Giá trị của nền độc lập
Chiều ngày 2 tháng 9 năm 1945, trong Lễ Độc lập đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh long trọng tuyên bố với thế giới, rằng: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy!”. Từ đó đến nay, dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng, dân tộc ta đã từng bước phát huy giá trị và tận hưởng thành quả nền độc lập ấy.
Lời văn đanh thép của Tuyên ngôn độc lập có giá trị như một lời hịch kêu gọi toàn dân Việt Nam, trước hết là hãy nhận thức về giá trị của nền độc lập, về quyền công dân của mình, và khi đã thấu hiểu giá trị vô giá và quyền được hưởng từ nền độc lập, thì nghĩa vụ công dân là “quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
1. Bây giờ, đọc lại bản Tuyên ngôn độc lập bất hủ do chính tay Bác Hồ viết, tôi có cảm giác như ngày xưa ấy, những tay thực dân Pháp không chịu đọc hay không chịu hiểu một điều giản dị đến chừng ấy, là dân tộc Việt Nam muốn gì, và dân tộc ấy sẵn sàng bảo vệ cái gì, bằng “tất cả tinh thần và lực lượng” của mình.
Trong những chuyển biến của chính trị thế giới trong thế kỷ XX và cho tới tận bây giờ, chuyện một nước lớn vờ không hiểu một nước nhỏ hơn nói gì, muốn gì, khát khao và kiên quyết bảo vệ cái gì, là chuyện xảy ra khá thường xuyên. Chính vì thế, chiến tranh đã xảy ra liên miên, từ Thế chiến thứ 2 tới những cuộc chiến tranh mang tính cục bộ nhưng không kém phần khốc liệt như cuộc chiến tranh Việt - Pháp chính thức nổ ra ngày 19.12.1946, tới cuộc kháng chiến chống Mỹ cực kỳ ghê gớm sau này, kéo dài 21 năm trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Khi những kẻ thực dân hiểu ra, thì chủ nghĩa thực dân cả cũ và mới ở thế kỷ XX đã chính thức cáo chung.
Nhưng ở thế kỷ XXI, tư tưởng thực dân, những biến tướng của nó vẫn còn hiện diện, và luôn thể hiện ở chỗ này chỗ khác. Việt Nam vẫn là cái đích bị thực dân “siêu mới” dòm ngó, đe dọa bằng “sức mạnh mềm” hiểm độc.
Chính vì thế, mỗi năm khi ngày Quốc khánh 2.9 tới với toàn dân Việt Nam chúng ta, thì giá trị của nền Độc lập trong thời hiện tại và trong tương lai cần luôn được thấu hiểu bằng những gì cụ thể nhất, cập nhật nhất. Và khi đó, bài học rỡ ràng về lòng yêu nước của dân tộc Việt Nam luôn được nhắc lại để những người hôm nay suy ngẫm, vì sao, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố bản Tuyên ngôn độc lập, thì hơn 90% nhân dân ta còn chưa biết chữ hoặc bị coi như không biết chữ, vậy mà đã hưởng ứng Tuyên ngôn độc lập bằng những hành động cụ thể như thế nào, bằng ý chí lẫm liệt như thế nào, cả thế giới đều biết.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình, ngày 2.9.1945. Nguồn: baotanglichsu.vn
2. Chính sách ngu dân là chính sách của thực dân Pháp, chính sách cướp của giết người là chính sách của phát xít Nhật, thì người Việt Nam bằng lòng yêu nước vô hạn, bằng niềm tin sắt đá khi vùng lên thoát ách áp bức, như trong trạng thái xuất thần, đã phản kháng bằng tất cả sức mạnh tiềm ẩn sau hàng trăm năm nô lệ khốn cùng của mình, để bảo vệ cho được nền độc lập, bảo vệ bằng được lý tưởng đẹp đẽ nhất trên đời: Độc lập, Tự do, Hạnh phúc.
Ngày đó, nhiều người nghĩ chữ độc lập có nghĩa là “đứng một”, đứng một mình. Nhưng đứng một mình thì làm sao giữ được độc lập ? Bác Hồ và Trung ương Đảng đã hiểu điều ấy sâu sắc hơn bất cứ ai. Chúng ta kháng chiến để có bạn, để tìm bạn, nhất là những bạn cùng chí hướng, những bạn có thể ủng hộ mình. Cho tới bây giờ, khi Việt Nam đã có điều kiện để là bạn với cả thế giới, thì bài học tìm bạn, tin bạn hay vì bạn để bạn vì mình vẫn là bài học của hôm nay, và của cả ngày mai.
Khi những kẻ thù cũ đã thành bạn, khi slogan “Độc lập, Tự do, Hạnh phúc” đã thành mục tiêu cả dân tộc phấn đấu từng ngày để đạt tới, thì vai trò của nhân dân lại phải được đặt lên cao nhất. “Đẩy thuyền hay lật thuyền cũng là dân”, ngày xưa Nguyễn Trãi vĩ đại đã nói như vậy. Câu nói ấy bây giờ vẫn còn nguyên giá trị. Chắc chắn chúng ta đều muốn “Thuyền xô sóng dậy, sóng đẩy thuyền lên” theo 6 điều tổng kết của Bác Hồ:
1. Đặt lợi ích nhân dân lên trên hết;
2. Liên hệ chặt chẽ với nhân dân;
3. Việc gì cũng bàn với nhân dân, giải thích cho nhân dân hiểu rõ;
4. Có khuyết điểm thì thật thà tự phê bình trước nhân dân, và hoan nghênh nhân dân phê bình mình;
5. Sẵn sàng học hỏi nhân dân;
6. Tự mình phải làm gương mẫu cần kiệm liêm chính, để nhân dân noi theo”.
(Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.7, tr.270)
Những điều căn dặn cụ thể tha thiết của Bác Hồ về quan hệ với nhân dân đã nói lên giá trị và vai trò của nhân dân trong lịch sử phát triển đất nước.
Có thể thấy, giá trị của Độc lập từ Tuyên ngôn Độc lập Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên đọc trên quảng trường Ba Đình ngày 2.9.1945 gắn bó chặt chẽ với giá trị, quyền sống tự do và độc lập của nhân dân Việt Nam. Trong thực tế, suốt 77 năm nay, công cuộc kháng chiến và kiến quốc của Việt Nam đều thể hiện khát vọng mà Tuyên ngôn Độc lập đã khẳng định vào buổi chiều ngày 2.9.1945 ấy.
Giờ đây, cả nước đang trong một vận hội mới xây dựng đất nước đẹp và giàu như Di chúc của Bác Hồ. Trong công cuộc xây dựng mới ấy, vai trò của trí tuệ, của sáng tạo, của khoa học, của tinh thần nhân văn nhân ái, của lối sống tử tế lại phải đặt lên hàng đầu. Việt Nam không chỉ đẹp và giàu, mà còn phải là một quốc gia tử tế, một dân tộc văn minh.
Bản Tuyên ngôn Độc lập được Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc trong ngày 2.9.1945. Nguồn: baotanglichsu.vn
3. Khi viết bài này cho Báo Bình Định đặc san kỷ niệm ngày Quốc khánh, tự nhiên trong đầu tôi lại nghĩ ngay tới Trung tâm Quốc tế khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE, tọa lạc tại TP Quy Nhơn). Theo tôi, đó là công trình đáng giá nhất của TP Quy Nhơn và của tỉnh Bình Định đã hoàn thành từ mấy năm nay, nơi hằng năm đều có những hội thảo khoa học tầm quốc tế, nơi những nhà khoa học hàng đầu thế giới thường đến và đóng góp trí tuệ của mình cho Việt Nam, từ một nơi tuyệt đẹp sát biển Quy Nhơn - Thung lũng Quy Hòa.
Tháng 7.2022 vừa rồi tại trung tâm khoa học này đã diễn ra hội nghị khoa học quốc tế “Điện tử lượng tử Tôpô tương tác trực diện”, với sự tham dự của GS Duncan Haldane - Giải Nobel Vật lý 2016, hiện đang giảng dạy tại ĐH Princeton (Mỹ), và GS Đàm Thanh Sơn, Trường ĐH Chicago (Mỹ), một người Việt Nam đã được trao Huy chương Dirac - giải thưởng danh giá nhất của giới Vật lý lý thuyết.
GS Duncan tiếp xúc với nhiều nhà khoa học trẻ Việt Nam tại hội nghị này, và ông đã nói: “Động lực để giới trẻ học và tiếp thu được khoa học trong thời đại ngày nay không nhất thiết phải phụ thuộc vào sách vở hay chờ sự dìu dắt từ những nhà khoa học lớn. Việc giáo dục và truyền cảm hứng nghiên cứu khoa học cho học sinh, sinh viên phải được thực hiện càng sớm càng tốt, từ lúc họ còn ngồi trên ghế nhà trường.”
Những lời tâm huyết ấy từ một nhà khoa học là chủ nhân giải Nobel Vật lý 2016, nói trước ngày Quốc khánh Việt Nam hơn một tháng, đã khiến chúng ta cảm động và suy nghĩ.
Ngày Quốc khánh năm nay, sau những tai họa của dịch bệnh, chúng ta lại hướng tới những giá trị tốt đẹp nhất của đất nước. Tôi nghĩ, những hoạt động khoa học ở tầm cao tại ICISE là một trong những điểm nhấn mà chúng ta hướng tới, khi mà giá trị của nền Độc lập Việt Nam đã ở vào tầm cao mới, sau ngót 80 năm chiến đấu và xây dựng.
THANH THẢO