Sống mãi với thời gian
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những kỷ vật thiêng liêng mang đậm dấu ấn lịch sử vẫn khắc sâu trong mỗi chúng ta về tinh thần chiến đấu và sự hy sinh anh dũng, kiên cường, bất khuất của các thế hệ đi trước.
1.
Cận ngày Quốc khánh của đất nước năm nay, bà Nguyễn Thị Đấy (91 tuổi, người có công cách mạng ở thôn An Hội, xã Hoài Sơn, TX Hoài Nhơn) hết sức xúc động vì được nhận lại kỷ vật của mình trong thời gian tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nghẹn ngào ôm kỷ vật trong tay, bao ký ức năm xưa lại ùa về trong tâm thức của người phụ nữ ở tuổi xưa nay hiếm.
Mân mê từng dòng chữ trong chiếc thẻ cử tri Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam cấp năm 1965, bà Đấy vẫn minh mẫn kể rành mạch về quá trình tham gia cách mạng của mình.
Bà Nguyễn Thị Đấy mân mê kỷ vật là thẻ cử tri năm bà 34 tuổi. Ảnh: XUÂN NHÂM
Năm 1954, sau khi chồng tập kết ra Bắc, bà ở nhà cũng tham gia cách mạng. Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh. Không trực tiếp ra chiến trường, bà ở nhà nuôi các cán bộ cách mạng nằm vùng. Ngày ngày, bà lén lút tránh tai mắt của địch để vận chuyển lương thực thực phẩm cho cán bộ cách mạng nằm vùng trên các dãy núi ở An Đỗ, An Hội.
“Nơi cán bộ ở cách nhà hơn 2 km. Địch luôn theo dõi sát sao nhất cử nhất động của gia đình nên tôi thường chọn buổi tối để đi tiếp tế; đi một cách lặng lẽ, không đèn không đuốc. Địch phát hiện cũng chết, đi đường núi không cẩn thận rơi xuống vực cũng chết nhưng tui mặc kệ, một lòng đi theo cách mạng”, bà Đấy kể.
Biết bà Đấy nuôi cách mạng nhưng không có chứng cứ, chưa kể bà có chồng đi tập kết ra Bắc, nên địch vô cùng thù ghét gia đình và thường đến nhà kiếm cớ bắt bớ. Thậm chí, chúng còn bắt bà đi tù và dùng nhiều hình thức tra khảo tàn độc, nhưng bà Đấy luôn kiên cường, không hé răng nửa lời.
Trong đó, có đợt bà bị địch bắt đi tù lâu nhất là 8 tháng mới được trả tự do. Nhắc lại quãng thời gian này, con gái duy nhất của bà Đấy là Nguyễn Thị Số bật khóc nói: “Ba đi tập kết ra Bắc khi tôi chưa tròn một tuổi. Mẹ ở nhà làm cách mạng thường xuyên bị địch bắt đi tra khảo. 12 tuổi, tôi phải lên núi chặt mía rồi gánh hơn 10 cây số ra chợ ở xã Hoài Châu bán lấy tiền để mua cá khô lên thăm mẹ. Thương mẹ lắm! Nếu kỷ vật là chiếc thẻ cử tri này mà khi ấy bị địch phát hiện, chắc địch sẽ không tha, hai mẹ con không còn sống tới giờ”.
2.
Mỗi kỷ vật là một câu chuyện xúc động gắn với ký ức của mỗi người lính cũng như thân nhân, gia đình. Và hơn hết, chính những kỷ vật này là những tài sản vô giá, khẳng định sự bất tử của những anh hùng liệt sĩ đã dâng hiến cuộc đời cho đất nước.
Giọt nước mắt lăn trên khóe mắt ông Trần Văn Kẽm (77 tuổi, ở phường Lý Thường Kiệt, TP Quy Nhơn) khi những ký ức về người mẹ - bà Ngô Thị Đường, ùa về qua kỷ vật là phiếu xác nhận nhận tiền ủng hộ cách mạng từ Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Khu 5 năm 1965, vừa được Bộ CHQS tỉnh trao lại cho gia đình.
Kỷ vật là phiếu xác nhận nhận tiền ủng hộ cách mạng từ Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Khu 5 năm 1965 vừa được Bộ CHQS tỉnh trao lại cho gia đình ông Trần Văn Kẽm. Ảnh: XUÂN NHÂM
“Thấy kỷ vật này, tôi như được gặp lại mẹ của mình. Tuy trong kỷ vật ghi tên người ủng hộ là bố tôi (ông Trần Mua - PV), nhưng người ủng hộ khi đó là mẹ. Bởi vì bố tôi khi đó đã đi tập kết ra Bắc, chỉ có mẹ ở nhà. Ghi vậy để qua mặt kẻ thù. Bởi nếu địch biết, chúng sẽ không tha”, ông Kẽm nói.
Ông Kẽm cũng kể lại rằng, năm 1962, 3 anh em của ông đều thoát ly tham gia cách mạng. Mẹ ở nhà một mình tại thôn Xuân Phong, xã An Hòa (huyện Hoài Ân). Tuy ở một mình, nhưng bà vẫn tích cực lao động, sản xuất để đóng góp cho cách mạng. Sau đó, hai người anh của ông Kẽm đều mất trên chiến trường. Ngày 26.12.2014, Chủ tịch nước đã có quyết định truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng cho bà Đường.
Những kỷ vật vô giá được tìm thấy và trở về trong vòng tay người thân, mang theo những câu chuyện vô cùng xúc động về năm tháng chiến tranh đầy bi tráng. Chia sẻ cảm nhận của gia đình khi nhận được kỷ vật, ông Kẽm tâm tư: “Nhận lại được kỷ vật của mẹ, tôi vừa mừng, vừa tủi. Mừng vì tìm được kỷ vật, nhưng tủi là phải chi mẹ còn sống để cùng chia niềm vui này. Tôi sẽ bảo quản kỷ vật thật kỹ để dạy dỗ con cháu về truyền thống yêu nước của dân tộc và gia đình”.
3.
Sự đầy đủ, no ấm và hạnh phúc của cuộc sống hôm nay được đánh đổi từ những khốc liệt, gian lao, từ những hiến dâng tuổi thanh xuân của lớp lớp cha anh đã chiến đấu và ngã xuống. Mỗi kỷ vật là câu chuyện dài, có ý nghĩa còn mãi với thời gian, là quá khứ hào hùng nhưng cũng là cầu nối với thế hệ tương lai. Nhắc nhớ chúng ta biết tri ân và sống xứng đáng, không bao giờ được quên những hy sinh để viết nên hai từ Tổ Quốc...
XUÂN NHÂM