Review ẩm thực kiểu “dìm hàng”: Chơi dao coi chừng đứt tay
Thời gian qua, xuất hiện tình trạng những người dùng mạng xã hội Tiktok (Tiktoker) có lượng theo dõi lớn, chuyên review ẩm thực có những nhận xét tiêu cực, phiến diện và mang tính chất “dìm hàng”, khiến chủ quán gặp không ít rắc rối.
“Vạch lá tìm sâu”
Ngày 5.8, trên Tiktok xuất hiện bài viết có nội dung “Chè Changhi phiên bản Quy Nhơn hả trời? Chè dừa dầm mà toàn là thạch rau câu thôi, nhưng được cái nước cốt chè ở đây ngon hơn Changhi nên húp mỗi nước chè, còn lại bỏ thạch gần hết” của một Tiktoker có tiếng ở TP Quy Nhơn chuyên review ẩm thực, có tên kênh là “h.f.”, lượt theo dõi hơn 12.000 người. Chủ kênh đăng tải video chia sẻ trải nghiệm khi thưởng thức món “chè dừa dầm” tại một tiệm chè thuộc sở hữu của Công ty TNHH T.A.F. có địa chỉ tại TP Quy Nhơn, với lời thoại bông đùa, cợt nhả.
Đáng nói, chủ trang còn nhấn mạnh thêm nội dung “Chè dừa dầm nhưng toàn thạch rau câu, không có được 1 miếng dừa luôn á, 27k có xứng đáng không trời???”; bài viết nhận được 7.497 lượt thích, gần 400 lượt bình luận. Những bình luận mang tính tiêu cực của cộng đồng mạng thì chủ kênh trả lời; còn bình luận có hướng tích cực thì không trả lời hoặc có tài khoản ảo vào dùng lời lẽ không hay để công kích.
Vợ chồng bà Bùi Phương Anh trình bày về việc Tiktoker chia sẻ bài viết không đúng sự thật. Ảnh: T.C
Theo bà Bùi Phương Anh, Giám đốc Công ty TNHH T.A.F., nội dung review kênh Tiktok “h.f.” chia sẻ chỉ đúng một phần, còn hầu hết là bịa đặt và còn gắn món ăn của tiệm với một bài “bóc phốt” cũng về chè đang nóng mới đây, để thu hút người dùng mạng xã hội (MXH). Công ty niêm yết công khai giá bán đầy đủ; nếu món ăn còn thiếu nguyên liệu thì khách hàng có thể phản ánh lại với nhân viên để bổ sung, đổi lại món hoặc góp ý mang tính xây dựng; đằng này, chủ kênh đăng lên MXH nhằm hạ uy tín của tiệm.
“Theo tìm hiểu của tôi, chủ và đội ngũ thực hiện của kênh “h.f.” đều có người thân đang kinh doanh mặt hàng chè giống với công ty tôi. Video của chủ kênh đăng tải có thời lượng ngắn, không có video cụ thể trước và sau khi dùng, họ cố tình “dìm hàng” và cạnh tranh không lành mạnh”, bà Anh nói.
Cẩn trọng để tránh vi phạm pháp luật
Theo Th.S Nguyễn Thị Thùy Trang, giảng viên Bộ môn Tâm lý học (khoa Khoa học xã hội và Nhân văn, Trường ĐH Quy Nhơn), gần đây, các kênh review về ẩm thực, du lịch nở rộ thông qua MXH của đội ngũ Tiktoker, Facebooker, Youtuber đã tạo ra mặt tích cực trong cộng đồng và làm cho các cơ sở kinh doanh được biết đến, “thơm lây”. Dù vậy, đây cũng chỉ là ý kiến cá nhân của đội ngũ review; họ cần lưu ý những thông tin đưa ra phải trung thực, chính xác và công tâm, còn ngược lại phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
“Trên các diễn đàn MXH không thiếu các video review về ẩm thực, du lịch với hàm ý chê bai, bóc phốt. Theo “hiệu ứng tâm lý đám đông”, với hàng nghìn lượt xem, thích và chia sẻ, những review này ảnh hưởng lớn đến cộng đồng, có thể định hướng tâm lý cho một bộ phận người dùng MXH. Vì vậy, bản thân người dùng MXH cũng phải tỉnh táo, lựa chọn thông tin hữu ích; tốt nhất là nên tự mình trải nghiệm để đánh giá về sản phẩm, tránh bị người review “dắt mũi”. Chính điều này sẽ làm ảnh hưởng xấu hoạt động kinh doanh và du lịch của địa phương”, thạc sĩ Trang khuyến cáo.
Còn luật sư Võ Hồng Nam, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh, cho biết: Hiện nay, pháp luật chưa có quy định cụ thể đối với việc một cá nhân có sự nhận xét, đánh giá, trải nghiệm của mình trên diễn đàn MXH. Tuy nhiên, nếu cá nhân đó cố tình đưa những bài review sai lệch, bịa đặt, vu khống lên các nền tảng MXH, gây ảnh hưởng đến việc kinh doanh thì chủ nhà hàng, công ty có thể nhờ đến pháp luật lấy lại công bằng. Để kiện ra tòa, họ phải chứng minh được thiệt hại vật chất, tinh thần; cũng như bài review thiếu khách quan, ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu...
Luật sư Nam thông tin, theo điểm a, khoản 1, Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP (quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử), hành vi “Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân” có mức phạt lên đến 20 triệu đồng.
Mặt khác, việc đưa thông tin lên MXH sai sự thật, gây xúc phạm, ảnh hưởng đến uy tín cá nhân, tổ chức đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể xử lý hình sự với các hành vi tội phạm như Tội vu khống theo Điều 156 và Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo Điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015.
TRIỀU CHÂU