Đặc sắc tuồng đất Võ
Ra đời trên mảnh đất có truyền thống thượng võ nên nghệ thuật tuồng Bình Định mang nét đặc trưng riêng, khác biệt so với các vùng khác như tuồng cung đình Huế, tuồng Bắc hay hát bội TP Hồ Chí Minh…
Lịch sử nghệ thuật tuồng Bình Định gắn liền với tên tuổi của tiền tổ Đào Duy Từ và hậu tổ tuồng Đào Tấn. Mảnh đất thượng võ tôn văn này là nơi danh nhân Đào Duy Từ từng dừng chân và cũng là người đặt nền móng cho nghệ thuật tuồng. Đặc biệt, từ mảnh đất này, nhà soạn tuồng lỗi lạc Đào Tấn đã góp công lớn đưa nghệ thuật tuồng phát triển lên đến đỉnh cao. Ông không những đã soạn nhiều vở tuồng kinh điển mà còn lập ra Học bộ đình, làm thầy dạy tuồng, dạy nhạc cho rất nhiều nghệ sĩ kế tục nổi danh.
Một cảnh trong vở Trảm Trịnh Ân do diễn viên Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định biểu diễn. Ảnh: THÚY HƯỜNG
Tuồng Bình Định mang đậm bản sắc địa phương, thể hiện chất võ thuật rất mạnh mẽ, cuốn hút. Ngoài tiêu chí “nhất thanh”- hát hay của một diễn viên tuồng nói chung thì tuồng Bình Định còn chú trọng vũ đạo (múa). Diễn viên tuồng Bình Định muốn múa đẹp phải biết chút ít võ thuật. Võ Bình Định được vận dụng nhuần nhuyễn, khéo léo trong hát tuồng, tạo nên những động tác múa đẹp, hài hòa, khỏe khoắn và “tới bờ tới góc”, mang phong cách riêng, tạo thành thế mạnh của tuồng đất Võ.
Cách hóa trang mặt nạ nhân vật trong tuồng Bình Định cũng mang đặc trưng riêng so với các vùng, miền khác trên cả nước. Hầu hết các nghệ sĩ tuồng ở ba miền Bắc - Trung - Nam đều sử dụng các gam màu chủ đạo là đen, trắng, đỏ để vẽ mặt nạ khi biểu diễn. Nhưng do ảnh hưởng từ văn hóa đặc trưng vùng miền nên mỗi nơi thể hiện nét vẽ có phần khác nhau.
Một cảnh trong vở Đào Tam Xuân loạn trào do diễn viên Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định thể hiện. Ảnh: THÚY HƯỜNG
Mặt nạ tuồng Bình Định có cách hóa trang công phu, đường nét sắc sảo và mang vẻ độc đáo riêng. Tiêu biểu là nét vẽ chủ đạo trong hóa trang nhân vật tuồng Bình Định là kiểu mặt chim (khác với hát bội Nam bộ có cách hóa trang giống kiểu mặt thú…), bởi chỗ mũi của nhân vật giống như hai con chim đang châu đầu lại, bộc lộ được hồn cốt, tính cách và nét tinh tế của vai diễn.
Một trong những yếu tố độc đáo nữa góp phần tạo nên nét đặc sắc của tuồng Bình Định là đôi hia. Nếu như hia tuồng của các đơn vị tuồng khác trong cả nước cũng là hia cong nhưng đế hia thường hơi bằng, độ cao chỉ khoảng 2 - 3 phân, mũi hia hơi hất lên, thì hia tuồng Bình Định mang phong cách rất riêng: Hia cao từ 5 phân trở lên, mặt tiếp xúc đất chỉ chiếm một khoảng rất nhỏ ở giữa đế (chừng khoảng 2 phân), mũi hia cong vút như mũi thuyền. Hia trông chòng chành như chiếc sõng nhưng người nghệ sĩ khi đã chinh phục được nó rồi thì lướt nhẹ như không. Vì thế, hia Bình Định được giới chuyên môn gọi là “hia lanh”. Đối với những nghệ sĩ đi hia thành thạo thì nó là đạo cụ giúp cho vũ đạo của diễn viên thêm phần linh hoạt, đẹp mắt. Nếu không có đôi hia này - với mặt tiếp xúc mỏng nhỏ (vì đi, đứng đều bằng gót) - các động tác bê, lỉa, xiến, xoay… sẽ khó nhanh, khó lướt đẹp, nhẹ. Khi giậm chân xuống sàn sân khấu gỗ tạo âm thanh ấm, vang nhờ chất liệu hia làm từ củ tre ngà. Riêng về nghệ thuật đi hia, nghệ sĩ tuồng Bình Định được bạn nghề trong cả nước vui vẻ tôn vinh lên cao hơn một bậc vì những điều như thế.
Một cảnh trong vở Mộng Bá Vương do diễn viên Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định biểu diễn. Ảnh: THÚY HƯỜNG
Tại Bình Định hiện còn có hàng chục đoàn hát tuồng không chuyên hoạt động sôi nổi. Những “nghệ sĩ chân đất” ấy là minh chứng sống động cho niềm đam mê hát tuồng bất tận của vùng đất này. Ban ngày, họ có thể là những người nông dân chân lấm tay bùn, nhưng ban đêm, họ lại hóa thân thành những ông vua, bà chúa, sống cùng nhân vật và cháy hết mình với tình yêu nghệ thuật tuồng. Đây cũng là nét đặc sắc của tuồng Bình Định, luôn song hành bảo tồn và phát triển cả tuồng chuyên nghiệp và tuồng không chuyên.
Trải qua những biến cố, thăng trầm cùng lịch sử dân tộc, đến nay, nghệ thuật tuồng Bình Định vẫn giữ được bản sắc vốn có và đáp ứng kịp thời nhu cầu thưởng thức của công chúng khắp nơi. Tiếng trống chầu của tuồng Bình Định đã có dịp vang xa trên đất khách: Anh, Đức, Pháp, Nga, Hàn Quốc… để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè quốc tế.
Kế tục truyền thống và nhằm giới thiệu vềnét văn hóa đặc sắc của quê hương Bình Định, nghệ thuật tuồng vinh dự được biểu diễn phục vụ nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và địa phương, nhiều đoàn khách quốc tế đến thăm và làm việc tại Quy Nhơn - Bình Định. Đặc biệt, vốn là một bộ môn nghệ thuật sân khấu cổ truyền tiêu biểu của dân tộc nên nghệ thuật tuồng từng được Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu quan tâm, nhận xét: “Tuồng tốt đấy, đó là vốn quý của dân tộc nhưng cần phải cải tiến, không nên giẫm chân tại chỗ. Tuy nhiên, chớ có gieo vừng ra ngô”. Lời căn dặn của Người trở thành kim chỉ nam trong việc bảo tồn và phát huy bộ môn nghệ thuật truyền thống này.
NGUYỄN THÚY HƯỜNG