Công diễn vở bài chòi Cô thần
(BĐ) - Tối 3.9, tại Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh, Đoàn ca kịch bài chòi Bình Định (thuộc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh) công diễn vở bài chòi Cô thần phục vụ công chúng (ảnh). Đây là một trong những tiết mục biểu diễn nằm trong chuỗi các hoạt động chào mừng kỷ niệm Ngày Sân khấu Việt Nam (12.8 âm lịch) do Chi hội Sân khấu Bình Định (Hội VHNT tỉnh) phối hợp cùng Chi hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tại Bình Định, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh tổ chức. Vở bài chòi Cô thần (tác giả kịch bản: Văn Trọng Hùng; chuyển thể bài chòi: NSƯT Nguyễn Tấn Hào; đạo diễn: NSND Nguyễn Hoài Huệ) là vở diễn đạt HCV tại Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc - năm 2022.
Nội dung vở diễn Cô thần thuộc đề tài lịch sử cận đại, ca ngợi Trung thư lệnh Trần Văn Kỷ - vị quân sư tài ba của vua vương triều Tây Sơn, có công lớn giúp vua Quang Trung xây dựng vương triều Tây Sơn thịnh trị. Sau khi vua Quang Trung đột ngột băng hà, vua Cảnh Thịnh kế vị tuổi còn nhỏ, gian thần lộng hành làm khuynh đảo triều chính. Ông bị giáng chức làm lính gác trạm Mỹ Xuyên - Hương Điền. Tại đây, ông đã gặp lại Đại tư đồ Võ Văn Dũng đang trên đường từ Thăng Long về Phú Xuân theo lệnh triệu hồi. Sau khi nắm rõ sự tình, Đại tư đồ Võ Văn Dũng đã đưa quân về Phú Xuân diệt trừ gian thần Bùi Đắc Tuyên. Mặc dù gian thần bị tiêu diệt, song vương triều Tây Sơn cũng sụp đổ từ đây, dẫn đến thất bại trước sự nổi dậy tấn công của quân Nguyễn Ánh.
Khi Nguyễn Ánh lên ngôi vua lấy hiệu Gia Long, lập ra triều Nguyễn, đã cho mời Trần Văn Kỷ về phục vụ triều đình nhà Nguyễn; nhưng với tấm lòng trung trinh với tiên đế Quang Trung, vương triều Tây Sơn, ông cương quyết từ chối và chọn cái chết để giữ trọn khí tiết “trung thần bất sự nhị quân” (kẻ trung thần không thờ hai vua).
Ngoài vở diễn Cô thần, chuỗi hoạt động chào mừng kỷ niệm Ngày Sân khấu Việt Nam còn có các trích đoạn biểu diễn tuồng và bài chòi do các nghệ nhân của một số đoàn tuồng không chuyên, CLB bài chòi dân gian trong tỉnh biểu diễn vào tối nay (4.9) và vở tuồng Nghêu sò ốc hến (tác giả khuyết danh; nhà nghiên cứu Hoàng Châu Ký cùng với nhà nghiên cứu Tống Phước Phổ chỉnh lý và biên soạn lại kịch bản vào năm 1965) với sự tham gia của nhiều NSND, NSƯT nguyên là diễn viên Đoàn tuồng Liên khu 5, Nhà hát tuồng Đào Tấn cùng dàn dựng, biểu diễn vào tối 5.9 để phục vụ công chúng.
NGỌC NHUẬN