Thắm sâu tình hữu nghị đặc biệt Việt – Lào
Trải qua quá trình dài không ngừng được bồi đắp, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam - Lào có thêm những bước phát triển vững chắc. Bình Định là một trong số các địa phương đóng góp tích cực trong nhiều năm qua.
Tại Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào (5.9.1962 - 5.9.2022) và 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào (18.7.1977 - 18.7.2022) được tổ chức trọng thể tại TP Hà Nội ngày 18.7.2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Chúng tôi luôn luôn mong muốn hợp tác, hỗ trợ đất nước Lào với tinh thần “giúp bạn là giúp mình”, xem đây là nhiệm vụ chiến lược… Dù thế giới có đổi thay thế nào chăng nữa, chúng ta vẫn quyết tâm cùng nhau gìn giữ và phát huy mối quan hệ đặc biệt thủy chung, son sắt Việt Nam - Lào theo đúng như ý nguyện của Chủ tịch Kaysone Phomvihane: “Núi có thể mòn, sông có thể cạn, song tình nghĩa Việt - Lào sẽ mãi mãi vững bền hơn núi, hơn sông”...
HỒI ỨC “ĐẶC BIỆT” CỦA NGƯỜI CỰU CHIẾN BINH
Đầu tháng 8.2022, chúng tôi tìm đến nhà đại tá Tăng Xuân Ngọc (quê An Lão, hiện ở TP Quy Nhơn). Năm 17 tuổi, ông xung phong đi bộ đội, được đào tạo ở lớp tình báo đầu tiên của quân khu V. Năm 19 tuổi, ông tham gia quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu ở Lào, gắn bó, cống hiến ở nước bạn suốt 35 năm. Ông đóng góp tích cực vào quá trình chuẩn bị và có mặt ở nhiều sự kiện quan trọng giữa hai nước, trong đó có Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào (5.9.1962) và Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào (18.7.1977).
Ông Tăng Xuân Ngọc chụp ảnh lưu niệm bên bức trướng Bác Hồ tặng Vua Lào trong chuyến thăm Việt Nam năm 1963, được trưng bày trang trọng tại Bảo tàng Cung điện Hoàng gia (Lào). Ảnh: Nhân vật cung cấp
Ông Ngọc năm nay 91 tuổi, nhưng còn minh mẫn. Ông từng có nhiều năm làm Trưởng Ban liên lạc quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào tỉnh Bình Định. “Bác Hồ từng nói với đoàn chuyên gia chúng tôi ở Lào, thực ra giúp bạn cũng là tự giúp mình. Từ lịch sử đã chứng minh nếu không có sự hi sinh, kề vai sát cánh của lãnh đạo và nhân dân Lào, Việt Nam khó có thể thống nhất đất nước và bảo vệ vững chắc chủ quyền Tổ quốc cho đến ngày nay… Bác cũng căn dặn lúc nào cũng dành thuận lợi cho bạn và nhận khó khăn cho mình; thành tích nào trên đất Lào thì đều là của bạn và những thiếu sót, khuyết điểm nếu có thì mình nên nhận hết. Điều quan trọng này được quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Lào thực hiện rất nghiêm”, ông Ngọc chia sẻ.
Một trong những kỷ niệm sâu sắc của ông Ngọc là sau Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào, tháng 3.1963, Vua Lào Xrixavang Vátthana cùng Hoàng thân, các thành viên trong đoàn khách quý Lào sang thăm hữu nghị nước ta. Trong buổi lễ chia tay vua Lào cùng đoàn trước khi về nước tại sân bay Gia Lâm (Hà Nội), ông Ngọc và đồng chí phiên dịch đứng gần ngay phía sau Bác Hồ. “Khi Bác lần đầu tiên đọc bốn câu: “Thương nhau mấy núi cũng trèo/ Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua/ Việt - Lào hai nước chúng ta/ Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”, đồng chí phiên dịch lúng túng do chưa chuẩn bị trước nên hỏi “Ngọc, 4 câu này dịch thế nào, chứ mình chịu”. Bác nghe vậy, nói cháu chỉ cần dịch ý để các thành viên khác hiểu thôi, chứ Vua Lào từng học ở Hà Nội nên thông thạo tiếng Việt…”, ông Ngọc xúc động kể lại.
HỢP TÁC BỀN CHẶT, THIẾT THỰC
Theo Sở Ngoại vụ, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, tỉnh Bình Định đã thiết lập quan hệ hợp tác với tỉnh Champasak vào năm 1979, sau đó lần lượt mở rộng đến các tỉnh Attapeu, Sekong và Salavan. Đến nay, quan hệ hợp tác giữa Bình Định và 4 tỉnh Nam Lào đã nâng lên tầm cao mới và phát triển khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực.
Hội hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh Bình Định tổ chức chương trình gặp mặt kỷ niệm 45 năm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào (2.12.1975 - 2.12.2020). Ảnh: Sở Ngoại vụ
Một trong những lĩnh vực nổi bật là đầu tư. Bình Định hiện có 3 DN đang thực hiện dự án tại Sekong, Champasak, với tổng vốn đầu tư khoảng 37,5 triệu USD, nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh về dược phẩm, chế biến gỗ, cao su, cà phê... Hầu hết các dự án đầu tư đều mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần tạo việc làm cho người dân địa phương và được lãnh đạo các tỉnh bạn đánh giá cao.
Trong giai đoạn 2016 - 2021, tỉnh Bình Định đã chi hơn 30 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh để thực hiện các hoạt động hợp tác, hỗ trợ 4 tỉnh Nam Lào. Trong đó, tài trợ 10 tỷ đồng xây dựng một công trình dãy phòng học mới ở tỉnh Champasak; hỗ trợ 4 tỉnh Nam Lào tổng cộng 3 tỷ đồng để góp phần khắc phục hậu quả thiên tai, lũ lụt và phòng, chống dịch Covid-19…
Bên cạnh đó, Bình Định luôn quan tâm hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho các tỉnh bạn. Tính riêng từ năm 2016 đến nay, Bình Định đã cấp 243 suất học bổng cho lưu học sinh 4 tỉnh Nam Lào sang học tại các trường đại học, cao đẳng ở TP Quy Nhơn.
Latsamy Phongsawat, sinh viên năm 3 khoa Lý luận chính trị - Luật và Quản lý nhà nước (Trường ĐH Quy Nhơn), chia sẻ: “Tôi cùng các bạn sinh viên Lào được nhà trường quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để thích nghi và nỗ lực học tập, sau này về đóng góp cho quê hương mình”.
Trường ĐH Quy Nhơn bắt đầu đào tạo lưu học sinh Lào từ năm 2002, đến nay đã cấp chứng chỉ tiếng Việt cho hơn 1.000 lưu học sinh, cấp bằng cho 405 lưu học sinh trình độ đại học và 25 lưu học sinh trình độ thạc sĩ. Nhà trường hiện có hơn 100 lưu học sinh Lào đang theo học ở trình độ đại học và thạc sĩ với nhiều ngành và chuyên ngành khác nhau. Năm 2012, nhà trường vinh dự đón Thủ tướng Lào đến thăm, được đánh giá rất cao và mong muốn trường phát huy hơn nữa các hoạt động đào tạo nguồn nhân lực, hợp tác về nghiên cứu khoa học, giáo dục với các tỉnh Nam Lào...
Theo ông Võ Đình Kha, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ, trong giai đoạn 2021 - 2025, Sở đề xuất củng cố và mở rộng các nội dung hợp tác theo hướng toàn diện trên nhiều lĩnh vực, ngày càng đi vào chiều sâu và thực chất. Trong đó, tập trung đẩy mạnh và nâng cao chất lượng đào tạo lưu học sinh Lào, hỗ trợ xây dựng các công trình hữu nghị (trạm y tế, trường học, nhà văn hóa thanh thiếu niên…) cho các tỉnh Nam Lào.
HOÀI THU