Hội thảo khoa học Bảo tồn đa dạng sinh học đầm Đề Gi
(BĐ) - Sáng 30.8, Sở TN&MT tổ chức Hội thảo khoa học “Điều tra, thống kê định kỳ các hệ sinh thái, các loại động vật, thực vật đặc hữu có giá trị khoa học, kinh tế hoặc đang có nguy cơ tuyệt chủng tại đầm Đề Gi” với sự tham gia của các chuyên gia, các sở, ngành liên quan, cơ quan quản lý trong tỉnh (ảnh).
Dự án “Điều tra, thống kê định kỳ các hệ sinh thái, các loại động vật, thực vật đặc hữu có giá trị khoa học, kinh tế hoặc đang có nguy cơ tuyệt chủng tại đầm Đề Gi” do Sở TN&MT phối hợp đơn vị tư vấn là Viện TN&MT (Trường Đại học Quốc gia Hà Nội) triển khai thực hiện từ năm 2021 - 2022 theo Quyết định số 4906/QĐ - UBND ngày 28.12.2017 của UBND tỉnh về Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Bình Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Các chuyên gia của dự án đã thực hiện điều tra, khảo sát bằng nhiều phương pháp khác nhau để xác định các hệ sinh thái và đa dạng sinh học, các giá trị kinh tế đầm Đề Gi. Kết quả bước đầu xác định, đầm Đề Gi không có loài đặc hữu, nhưng có nhiều loài động vật quý, hiếm nằm trong sách Đỏ Việt Nam (7 loài); sách Đỏ Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế - IUCN (3 loài); 1 loài sẽ nguy cấp, 2 loài ít quan tâm, 1 loài trong Nghị định 84/2021/NĐ - CP của Chính phủ; 58 loài động thực vật có giá trị kinh tế. Đáng chú ý, các chuyên gia của dự án đã ghi nhận có 14 loài sinh vật ngoại lai; trong đó, có 12 loài được đánh giá có khả năng xâm hại hoặc xâm hại cao tại đầm Đề Gi. Một số tác động do biến đổi khí hậu, hoạt động xả thải ra môi trường, khai thác thủy sản bằng phương pháp mang tính hủy diệt, quá trình đô thị hóa… đã làm tổn thương đến đa dạng sinh học đầm Đề Gi.
Tại hội thảo, các chuyên gia, cơ quan quản lý đã thảo luận, góp ý, đóng góp những ý kiến để hoàn chỉnh báo cáo dự án, trong đó đề xuất các giải pháp quản lý, bảo tồn hệ sinh thái các loài động thực vật có giá trị khoa học, giá trị kinh tế hoặc đang có nguy cơ tuyệt chủng. Trên cơ sở đó, Sở TN&MT sẽ đề xuất UBND tỉnh những định hướng bảo tồn, sử dụng hợp lý và phát triển nguồn lợi thủy sản đầm Đề Gi, cũng như bảo tồn đa dạng sinh học trong tỉnh.
NGỌC NHUẬN