Tọa đàm “Bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật bài chòi dân gian”
(BĐ) - Trong khuôn khổ các hoạt động Liên hoan CLB Nghệ thuật bài chòi dân gian tỉnh Bình Định mở rộng năm 2022, chiều 30.8, UBND tỉnh tổ chức Tọa đàm “Bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật bài chòi dân gian” với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia, nhà quản lý, cùng các nghệ nhân bài chòi trong và ngoài tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang; PGS.TS Lê Văn Toàn, Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia; Giám đốc Sở VH&TT Tạ Xuân Chánh đồng chủ trì buổi Tọa đàm.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang (ngồi giữa) cùng PGS.TS Lê Văn Toàn, Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia (ngoài cùng bên trái) và Giám đốc Sở VH&TT Tạ Xuân Chánh đồng chủ trì buổi Tọa đàm. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Phát biểu khai mạc tại Tọa đàm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang bày tỏ: “Trong những năm qua, lãnh đạo tỉnh Bình Định luôn quan tâm, đầu tư nguồn lực đáng kể vào lĩnh vực văn học nghệ thuật nói chung, di sản bài chòi nói riêng. Nhiều thế hệ nghệ nhân trẻ tiếp nối lớp thế hệ nghệ nhân đi trước để thực hành, truyền dạy nghệ thuật bài chòi dân gian, góp phần đưa nghệ thuật bài chòi dân gian lan tỏa sâu rộng đến với công chúng và du khách. Tọa đàm là dịp để các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, nghệ nhân, diễn viên gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, ý thức trong việc bảo vệ, phát huy các giá trị của nghệ thuật bài chòi Trung bộ được UNESCO ghi danh; xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.
Tọa đàm thu hút đông đảo các nhà nghiên cứu, chuyên gia, nhà quản lý, nghệ nhân trong và ngoài tỉnh. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Ngày 10.7.2019, UBND tỉnh tiếp tục ban hành Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật bài chòi Trung bộ Việt Nam - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2019 - 2023” nhằm thực hiện Chương trình hành động quốc gia “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật bài chòi Trung bộ Việt Nam, giai đoạn 2018 - 2023” do Bộ VH-TT&DL ban hành. Thực hiện Đề án nêu trên, đến nay cả tỉnh có 35 nhóm, CLB bài chòi được thành lập; duy trì hoạt động 28 hội bài chòi dân gian, với hơn 200 nghệ nhân bài chòi. Trong số này, có 90 nghệ nhân thực hành hô hát bài chòi, 50 nghệ nhân có khả năng vừa thực hành, vừa truyền dạy bài chòi dân gian.
Nhà nghiên cứu Nguyễn An Pha phân tích về loại hình bài chòi dân gian với sự minh họa của nghệ sĩ Hoàng Việt hô các làn điệu cổ của bài chòi dân gian tại buổi Tọa đàm đã nhận được sự quan tâm của các chuyên gia, nhà nghiên cứu tham dự. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Biểu diễn nghệ thuật bài chòi dân gian tại Tọa đàm. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Tại buổi tọa đàm, các nhà nghiên cứu, cơ quan quản lý, nghệ nhân đã cùng trao đổi, thảo luận nhằm tìm ra các giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật bài chòi dân gian trong thời gian tới; trong đó, nhấn mạnh về việc thực hành, truyền dạy, kiểm kê, tư liệu hóa di sản bài chòi; tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của xã hội, nhất là giới trẻ đối với di sản bài chòi; hỗ trợ cộng đồng phục hồi, lưu truyền các bài bản cổ của nghệ thuật bài chòi dân gian; chính sách đối với các nghệ nhân, nhóm, CLB bài chòi hoạt động; quảng bá về giá trị di sản bài chòi dân gian gắn với công tác bảo tồn di sản và phát triển du lịch…
NGỌC NHUẬN