Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018: Tích cực chuẩn bị mọi điều kiện
Chỉ ít ngày nữa, năm học 2022 - 2023 chính thức bắt đầu, cũng là năm học thứ 3 chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai ở các khối lớp 1, 2, 3, 6, 7 và 10. Đây là một nội dung quan trọng đối với các nhà trường và toàn ngành giáo dục.
Khó khăn, thách thức cần được tháo gỡ
Đối với chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 bậc tiểu học năm học 2021 - 2022 (lớp 1, lớp 2), Sở GD&ĐT đưa ra nhiều chỉ số đánh giá chất lượng giáo dục. Trong đó, hoàn thành xuất sắc có gần 47% học sinh lớp 1 và hơn 47% lớp 2; gần 12% học sinh hai khối hoàn thành tốt; hơn 37% học sinh lớp 1 hoàn thành, gần 40% đối với lớp 2; trong khi đó chưa hoàn thành có gần 4% học sinh lớp 1 và hơn 1% học sinh lớp 2.
Bên cạnh những kết quả đạt được, triển khai thực hiện chương trình GDPT và sách giáo khoa mới lớp 1, lớp 2 còn một số hạn chế, khó khăn cần tháo gỡ. Đáng chú ý, câu chuyện đội ngũ giáo viên vẫn là “điểm nghẽn” không thể giải quyết một sớm một chiều.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phan Thanh Liêm chỉ rõ: Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ giáo viên chưa đồng đều; cơ cấu chưa hợp lý, một số nơi còn thiếu giáo viên các môn chuyên; thực hiện đổi mới phương pháp dạy học của một bộ phận giáo viên còn chậm; việc tiếp cận thông tin của giáo viên vùng khó khăn còn hạn chế. Môn Tiếng Anh và Tin học sẽ là môn học bắt buộc từ lớp 3 trong chương trình GDPT 2018, triển khai từ năm học 2022 - 2023, nhưng một số địa phương vẫn thiếu giáo viên của hai môn học này.
Sở GD&ĐT đẩy mạnh công tác bồi dưỡng giáo viên dạy chương trình GDPT mới năm học 2022 - 2023. Ảnh: M.H
Bậc THCS triển khai chương trình GDPT mới ở lớp đầu cấp vào năm học 2021 - 2022. Dù rất nỗ lực, song việc dạy học môn học mới, tích hợp như Khoa học tự nhiên, Lịch sử Địa lý vẫn rối, thậm chí tích hợp nhưng… môn ai người nấy dạy!
Cuối tháng 8.2022, Sở GD&ĐT tổ chức hội thảo đánh giá thực trạng triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa theo chương trình GDPT 2018 đối với lớp 6, các phòng GD&ĐT huyện, thị xã, thành phố đều cho rằng chương trình có môn học mới nội dung được thiết kế thành các chủ đề hoặc học phần, vì vậy giáo viên phải dạy theo chủ đề và tích hợp liên môn, trong khi trước đây đa phần chỉ được đào tạo dạy đơn môn là một khó khăn, thách thức.
Ông Phạm Minh Chấn, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Vân Canh cho hay, năm học trước môn Lịch sử - Địa lý và Khoa học tự nhiên (gồm 3 phân môn Vật lý, Hóa học, Sinh học), các trường phân công 2 - 3 giáo viên dạy. Giáo viên chịu trách nhiệm giảng dạy song song môn tích hợp, mỗi giáo viên phải xây dựng kế hoạch giảng dạy và giáo án riêng, phần của ai phụ trách người đó đảm nhiệm chuyên môn; những nội dung có tính chất liên môn được giáo viên họp lại trao đổi và thống nhất. Cách dạy này không khoa học, không đúng với tinh thần môn học tích hợp. Năm học 2022 - 2023 theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT, phân công 1 giáo viên giảng dạy môn tích hợp, liên môn nên thuận lợi trong công tác giảng dạy, kiểm tra và đánh giá nhưng sẽ khó khăn về giảng dạy chuyên sâu.
Trong khi đó, dù thực hiện đúng việc bố trí 1 giáo viên dạy Khoa học tự nhiên và 1 giáo viên dạy Lịch sử - Địa lý, nhưng bà Đặng Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Tuy Phước không khỏi lo lắng. Bởi, dù giáo viên Vật lý, Hóa học, Sinh học đã được bồi dưỡng nhưng việc chỉ bồi dưỡng trong thời gian ngắn để một giáo viên Vật lý dạy tích hợp hoặc ngược lại khó có hiệu quả ngay được. Chương trình lớp đầu cấp (lớp 6) kiến thức môn tích hợp Khoa học tự nhiên tương đối nhẹ nhàng, nhưng càng lên cao hơn việc thực hiện chương trình thay đổi sách giáo khoa cũng như dạy và học môn tích hợp dễ quá tải cho 1 giáo viên kiêm ba phân môn.
Quyết tâm dạy học chất lượng chương trình GDPT mới
Năm học 2022 - 2023 tiếp tục triển khai chương trình GDPT 2018 với lớp 3, lớp 7, đặc biệt lần đầu tiên triển khai ở bậc THPT (lớp 10). Ngành GD&ĐT tỉnh khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết sẵn sàng cho chương trình mới bảo đảm tiến độ, chất lượng.
Theo ông Trần Ngọc Anh, Hiệu trưởng Trường THPT số 1 Phù Mỹ, trường có 307 học sinh lớp 10, mục tiêu của trường là cố gắng đáp ứng tối đa nguyện vọng học tập của học sinh. Nhà trường xây dựng 7 nhóm môn học lựa chọn. Trong quá trình tư vấn, hướng dẫn học sinh đăng ký chọn môn học, nhà trường không chỉ quan tâm đến nguyện vọng, mà còn lưu ý học sinh về sở trường và định hướng nghề nghiệp. Căn cứ vào nhu cầu nguyện vọng học theo các nhóm môn lựa chọn, nhà trường đã hoàn thành chia lớp, đội ngũ giáo viên dạy theo đúng nhóm môn được hình thành.
Triển khai chương trình năm học 2022 - 2023, ông Vương Trường Quân, Trưởng Phòng Giáo dục trung học (Sở GD&ĐT) lưu ý các trường THPT xây dựng kế hoạch lựa chọn nhóm môn học, chuyên đề lớp 10 theo chương trình GDPT 2018 trước ngày 10.9. Hiện các trường đã có biên chế lớp, khi phân công chuyên môn tránh trường hợp giáo viên thừa - thiếu tiết dạy, và không để giáo viên không có tiết dạy dẫn đến mất việc vì chương trình GDPT mới.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phan Thanh Liêm nhấn mạnh: Trong quá trình tổ chức thực hiện, các cơ sở giáo dục cần sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học, tổ chức các hội thảo, tọa đàm, trao đổi về tổ chức dạy học chương trình mới. Bên cạnh đó đẩy mạnh công tác quản lý, giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, tăng cường các điều kiện để nâng cao chất lượng thực hiện chương trình giáo dục mới, chuẩn bị các điều kiện dạy học môn Tin học và môn Ngoại ngữ bắt đầu triển khai đối với lớp 3 từ năm học 2022 - 2023. Cả về biên chế giáo viên lẫn cơ sở lớp học đều phải ưu tiên cho 2 buổi/ngày đối với các khối lớp 1, 2, 3 triển khai chương trình GDPT 2018.
MAI HOÀNG