Triển khai công tác phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn năm 2022
(BĐ) - UBND tỉnh vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn tỉnh tổng kết công tác phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh (PCTT-TKCN&PTDS) năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS tỉnh chủ trì hội nghị.
Theo đánh giá của Ban chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS tỉnh, thiên tai năm 2021 diễn biến phức tạp, khó lường, song nhờ sự chỉ đạo kịp thời của các ngành, các cấp, Bình Định đã chủ động các biện pháp phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hiệu quả thiệt hại.
Bên cạnh đó, công tác PCTT-TKCN&PTDS năm 2021 cũng bộc lộ nhiều vấn đề vướng mắc, ảnh hưởng tới công tác PCTT-TKCN chung của cả tỉnh. Cụ thể, một số địa phương xây dựng phương án di dời dân ở các khu vực nguy cơ cao chưa phù hợp; công tác thông tin, tuyên truyền tình hình mưa lũ chưa sâu sát tới từng thôn, xóm, từng nhà dân để chủ động phòng tránh; công tác thống kê, kiểm tra đánh giá thiệt hại chưa nhanh, kịp thời để đề xuất nhu cầu hỗ trợ trong trường hợp khẩn cấp…
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn, năm 2022 tình hình thời tiết diễn biến rất khó lường. Mưa lớn có khả năng xảy ra dồn dập trong tháng 10 và tháng 11, bão, áp thấp nhiệt đới xuất hiện trên biển sớm hơn so với trung bình nhiều năm trước. Bình Định có nguy cơ chịu ảnh hưởng của 1 - 2 đợt bão trong thời điểm các tháng cuối năm. Từ dự báo này, Ban chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS tỉnh chủ động triển khai các giải pháp phòng ngừa, ứng phó với thiên tai trên địa bàn tỉnh; các thành viên được giao quản lý địa bàn theo phân cấp nhiệm vụ tổ chức kiểm tra tình hình và phương án PCTT-TKCN của từng địa phương; phối hợp chặt chẽ trong kết nối thông tin và xử lý các vấn đề liên quan trong PCTT-TKCN.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh yêu cầu các địa phương phải kiện toàn Ban chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS, phân công, phân nhiệm cho thành viên đi về từng cơ sở để nắm bắt tình hình. Chú trọng và chuẩn bị các điều kiện ứng phó với thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”; xây dựng phương án sơ tán dân thích ứng với dịch bệnh Covid-19. Kiểm tra các hồ chứa, gia cố các vị trí xung yếu trên đê, kè. Ngay từ bây giờ, ngành nông nghiệp cùng với các địa phương và lực lượng biên phòng tổ chức kiểm đếm tàu thuyền, khu neo đậu… Năm nay, đặc biệt lưu ý ngành du lịch phải chủ động xây dựng phương án và tuyên truyền cho du khách nhằm đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão. Về lâu dài, UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT là cơ quan chủ trì phối hợp với các địa phương rà soát lại toàn bộ diện tích đất rừng sản xuất, đặc biệt là ở các vùng nguy cơ sạt lở cao để lên phương án trồng rừng phòng hộ, ngăn chặn sạt lở.
THU DỊU