Đức sẽ mở rộng hiện diện quân sự ở châu Á
Đức sẽ mở rộng hiện diện quân sự ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương bằng cách điều thêm tàu chiến và tham gia tập trận chung với các đồng minh, đồng thời để mắt đến việc tập hợp lực lượng “khổng lồ” của Trung Quốc, một vị tướng Đức vừa cho biết.
Đức đang tham gia với các nước phương Tây để thể hiện sức mạnh ở khu vực, trong bối cảnh họ đều cảm thấy báo động trước những tham vọng lãnh thổ của Bắc Kinh.
Năm ngoái, Berlin cử tàu chiến lần đầu tiên trong gần 20 năm đến Biển Đông tranh chấp, dù làm phật ý đối tác thương mại hàng đầu, và tháng này đã cử 13 máy bay quân sự đến Úc tập trận chung.
Tướng Đức Eberhard Zorn. (Ảnh: Reuters)
Trong cuộc trả lời phỏng vấn Reuters, tướng Eberhard Zorn, tổng thanh tra của Lực lượng vũ trang Đức (Bundeswehr), cho biết Berlin sẽ cử lực lượng đến Úc để huấn luyện trong năm sau, còn hải quân sẽ cử một hạm đội gồm nhiều tàu chiến đến khu vực vào năm 2024.
“Đây là cách chúng tôi muốn củng cố hiện diện ở khu vực”, ông Zorn cho biết.
Trước đây, Đức thường rụt rè hơn về chính sách an ninh so với các đồng minh vì vai trò của họ trong hai cuộc chiến tranh thế giới, và tập trung hơn vào thương mại quốc tế, từ đó giúp Trung Quốc nhanh chóng trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Đức.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các đối tác kêu gọi Đức thể hiện vai trò lãnh đạo nhiều hơn, duy trì sức mạnh của mình phù hợp với vị thế một nền kinh tế lớn nhất và quốc gia đông dân nhất châu Âu.
Năm 2020, Berlin công bố chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mới, với trọng tâm là tăng cường quan hệ liên minh với các nền dân chủ ở khu vực, đánh dấu bước rẽ mới của Berlin. Tháng 2 năm nay, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cam kết tăng mạnh chi tiêu quân sự, sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Căng thẳng ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đang gia tăng sau khi Trung Quốc triển khai đợt tập trận lớn chưa từng có quanh đảo Đài Loan của nước này, để phản ứng với chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi.
Khi được hỏi liệu Đức có đưa tàu chiến qua eo biển Đài Loan như Mỹ hay không, ông Zorn nói rằng đó là vấn đề nhạy cảm, cần được quyết định ở cấp lãnh đạo chính trị cao nhất.
“Chúng tôi không muốn kích động bất kỳ ai vì sự hiện của mình, nhưng muốn gửi tín hiệu mạnh mẽ về tình đoàn kết với các đồng minh của chúng tôi. Chúng tôi ủng hộ tự do hàng hải và bảo vệ các quy tắc quốc tế”, ông Zorn cho biết.
Vị tướng này cho rằng sức mạnh quân sự của Trung Quốc trước đây được tính bằng số lượng binh lính, nhưng giờ họ ngày càng được trang bị công nghệ tốt hơn.
“Chúng tôi quan sát thấy một sự tích luỹ khổng lồ của các lực lượng vũ trang Trung Quốc”, ông Zorn nói.
(Theo BÌNH GIANG/TPO/Theo Reuters)