Cách mạng Tháng Tám ở Bình Định
Cách mạng Bình Định là một bộ phận của cách mạng cả nước, dưới sự lãnh đạo thống nhất của một Đảng; do đó, có mối quan hệ chặt chẽ, biện chứng với cách mạng cả nước. Cách mạng Tháng Tám ở Bình Định đã có những đóng góp rất quan trọng cho cách mạng cả nước trong giai đoạn này.
CHỦ ĐỘNG, SÁNG TẠO, CHỚP THỜI CƠ GIÀNH CHÍNH QUYỀN
Tại Bình Định, sự bóc lột nặng nề, chính sách khủng bố tàn khốc của Pháp - Nhật tuy gây ra nhiều khó khăn nhưng không thể ngăn chặn được các phong trào cách mạng như phong trào chống chính sách “kinh tế thời chiến”, đấu tranh chống chế độ hà khắc trong nhà tù.
Ngày 9.3.1945, Nhật đảo chính Pháp. Theo tinh thần chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” của Trung ương Đảng, giữa tháng 4.1945, Ủy ban vận động Cứu quốc tỉnh được thành lập. Không bao lâu sau, Ủy ban vận động cứu quốc huyện và tổng thành lập ở nhiều địa phương. Cuối tháng 5.1945, Ủy ban vận động Việt Minh do đồng chí Võ Xán làm Bí thư được thành lập. Cả hai hệ thống tổ chức trên tìm cách bắt liên lạc với tổ chức Đảng và Việt Minh cấp trên, tiếp tục tuyên truyền chủ trương, chính sách của Mặt trận Việt Minh nhằm tập hợp các tầng lớp nhân dân, xây dựng lực lượng tự vệ cứu quốc, chuẩn bị điều kiện giành chính quyền.
Lễ trao ấn kiếm của chính quyền phong kiến cho Ủy ban Kháng chiến Việt Minh Nguyễn Huệ tại Quy Nhơn tháng 8.1945 (ảnh chụp lại tranh trưng bày tại Bảo tàng tỉnh). Ảnh: M.LÂM
Tối 13.8, tuy chưa nhận được lệnh khởi nghĩa của Trung ương, nhưng trên cơ sở nhận được tin phát xít Nhật đầu hàng, căn cứ tinh thần chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” và tình hình cụ thể của địa phương, Ủy ban vận động Việt Minh họp khẩn cấp tại ga Quy Nhơn do đồng chí Võ Xán trực tiếp chỉ đạo.
Hội nghị quyết định thành lập Ủy ban khởi nghĩa do đồng chí Võ Xán lãnh đạo và xây dựng Đội tự vệ cứu quốc.
Ngày 18.8, Hội nghị Ủy ban vận động cứu quốc tỉnh được triệu tập tại An Sơn (Hoài Nhơn) nhận định: Quần chúng và cán bộ, đảng viên có quyết tâm, song phong trào so với các nơi khác còn yếu, lệnh khởi nghĩa của Trung ương chưa nhận được, phải thận trọng và quyết định thành lập Ủy ban khởi nghĩa tỉnh.
Ngày 23.8.1945, Ủy ban vận động Việt Minh huy động trên 10.000 quần chúng và lực lượng tự vệ cứu quốc chiếm Quy Nhơn, lật đổ chính quyền bù nhìn, thành lập chính quyền cách mạng lâm thời tỉnh với tên gọi UBND cách mạng lâm thời tỉnh Nguyễn Huệ do đồng chí Võ Xán làm Chủ tịch, mở đầu cho phong trào vũ trang khởi nghĩa toàn tỉnh. Ngày 24.8, huyện Phù Mỹ khởi nghĩa giành chính quyền thành công, tiếp đó là huyện Hoài Ân (ngày 26.8), Hoài Nhơn (ngày 27.8)…
Ngày 31.8, Hội nghị liên tịch giữa đại biểu Ủy ban vận động Cứu quốc tỉnh và Ủy ban vận động Việt Minh quyết định thống nhất lực lượng Việt Minh toàn tỉnh và tuyên bố thành lập UBND cách mạng lâm thời mới tỉnh Bình Định vào ngày 3.9.
Như vậy, chỉ hơn 1 tuần lễ (ngày 23 - 31.8), nhân dân Bình Định đã vùng lên giành chính quyền trong toàn tỉnh. Nguyên nhân cơ bản là Đảng bộ tỉnh đã biết vận dụng sáng tạo đường lối, chủ trương của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào tình hình, điều kiện cụ thể của địa phương; biết tạo thời cơ và chớp lấy thời cơ; đặc biệt đã biết dựa vào dân, biết phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân với tinh thần “lấy sức ta giải phóng cho ta”.
ĐÓNG GÓP CỦA CÁCH MẠNG BÌNH ĐỊNH
Trước khi Cách mạng Tháng Tám nổ ra, Bình Định đã góp phần chuẩn bị những điều kiện cần thiết cho cách mạng cả nước.
Trong giai đoạn 1930 - 1945, Bình Định tiến hành chuẩn bị về tổ chức. Ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, từ 1930 - 1945, tại Bình Định đã thành lập các chi bộ: Nhà máy Đèn (Quy Nhơn), Đề Pô Diêu Trì (Tuy Phước), Trường Quốc học (Quy Nhơn), Cửu Lợi (Hoài Nhơn), Trà Quang (Phù Mỹ), Vạn Đức (Hoài Ân), Hồng Lĩnh (An Nhơn). Về tổ chức Đảng cấp huyện, ngay từ năm 1930 đã thành lập được hai tổ chức ở Quy Nhơn và Hoài Nhơn. Năm 1937, Tỉnh ủy lâm thời được thành lập.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn 1930 - 1945, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Bình Định, tổ chức Mặt trận và các tổ chức quần chúng yêu nước với các tên gọi khác nhau được thành lập. Đặc biệt, giai đoạn 1939 - 1945, đã thành lập được hai hình thức Mặt trận rất quan trọng để tập hợp lực lượng (Ủy ban vận động Việt Minh và Ủy ban vận động Cứu quốc).
Về lực lượng, cùng với cả nước, qua các cao trào cách mạng (1930 - 1931, 1936 - 1939, 1939 - 1945), Tỉnh ủy Bình Định đã đưa các tầng lớp nhân dân (công - nông làm nòng cốt) tham gia các phong trào đấu tranh. Điển hình như cuộc biểu tình cây số 7 Tài Lương (23.7.1931); phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ (1936 - 1939); phong trào chống “chính sách thời chiến” của Pháp, phong trào đấu tranh trong nhà tù, phong trào kháng Nhật… (1939 - 1945) đã góp phần xây dựng và rèn luyện về tinh thần, bản lĩnh và phương pháp đấu tranh của lực lượng chính trị chuẩn bị cho cách mạng Tháng Tám.
Qua cao trào cách mạng 1939 - 1945, đặc biệt là năm 1945, Tỉnh ủy Bình Định đã lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng LLVT và lực lượng nửa vũ trang, sắm sửa vũ khí để chuẩn bị cho cách mạng Tháng Tám.
Có thể nói, đến trước Tháng Tám năm 1945, ở Bình Định, những điều kiện thiết yếu cho một cuộc cách mạng đã được chuẩn bị chu đáo. Nhân dân Bình Định chỉ chờ tiếng kèn xung trận là xông lên như nước vỡ bờ nhấn chìm bè lũ cướp nước và bán nước tại địa phương.
Trong cách mạng Tháng Tám, Bình Định có đóng góp cực kỳ quan trọng qua việc dự báo, chớp thời cơ, kịp thời phát động khởi nghĩa giành chính quyền tại địa phương (23.8.1945).
Cách mạng Tháng Tám ở Bình Định là một bộ phận của cách mạng cả nước. Do đó, chủ trương của Đảng “khởi nghĩa từng phần, giành chính quyền từng bộ phận” được thực hiện thắng lợi ở Bình Định đã góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương của Đảng ở miền Trung (Cách mạng Tháng Tám ở Huế cũng thành công vào ngày 23.8.1945) và trên phạm vi cả nước.
Cách mạng Tháng Tám ở Bình Định đã góp phần tạo thành cơn bão táp cách mạng trên phạm vi cả nước.
LÊ VĂN MINH