nghiên cứu, đánh giá một cách tổng thể độ an toàn cho người tắm ở các bãi biển trong tỉnh, tập trung ở các bãi biển đã và đang nằm trong định hướng đầu tư phục vụ du lịch. Cách đây 4 năm, các chuyên gia của Trung tâm Động lực học - Thủy khí - Môi trường (Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội) đã nghiên cứu, đánh giá khả năng xuất hiện dòng tách bờ (dòng chảy xa bờ) gây nguy hiểm cho người tắm biển Quy Nhơn. Cụ thể, thông qua các kịch bản tính toán trong các điều kiện khác nhau, cho thấy khu vực gần công viên Thiếu nhi Quy Nhơn (đường An Dương Vương) và khu vực phía nam cuối bãi biển Quy Nhơn có khả năng xuất hiện dòng tách bờ vào mùa gió Đông Bắc; vào mùa gió Tây Nam, cường độ dòng tách bờ mạnh, xuất hiện gần khu vực Quảng trường Chiến thắng…
Trong khi chưa có sự nghiên cứu, đánh giá bài bản, khoa học, các cấp, ngành cũng cần thực hiện các giải pháp cảnh báo nguy hiểm ở các bãi biển dựa trên thực tế và kinh nghiệm, hiểu biết của người dân địa phương. Việc cảnh báo này về nội dung và hình thức cũng cần đổi mới, cụ thể với nhiều thông tin cần thiết hơn, đem lại hiệu quả cảnh báo cao hơn, nhất là đối với du khách ở xa đến tắm biển.
Song, vấn đề quan trọng hàng đầu, nhất là ở các bãi biển phục vụ du lịch, là cần có lực lượng cứu hộ túc trực. Đội cứu hộ bãi biển Quy Nhơn (thuộc Công ty CP Môi trường Bình Định) trong gần chục năm qua đã kịp thời phát hiện, cứu rất nhiều trường hợp đuối nước. Theo quan sát, ở các trạm cứu hộ, cứu nạn dọc bãi biển Quy Nhơn (đoạn từ Ghềnh Ráng đến Mũi Tấn), các nhân viên thực hiện nhiệm vụ rất nghiêm túc, liên tục đi dọc bãi biển hoặc dành nhiều thời gian xuống đứng gần chỗ đông người tắm để quan sát, hướng dẫn, nhắc nhở mọi người không bơi ra xa, nên ở trong khu vực an toàn có hệ thống phao tiêu cảnh báo.
Chiều 26.8, mới tắm xong lên bờ, anh Nguyễn Văn Hải (35 tuổi, du khách đến từ Hà Nội), hài lòng chia sẻ: “Vợ chồng tôi cùng hai con nhỏ vào Quy Nhơn du lịch, ở khách sạn Hải Âu. Chúng tôi tắm biển thỏa thích, cảm thấy an toàn hơn nhiều khi có nhân viên cứu hộ túc trực. Lực lượng này cần được nhân rộng ở các bãi biển đẹp trong tỉnh, để kịp thời ứng phó trước những tai nạn bất ngờ xảy ra đối với người dân và du khách”.
MAI THƯ