Chủ tịch nước chủ trì lễ kỷ niệm 77 năm Quốc khánh
Tối 31.8, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân chủ trì lễ kỷ niệm 77 năm ngày Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2.9.1945-2.9.2022).
Dự buổi lễ có Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Phó thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh; Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Bộ trưởng Công an Tô Lâm; Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang... cùng các vị đại sứ, đại biện, trưởng đại diện các tổ chức quốc tế tại Hà Nội.
Lãnh đạo Nhà nước khẳng định, Tuyên ngôn độc lập là áng văn lập quốc lịch sử, trong đó Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ nêu tinh thần đoàn kết, ý chí quật cường của người dân đất Việt mà còn là tiếng nói tự tin hướng tới quốc tế về sự ra đời nhà nước mới. Nhà nước Việt Nam không chỉ đề cao quyền con người mà còn đề cao quyền dân tộc tự quyết, thể hiện khát vọng cháy bỏng "không có gì quý hơn độc lập, tự do".
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ kỷ niệm 77 năm ngày Quốc khánh, chiều tối 31.8. Ảnh: Giang Huy
Với mức tăng GDP hàng năm trung bình khoảng 7% trong 35 năm, đến nay Việt Nam đứng trong nhóm 40 nền kinh tế có quy mô lớn nhất thế giới; nhóm 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất. Hàng vạn nhà đầu tư đến từ 140 quốc gia, vùng lãnh thổ đang hoạt động tại Việt Nam, với 35.000 dự án và tổng vốn 430 tỷ USD. Năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam đạt kỷ lục 670 tỷ USD.
Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 190 quốc gia; thiết lập quan hệ ổn định lâu dài với 30 đối tác chiến lược và toàn diện. Nhiều sự kiện quốc tế được tổ chức thành công như APEC 2017, thượng đỉnh Mỹ - Triều... Trong dịch Covid-19, Việt Nam tiếp tục chính sách ngoại giao chân thành "từ trái tim đến trái tim". Từ đầu năm 2022, cả nước đã kiểm soát tốt dịch bệnh, kinh tế phục hồi nhanh.
Chủ tịch nước khẳng định, trên mỗi chặng đường qua, Việt Nam luôn nhận được sự đồng hành của cộng đồng quốc tế. Ông cảm ơn các quốc gia, tổ chức, đối tác, doanh nghiệp, nhà đầu tư quốc tế, nhân dân thế giới thời gian qua dù nhiều nước gặp khó khăn do Covid-19 nhưng đã chia sẻ nguồn vaccine, thiết bị vật tư y tế cho Việt Nam. Tình bạn, tình hữu nghị, tình cảm sẻ chia quý báu đó được nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ và trân trọng.
Theo ông Phúc, Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới với khát vọng về phát triển hùng cường. Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định mục tiêu đến 2025, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Để hướng tới những mục tiêu nêu trên, Chủ tịch nước nhấn mạnh sẽ luôn kiên định đường lối đổi mới, đảm bảo cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc. Ba đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế, phát triển nhân lực chất lượng cao, xây dựng hạ tầng sẽ được tập trung triển khai. Đổi mới sáng tạo sẽ được thúc đẩy; khoa học công nghệ ứng dụng mạnh mẽ; chuyển đổi sang nền kinh tế số, kinh tế xanh.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại biểu Việt Nam và khách mời quốc tế dự lễ kỷ niệm 77 năm ngày Quốc khánh, chiều tối 31.8. Ảnh: Giang Huy
Chủ tịch nước cho rằng, muốn đất nước hùng cường, Việt Nam coi phát huy nội lực là yếu tố quyết định, nhưng vẫn cần sự ủng hộ, đồng hành, hợp tác cùng có lợi của quốc tế, để có thêm "ngoại lực", làm mạnh thêm quốc lực. Vì vậy, ông mong muốn các Đại sứ, Đại biện, Trưởng đại diện tổ chức quốc tế tại Việt Nam sẽ chung tay kết nối, chia sẻ. Dẫn câu nói "muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau", Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các nước, tổ chức quốc tế và Việt Nam sẽ cùng nắm chặt tay vượt thách thức, hướng tới tương lai thịnh vượng.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Saadi Salama, Đại sứ Palestine, Trưởng đoàn Ngoại giao tại Việt Nam, bày tỏ, bản Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định đanh thép về tính bất khả xâm phạm của chủ quyền quốc gia, dân tộc và quyền con người. Tinh thần bất diệt ấy mở đầu cho kỷ nguyên độc lập, tự do của các dân tộc thuộc địa trên thế giới, đóng góp cho sự nghiệp hòa bình toàn nhân loại.
"Những nỗ lực không ngừng của người dân Việt Nam để giữ vững lý tưởng độc lập, tự do, hạnh phúc là minh chứng, nguồn cảm hứng để theo đuổi công lý của tất cả các dân tộc trên thế giới", ông nói.
Năm qua, dù còn gặp khó khăn từ tình hình thế giới bất ổn, Việt Nam đã có những thành công nối dài hành trình phát triển. Chính phủ chủ động, quyết liệt, linh hoạt với mục tiêu kiên định là đặt tính mạng, sức khỏe người dân lên trên hết đã giúp đất nước vượt qua bóng đen Covid-19 bao trùm toàn cầu đầy ấn tượng. Kinh tế Việt Nam được đánh giá phục hồi và phát triển nhanh nhất khu vực, để các nhà đầu tư sẵn sàng gửi gắm niềm tin vào môi trường kinh doanh ổn định, đáng tin cậy, giàu tiềm năng.
"Giữa muôn vàn khó khăn, Việt Nam tiếp tục thể hiện là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Tiếng nói Việt Nam cất lên mạnh mẽ tại các diễn đàn khu vực và thế giới trong những vấn đề nóng, gai góc nhất", Đại sứ Saadi Salama nói.
(Theo Viết Tuân/VnE)